Cách đây hơn 15 năm, ngày 06/08/2002 UBND TP. Hà Nội đã có Quyết định số 112/2002/QĐ-UB phê duyệt quy hoạch chi tiết tuyến đường Láng Hạ, Thanh Xuân (nay là tuyến đường Lê Văn Lương). Trong Quyết định nêu trên, khu dân cư làng xóm 2 bên tuyến đường được đánh ký hiệu thành 12 ô đất. Khu vực giáp đường sẽ giải tỏa mặt bằng, di dân tại chỗ để xây dựng nhà ở cao tầng tạo bộ mặt kiến trúc hiện đại cho tuyến đường; khu vực làng xóm phía trong sẽ vận động nhân dân tự chỉnh trang cho phù hợp quy hoạch. Trong số 12 ô đất nêu trên, có hai ô đất được đánh kí hiệu là 5.1 – NO và 5.5 – NO.
Từ bản quy hoạch chi tiết này, năm 2003, TP. Hà Nội đã có quyết định giao cho Tổng công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (Handico – là công ty trực thuộc UBND TP. Hà Nội) thực hiện dự án hạ tầng tuyến đường và hai bên đường Lê Văn Lương. Sau khi hoàn thành tuyến đường và các hạng mục dự án quan trọng hai bên đường Lê Văn Lương, Handico đã bàn giao phần còn lại cho thành phố Hà Nội quản lý. Năm 2009, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản giao công ty cổ phần đầu tư khai thác và kinh doanh Hà Nội (một công ty thành viên của Handico) làm chủ đầu tư, lập dự án công trình chức năng hỗn hợp dịch vụ công cộng và nhà ở tại ô đất 5.1 – NO và 5.5 – NO (tổng diện tích khoảng 12.062,6 m2).
Ngày 10/6/2016, UBND TP. Hà Nội tiếp tục có văn bản 3011/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch chi tiết cải tạo, chỉnh trang hai bên tuyến đường Lê Văn Lương. Tại Quyết định này, hai ô đất 5.1 – NO và 5.5 – NO được đánh kí hiệu thành N14, N15 và tiếp tục giao cho công ty cổ phần đầu tư khai thác và kinh doanh Hà Nội tiếp tục làm chủ đầu tư. Ấy nhưng chỉ hai tháng sau đó, ngày 11/08/2016, UBND TP. Hà Nội lại có văn bản chấp thuận cho công ty cổ phần đầu tư thương mại Louis (công ty Louis) làm chủ đầu tư dự án “công trình chức năng hỗn hợp dịch vụ công cộng và nhà ở”.
Theo đó, công ty này sẽ được phép xây dựng tổ hợp công trình gồm 5 tòa tháp cao từ 21 đến 32 tầng với tổng số căn hộ lên tới 378 căn chung cư cao cấp trên tổng diện tích đất hơn 12,5 nghìn mét vuông. Điều đáng nói ở chỗ, việc xây dựng “công trình chức năng hỗn hợp dịch vụ công cộng và nhà ở” thực chất là để công ty Louis bán kiếm lời.
Thế nhưng không hiểu sao từ đầu năm 2016, UBND quận Cầu Giấy lại sốt sắng ban hành một loạt văn bản thông báo thu hồi đất gửi tới các hộ dân giống như họ đang thu hồi đất để giải phóng mặt bằng phục vụ cho các dự án công ích của Nhà nước. Theo tìm hiểu của PV báo TN&MT, quận Cầu Giấy cũng đang làm thủ tục đề nghị UBND TP. Hà Nội cấp hơn 4000 m2 đất tái định cư ở quận Nam Từ Liêm cho các hộ dân nằm trong diện thu hồi đất phục vụ dự án “công trình chức năng hỗn hợp dịch vụ công cộng và nhà ở”.
Ông chủ công ty Louis là ai?
Điều dư luận quan tâm ở chỗ, ông chủ công ty Louis là ai mà có thể tạo ra một cú áp phe kinh điển khiến UBND TP. Hà Nội đồng ý chuyển chủ đầu tư từ một công ty thành viên trực thuộc UBND thành phố sang cho một công ty tư nhân như vậy?
Theo tìm hiểu của PV, công ty Louis được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu ngày 03/02/2016, đăng ký thay đổi lần thứ nhất ngày 22/2/2016. Vốn điều lệ của công ty là 200 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật là ông Lê Văn Vọng (người được cho là ông chủ tập đoàn Lã Vọng, một tập đoàn kinh tế đa ngành đang nổi như cồn trong khoảng 2 năm trở lại đây – PV).
Thế nhưng về mặt pháp lý, công ty Louis được tách từ công ty cổ phần đầu tư khai thác và kinh doanh Hà Nội. Trong báo cáo của sở Kế hoạch & Đầu tư gửi UBND TP. Hà Nội có ghi rõ: “Việc tách doanh nghiệp thực hiện phù hợp với quy định của luật Doanh nghiệp. Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Louis là doanh nghiệp được tách, được thừa kế trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi và các nội dung liên quan khác để thực hiện dự án đã được nêu cụ thể trong Nghị quyết 02/NQ-ĐHĐCĐ ngày 26/1/2016 của công ty cổ phần đầu tư khai thác và kinh doanh Hà Nội và phù hợp quy định của luật Doanh nghiệp”.
Như vậy là, tính pháp lý của công ty Louis là “rất đúng quy trình” nhưng điều dư luận không hiểu nổi là khi một doanh nghiệp tư nhân tiếp nhận một dự án đầu tư xây dựng, tại sao chính quyền lại đứng ra lo liệu mọi chuyện, từ việc thu xếp đất sạch cho dự án, giải phóng mặt bằng, lên phương án bồi thường, xin đất tái định cư …
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn báo Đầu tư, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải (nay là Bí thư thành ủy Hà Nội) đã từng phát biểu: “Tất cả dự án, ngoài dự án được xác định là vì lợi ích kinh tế - xã hội, vì mục đích công cộng, phải thực hiện theo cơ chế thỏa thuận với tất cả người dân có đất bị thu hồi, Nhà nước dứt khoát không can thiệp bằng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất. Doanh nghiệp thỏa thuận được với tất cả người dân có đất bị thu hồi thì đầu tư, không thì thôi, không lẫn lộn cơ chế thu hồi và cơ chế thỏa thuận”.
Rõ ràng, việc quy hoạch và xây dựng hạ tầng tuyến đường và hai bên đường Lê Văn Lương là rất cần thiết. Nhưng bên cạnh việc xây dựng theo đúng quy hoạch, điều quan trọng hơn nữa là chúng ta phải tuân thủ theo luật Đất đai. Luật Đất đai và các Nghị định hiện hành quy định rất rõ trường hợp nào nhà nước đứng ra thu hồi đất. Vậy nhưng việc làm của UBND quận Cầu Giấy có đúng với các quy định hiện nay hay không? Và những bí ẩn đằng sau dự án này là gì?