Sự kiện hot
13 năm trước

"Cẩu tặc" lộng hành: Lò “hóa kiếp”

Những con chó được “hóa kiếp” trong lò mổ của ông Tiến trên đường 3/2, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ

Nhiều người khẳng định sở dĩ “cẩu tặc” luôn có đất sống là do lò mổ chó lậu và quán cầy tơ đua nhau mọc lên như nấm
Từ lâu, thịt chó đã trở thành món nhậu khoái khẩu của nhiều người. Vì thế, từ thành thị đến nông thôn, các quán cầy tơ… tùm lum món (trước đây thường chỉ 7 món) đua nhau mọc lên như nấm.

Phố thịt cầy “không đón khách mới”

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở ĐBSCL hầu như không có nơi nào chuyên nuôi chó thịt để cung cấp cho thị trường. Cũng rất hiếm gia đình mang chó nhà đi bán hoặc đổi chó lấy thau, nồi… như trước đây. Thế nhưng, cứ sau giờ tan tầm là các quán cầy tơ đã đầy ắp khách.

Ông T., chủ quán thịt chó trên đường Bùi Thị Trường (phường 5, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau), cho biết mỗi ngày, quán ông bán ít nhất 5 con chó, mỗi con trên 10 kg. Ông T. quả quyết không bao giờ thiếu thịt chó vì đã có đầu mối cung cấp thường xuyên, cần bao nhiêu cũng có. Khi chúng tôi hỏi các đầu mối lấy đâu ra nhiều chó để cung cấp cho quán, ông T. không giấu giếm: “Họ mua của dân trộm chó chứ đâu”.




Những con chó được “hóa kiếp” trong lò mổ của ông Tiến trên đường 3/2, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ

Khu vực có nhiều quán cầy tơ nằm khuất sâu trong một con đường nhỏ của rạch Cái Sơn chạy dài đến cầu Kênh Đào (phường Mỹ Phước, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) lúc nào cũng kín khách. Mới xế chiều nhưng nhiều quán ở đây đã treo bảng: “Hết mồi, không đón khách mới”. Khu Công nghiệp Bình Hòa (xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) cũng có một dãy quán nhậu thịt chó đắt khách như tôm tươi, nhiều người còn gọi khu vực này là … “phố thịt cầy”.

Đường Trần Văn Hoài ở TP Cần Thơ dài chưa đầy 1 km nhưng có rất nhiều quán cầy tơ. Ngoài ra, tại các tuyến đường khác như 30-4, Trần Việt Châu, Trần Hoàng Na, Mậu Thân, Nguyễn Văn Cừ…, quán cầy tơ cũng mọc lên ngày càng nhiều. Ông V.P, chủ quán cầy tơ có tiếng tại TP Cần Thơ, cho biết mỗi ngày, quán bán khoảng 80 kg thịt chó. Quán này thu mua 40.000 đồng/kg nhưng khi làm thành món thì có giá từ 40.000-50.000 đồng/đĩa... Chị Lê Phương Trinh, thực khách, nói: “Nghe nhiều người bảo thịt chó bổ hơn thịt heo nên khi thấy chồng đi ăn, tôi liền kêu dẫn 2 mẹ con theo”.

“Chó dại tôi cũng mua”!

Chủ các quán cầy tơ ở ĐBSCL đều thừa nhận thường xuyên mua chó thịt của “cẩu tặc” với giá từ 30.000 - 40.000 đồng/kg. Tuy nhiên, chỉ có dân trộm không chuyên mới bán trực tiếp cho quán nhậu, còn những tay chuyên nghiệp thì có đầu mối tập kết và phân phối hẳn hoi. Dọc theo tuyến Quốc lộ 1A, đoạn Sóc Trăng - Cần Thơ, nhiều nơi nhan nhản bảng hiệu với các dòng chữ: “Mua bán chó”, “Bán thịt chó lẻ”… Thậm chí, một số nơi còn có cả lò mổ chó.

Trong vai người muốn tìm nguồn thịt chó để chuẩn bị khai trương quán cầy tơ, chúng tôi đã chứng kiến cảnh “hóa kiếp” rùng rợn tại lò mổ của ông Tiến. Căn nhà của ông Tiến nằm sâu trong một con hẻm trên đường 3/2, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Do thông với nhiều hẻm khác nên nơi đây được xem là địa bàn hoạt động của “cẩu tặc” và cả những lò mổ chó.
Cứ chiều xuống, người dân lại thấy nhiều kẻ mặt mày bặm trợn chở từng bao chó đến nhà ông Tiến. Chúng tôi không khỏi xót xa khi chứng kiến cảnh tượng hàng chục con chó bị thương khắp người, nằm thoi thóp dưới nền chuồng ẩm ướt do máu của chúng chảy ra. Nhiều con cứ nhìn về phía chúng tôi với ánh mắt như muốn cầu cứu. Ông Tiến xởi lởi: “Chó dại tôi cũng thu mua nhưng chó bị thiến thì tuyệt đối không vì mỡ nhiều, bán lỗ chết”.



Thịt chó được bán ở chợ nhỏ nằm dưới chân cầu số 1, Quốc lộ 91B, TP Cần Thơ

Khi bước vào khu vực “hóa kiếp” chó với diện tích gần 12 m2, chúng tôi muốn nôn ói vì mùi hôi bốc lên rất khó chịu. Sau khi cạo lông, chó được con ông Tiến đem lên lò thui cho vàng da rồi chuyển xuống sàn nước để mổ bụng làm thịt. Mỗi ngày, lò mổ này làm thịt hàng chục con chó đem bán ở chợ đầu đường 91B và cung cấp cho những quán cầy tơ. “Tôi mua chó từ nhiều nơi như Phụng Hiệp (Hậu Giang), Kinh B (Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) hoặc của bọn trộm với giá 40.000 đồng/kg” - ông Tiến cho biết.

Lò mổ của ông Lê Văn Nghĩa cũng nằm sâu trong một con hẻm trên đường Hùng Vương, TP Cần Thơ. Ngoài chó, nơi đây còn có vài chuồng nhốt mèo và gà nên rất ẩm thấp, hôi thối. Trên nền nhà, 2 con chó vừa bị xẻ thịt, nước bẩn và máu vẫn còn ngổn ngang.

Trong khi đó, do làm với số lượng ít nên tại các quán cầy tơ, công đoạn “hóa kiếp” rất gọn nhẹ. Sau khi cạo lông chó, chủ quán dùng mũi hàn gió đá chĩa vào để thịt vàng và săn chắc. Tiếp đó, họ nhúng nguyên con vào thùng nước gồm sả, lá lốt, gừng, riềng… Những con ghẻ lở thì được thui đến trụi lông và bôi phẩm màu cho vàng.

Một người hàng xóm của ông Tiến ngao ngán: “Thịt cầy được nấu chín thì rất thơm ngon chứ ai biết có thể ăn nhầm chó dại, ghẻ lở, trương sình hay bị thuốc”.

Kiểm dịch qua loa

Theo thống kê của Chi cục Thú y TP Cần Thơ, các quận Ninh Kiều và Bình Thủy có 37 hộ gia đình giết mổ chó với gần 1.800 con/tháng. Đầu Quốc lộ 91B mọc lên một chợ nhỏ nằm dưới chân cầu số 1, trong đó có 4 sạp bán thịt chó. Tính sơ sơ, 4 sạp này cũng bán từ 14-15 con chó/ngày.

Ông Ngô Xuân Hải, Đội trưởng Đội Kiểm soát giết mổ (Chi cục Thú y TP Cần Thơ), cho biết thường xuyên cử cán bộ xuống kiểm tra những hộ này, nếu phát hiện chó dại hoặc chó bị bệnh ngoài da nghiêm trọng sẽ tiến hành tiêu hủy. Đối với những hộ đem thịt chó ra chợ bán, nếu không có dấu kiểm dịch thì sẽ bị phạt. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, quy trình này diễn ra rất sơ sài, cán bộ kiểm dịch chỉ đến đóng dấu và thu 3.000 đồng là coi như xong việc.

(Còn tiếp)
Theo Người lao động

Từ khóa: