Sự kiện hot
3 năm trước

Cập nhật FPT: Ban lãnh đạo đặt mục tiêu quay về đà tăng trưởng LNTT 2 chữ số cao

VCSC cho biết, VCSC đã tham gia cuộc họp gặp gỡ NĐT trực tuyến của CTCP FPT (FPT), bao gồm một loạt các chủ đề về các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của FPT. Nhìn chung, cuộc họp củng cố quan điểm lạc quan của VCSC về công ty, đặc biệt là việc tăng cường năng lực công nghệ và tư vấn trong mảng CNTT cũng như khả năng phục hồi của chi tiêu CNTT toàn cầu.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bộ phận phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã có báo cáo cập nhật đối với Công ty Cổ phần FPT (FPT).

Mảng CNTT  

Tăng trưởng doanh thu Xuất khẩu phần mềm (XKPM) quay về trong khoảng 20%-25% trong năm 2021, được hỗ trợ bởi chi tiêu CNTT toàn cầu phục hồi và nhu cầu chuyển đổi số (DX) gia tăng. Ban lãnh đạo kỳ vọng diễn biến hợp đồng ký mới của FPT sẽ tiếp tục mạnh mẽ khi dịch COVID-19 đã làm tăng mức độ cần thiết cho các doanh nghiệp đầu tư vào CNTT - đặc biệt là DX.

Ngoài ra, theo dự báo từ công ty nghiên cứu thị trường Mỹ Gartner và ngân hàng đầu tư Mỹ Goldman Sachs, ban lãnh đạo dự kiến dịch vụ thuê ngoài IT toàn cầu sẽ tăng tốc.

Đầu năm 2021, FPT đã giành được hợp đồng mới trị giá 100 triệu USD cho một công ty bảo hiểm ở ASEAN. Trong khi đó, ban lãnh đạo đặt mục tiêu đóng góp doanh thu của DX đạt ít nhất 25%-27% trong năm 2021 so với mức 27% vào năm 2020. Theo FPT, DX đem lại biên lợi nhuận gộp khoảng 55% so với mức khoảng 35% của các dịch vụ XKPM truyền thống.

Mô hình triển khai dự án toàn cầu sẽ thúc đẩy tăng cường năng suất và cơ cấu dịch vụ mảng XKPM. Đầu năm 2021, FPT đã thành lập hai trung tâm triển khai dự án mới tại Ấn Độ và Costa Rica để rút ngắn chênh lệch múi giờ nhằm phục vụ tốt hơn thị trường Mỹ.

Ngoài ra, nhờ các trung tâm mới này, FPT có thể (1) giảm bớt nhân viên tại chỗ ở Mỹ, (2) cung cấp dịch vụ 24 giờ một ngày, điều này đặc biệt mang lại lợi ích cho các dịch vụ managed services của công ty, (3) tháo nút thắt cổ chai năng lực offshore ở Việt Nam, và (4) nâng cao năng suất của công ty. FPT kỳ vọng những lợi ích này sẽ bù đắp cho chi phí lao động cao hơn ở Ấn Độ và Costa Rica (cao hơn 20% so với Việt Nam).

Theo ban lãnh đạo, tăng trưởng doanh thu năm 2020 của FPT bị hạn chế bởi doanh thu tại chỗ (on site) đi ngang do gián đoạn huy động nhân viên trong bối cảnh dịch COVID-19, dù doanh thu từ nước ngoài tăng khoảng 20% YoY. Trong khi đó, theo FPT, tính đến thời điểm hiện tại, công ty còn hạn chế trong các dịch vụ quản lý do các dịch vụ này yêu cầu hỗ trợ khách hàng 24/24 trong khi Việt Nam cũng thiếu nguồn nhân lực phù hợp cho các dịch vụ này.

FPT kỳ vọng lao động mảng XKPM của công ty sẽ tăng 25% trong kịch bản tích cực trong khi năng suất lao động dự kiến sẽ tăng 10% vào năm 2021 so với mức 9% vào năm 2020. Lượng lao động mảng XKPM của FPT hiện đạt khoảng 16.500 người vào cuối năm 2020, trong đó 2.400 nhân viên ở nước ngoài. Trong kịch bản tích cực nhất, số lượng nhân viên mảng XKPM của FPT sẽ đạt khoảng 20.000 vào cuối năm 2021 với các nhân viên mới đến từ cả các thành phố cấp 1 và các thành phố khác như Quy Nhơn và Cần Thơ.

FPT đặt kế hoạch thực hiện M&A để tăng cường năng lực tư vấn và khả năng giành được các hợp đồng lớn, tương tự như thương vụ mua lại công ty tư vấn Intellinet của Mỹ năm 2018. Năm 2020, Intellinet có lãi ròng so với khoản lỗ trong năm 2019, bên cạnh việc giúp FPT giành được hợp đồng trị giá 100 triệu USD tại Mỹ.

Cho đến nay, sự cạnh tranh về lao động địa phương từ các công ty CNTT Ấn Độ vẫn ở mức khá thấp. Cuối năm 2020, nhà cung cấp dịch vụ XKPM của Ấn Độ HCL đã công bố thành lập trung tâm triển khai dự án tại Việt Nam. Ban lãnh đạo cho rằng diễn biến các công ty XKPM của Ấn Độ thành lập chi nhánh tại Việt Nam nhằm hướng đến thị trường Nhật Bản, nơi FPT đã có sự hiện diện mạnh mẽ. Tuy nhiên, cho đến nay, FPT vẫn chưa ghi nhận cạnh tranh gay gắt từ HCL đối với các kỹ sư trong nước.

Ban lãnh đạo cũng kỳ vọng doanh thu CNTT trong nước sẽ tăng tốc từ năm 2021. Ban lãnh đạo kỳ vọng doanh thu CNTT trong nước sẽ tăng trưởng ít nhất 20% mỗi năm trong vài năm tới, một phần nhờ vào việc áp dụng DX ngày càng tăng trong các công ty hàng đầu Việt Nam, vốn là phân khúc khách hàng chính của FPT tại thị trường trong nước. Ngoài ra, FPT kỳ vọng biên LNTT mảng CNTT trong nước sẽ tăng từ 6% hiện tại lên 8% từ năm 2021 trở đi nhờ đóng góp lớn hơn từ doanh thu phần mềm - đặc biệt là từ các sản phẩm tự phát triển của FPT - so với doanh thu phần cứng.

Theo ban lãnh đạo, thay vì chủ yếu tùy chỉnh các nền tảng cốt lõi hiện có như SAP, FPT hướng đến việc cung cấp nhiều sản phẩm tự phát triển hơn cho khách hàng. Năm 2020, doanh thu sản phẩm tự phát triển của FPT tăng 51% YoY đạt 22 triệu USD. Khách hàng mua các sản phẩm của FPT bao gồm ngân hàng Nhật Bản Mizhuho, ngân hàng VietinBank, công ty nước giải khát THP Group và nền tảng thương mại điện tử Tiki.

Dịch vụ Viễn thông

Cả 2 phân mảng PayTV và trung tâm dữ liệu đều mang lại mức tăng trưởng doanh thu hai chữ số mạnh mẽ năm 2020. Doanh thu từ mảng trung tâm dữ liệu và Pay TV tăng lần lượt 22% và 28% YoY năm 2020. Tính đến hiện tại, công suất sử dụng các trung tâm dữ liệu mới của FPT tại Hà Nội và TP.HCM - đi vào hoạt động vào cuối quý 2/2020 - đạt lần lượt 12% và 17%.

Ban lãnh đạo đặt mục tiêu tăng trưởng LNTT xung quanh 15% trong năm 2021 nhờ vào việc mở rộng thuê bao đường truyền cố định và đóng góp lớn từ PayTV, cũng như trung tâm dữ liệu. FPT có kế hoạch tiếp tục mở rộng mảng băng thông rộng đường truyền cố định đến các khu vực cấp 2 và cấp 3 cũng như các tòa nhà chung cư tại các thành phố cấp 1. Theo ban lãnh đạo, tỷ lệ phủ đường truyền cố định của FPT ở các khu vực nông thôn hiện chỉ là 40% so với 100% ở các quận nội thành của thành phố cấp 1 và 80% ở các phường của thành phố cấp 1. Năm 2021, FPT có kế hoạch triển khai mô hình đại lý (cụ thể, thuê đại lý bên thứ ba để thu hút thuê bao thay vì dựa vào nhân viên toàn thời gian và các chi nhánh) để phát triển cơ sở thuê bao tại các khu vực nông thôn.

Do giá cao hơn so với băng thông rộng đường truyền cố định, FPT kỳ vọng khả năng mảng 5G ảnh hưởng mảng đường truyền cố định sẽ không đáng kể trong khi mảng 5G sẽ mở ra cơ hội mới cho công ty. Ví dụ, mảng 5G sẽ thúc đẩy nhu cầu về các phần mềm Internet-of-Things (IoT). Ngoài ra, FPT có thể cho thuê hạ tầng viễn thông cho các nhà mạng di động không có thế mạnh về cáp quang.

Giáo dục

FPT dự kiến doanh thu và LNTT mảng giáo dục sẽ tăng trưởng 30%-40% mỗi năm trong vài năm tới. Trong số các phân mảng trong năm 2021, ban lãnh đạo tin rằng số lượng học sinh mảng K12 (từ mẫu giáo đến lớp 12) sẽ tăng hơn 50%, tiếp theo là tăng trưởng khoảng 50% trong mảng đào tạo nghề và khoảng 30% trong mảng đại học. Đáng chú ý, FPT có kế hoạch triển khai chương trình 9 + 4 mới cho các trường đào tạo nghề nhằm rút ngắn thời gian đào tạo (bao gồm trung học phổ thông + đào tạo nghề) từ 6 xuống 4 năm vào năm 2021. Theo ban lãnh đạo, biên lợi nhuận là tương đồng trong các phân mảng.

Nguồn: Báo cáo VCSC

Nguồn: Báo cáo VCSC

Nhà đầu tư chỉ nên xem những phân tích của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên. KTDU và tác giả không chịu trách nhiệm về các thiệt hại phát sinh (nếu có) liên quan đến nội dung được đăng tải. 

Tạ Thành

Theo KTDU

Từ khóa: