Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) duy trì khuyến nghị MUA khi đánh giá cao khả năng của Tổng CTCP Bưu chính Viettel (VTP) trong việc hưởng lợi từ thương mại điện tử (e-commerce) đang bùng nổ tại Việt Nam, thị trường có giá trị giao dịch gộp ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) tối thiểu là 30% trong giai đoạn 2020-2023, theo quan điểm của VCSC.
Trong báo cáo mới đây của VCSC phân tích, VCSC tăng giá mục tiêu thêm 16% khi VCSC cập nhật giá mục tiêu đến cuối năm 2021 và ghi nhận mức giảm 1,2 điểm phần trăm trong chi phí vốn chủ sở hữu của VCSC, còn 13,0%, dù giảm 3% dự báo tổng LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2020-2023 khi tăng trưởng doanh thu và biên lợi nhuận gộp mảng dịch vụ 9 tháng năm 2020 thấp hơn kỳ vọng của VCSC.
Bên cạnh đó, VCSC dự báo tăng trưởng EPS sẽ giảm tốc còn 16% trong năm 2020 do các gián đoạn của dịch COVID-19 đến chi tiêu tiêu dùng và biểu giá thấp hơn của VTP, có hiệu lực từ tháng 8/2020.
Trong giai đoạn 2020-2023, VCSC dự báo CAGR EPS đạt 22% nhờ chi tiêu của người tiêu dùng phục hồi cùng với hệ thống bưu cục rộng khắp và các kế hoạch cải thiện hiệu suất của VTP.
Giá mục tiêu của VCSC tương ứng P/E dự phóng năm 2021 của VTP là 23,4 lần, so với trung vị ngành là 26,9 lần.
Rủi ro được VCSC đưa ra trong báo cáo: Thị phần giảm ảnh hưởng lợi thế quy mô; không thể cải thiện hiệu suất của chi phí; chi tiêu của người tiêu dùng thấp hơn do các gián đoạn kinh tế từ dịch COVID-19.
Tăng trưởng sản lượng chuyển phát bị ảnh hưởng bởi làn sóng dịch COVID-19 thứ hai trong quý 3/2020 nhưng đã cải thiện từ tháng 9 đến nay; VCSC dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) đạt 30% trong giai đoạn 2020-2023. Trong quý 3/2020, doanh thu mảng dịch vụ tăng nhẹ chỉ 5% YoY so với mức 8% YoY trong quý 2/2020 và 43% YoY trong năm 2019 khi khách hàng hạn chế chi tiêu cho các sản phẩm không thiết yếu như thời trang và điện tử, vốn nằm trong những sản phẩm phổ biến nhất trên kênh thương mại điện tử (e-commerce) tại Việt Nam.
Theo VTP, sản lượng giao nhận bị ảnh hưởng trầm trọng nhất trong giai đoạn tháng 7-8 khi làn sóng dịch COVID-19 thứ hai bùng phát.
VCSC cho rằng tăng trưởng của VTP trong quý 3/2020 cũng bị ảnh hưởng bởi biểu phí chuyển phát mới thấp hơn, vốn có hiệu lực từ tháng 8/2020 mà VCSC đã đề cập trong báo cáo cập nhật trước đó.
Trong bối cảnh VCSC kỳ vọng chi tiêu của người tiêu dùng sẽ cải thiện, VCSC dự báo tăng trưởng doanh thu dịch vụ của VTP sẽ quay về mức khoảng 30% từ quý 4/2020 trở đi. Tuy nhiên, do cạnh tranh về giá dự kiến gay gắt và mức tăng trưởng chậm của mảng thương mại (chiếm 8% lợi nhuận gộp dự phóng năm 2020), VCSC cho rằng tăng trưởng EPS sẽ thấp hơn tăng trưởng doanh thu mảng dịch vụ.
Hiệu quả sử dụng chi phí tiếp tục được cải thiện nhờ tái cơ cấu mạng lưới bưu cục và gia tăng lượng lao động crowdsourcing. Trong quý 3/2020, biên lợi nhuận gộp mảng dịch vụ của VTP tăng thêm 10 điểm cơ bản so với quý trước mặc dù biểu phí thấp hơn kể trên.
Theo ban lãnh đạo, VTP đã đóng cửa nhiều bưu cục có diễn biến kinh doanh thấp trong khi tăng hiệu suất hoạt động của các cửa hàng Viettel Telecom có vị trí tốt với vai trò là bưu cục giao dịch và điểm gửi nhận hàng.
VCSC kỳ vọng các diễn biến này sẽ tiếp diễn trong năm 2021. Tính đến 9 tháng năm 2020, VTP vận hành 1.825 bưu cục và cửa hàng Viettel Telecom so với mức 2.200 tính đến cuối năm 2019. Trong khi đó, hiệu suất giao hàng chặng cuối của VTP cũng gia tăng nhờ tiếp tục tích hợp mảng chuyển phát hiện hữu với mô hình crowdsourcing (thuê ngoài cộng đồng) của ứng dụng MyGo mà VTP phát triển. Theo VTP, MyGo xử lý hơn 50% lượng đơn hàng của VTP trong tháng 10/2020 so với mức 30% trong tháng 12/2019.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những phân tích của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên. KTDU và tác giả không chịu trách nhiệm về các thiệt hại phát sinh (nếu có) liên quan đến nội dung được đăng tải.
Tạ Thành
Theo KTDU