Sự kiện hot
13 năm trước

Chăn nuôi theo hướng công nghiệp ở vùng cát Triệu Vân

Sau nhiều năm vật lộn với nghề biển khó khăn và nghề nuôi tôm bấp bênh, giờ đây rất nhiều hộ dân ở xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã chuyển sang làm trang trại nuôi lợn trên vùng cát

Sau nhiều năm vật lộn với nghề biển khó khăn và nghề nuôi tôm bấp bênh, giờ đây rất nhiều hộ dân ở xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã chuyển sang làm trang trại nuôi lợn trên vùng cát. 

Không nuôi nhỏ lẻ mà nhiều hộ đã đầu tư hàng trăm triệu đồng, thậm chí tiền tỷ để xây dựng những trang trại chăn nuôi quy mô lớn theo hướng công nghiệp. Chỉ trong vòng vài năm trở lại đây, nhiều chủ trang trại nuôi lợn ở vùng cát này đã đổi đời.

Nếu cách đây chừng chục năm, khi nghề đi biển bắt đầu gặp khó khăn do ngư trường ngày càng bị thu hẹp, hải sản giảm sút thì cũng là lúc phong trào nuôi tôm trên cát trở nên sôi động ở các xã vùng biển Quảng Trị. Triệu Vân cũng là một trong những xã vùng biển bãi ngang đầu tiên của huyện Triệu Phong đón đầu phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng.

Ngày ấy, khi những vụ nuôi tôm đầu tiên mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng sau mỗi vụ nuôi thì phong trào nuôi tôm cũng theo đó trở nên sôi động. Hết đào đất vườn nhà người ta lại ồ ạt chặt phá rừng ven biển để mở rộng diện tích nuôi tôm bởi món lợi nhuận mang lại từ con tôm là rất lớn.


Một cơ sở cung ứng thức ăn chăn nuôi ở xã Triệu Vân.

Tuy nhiên, chỉ sau vài vụ nuôi đầu có hiệu quả thì cũng đến lúc con tôm đổ bệnh do môi trường nuôi bị ô nhiễm nghiêm trọng, cộng với kỹ thuật nuôi, nguồn giống tôm không đảm bảo đã khiến nhiều hộ nuôi tôm rơi vào cảnh trắng tay, mang nợ. Nhiều hộ phải “treo” hồ, hay cho người khác thuê lại hoặc nuôi tôm cầm chừng. Trước thực tế đó, nhiều người đã bắt đầu tìm hướng làm ăn khác. Nhưng vùng cát vốn khắc nghiệt nên cũng ít có mô hình làm ăn hiệu quả. Nhiều thanh niên đã lần lượt rời quê vào miền Nam mưu sinh.

Khoảng từ năm 2006- 2007, ở Triệu Vân bắt đầu xuất hiện nhiều trang trại nuôi lợn trên vùng cát. Khác với cách nuôi truyền thống, người nuôi đã bắt đầu chú trọng đến việc xây dựng chuồng trại quy mô, khép kín, nhập nguồn thức ăn công nghiệp và tuân thủ đầy đủ quy trình chăm sóc, theo dõi sức khoẻ, bệnh tật cho vật nuôi. Chính vì thế những trang trại chăn nuôi lợn này đã mang lại hiệu quả cao. Từ số ít trang trại như thế, dần dần nhiều hộ dân ở xã Triệu Vân đầu tư trang trại chăn nuôi lợn.

Đến nay, toàn xã có trên 100 hộ mở mô hình chăn nuôi theo hình thức VAC, VACB, trong đó chủ lực là nuôi lợn với số lượng mỗi trang trại lên đến hàng trăm con. Tổng đàn lợn hiện tại của toàn xã lên đến 5.000- 6.000 con mỗi năm. Trước đây người nuôi lợn phải nhập giống từ bên ngoài nhưng hiện nay, những trang trại có quy mô lớn đã có thể tự sản xuất giống để cung ứng tại địa phương cũng như các vùng lân cận. Hiện toàn xã có 105 lợn nái F1, từ số lợn nái này, mỗi năm sản sinh và cung cấp khoảng trên 9.000 lợn giống tại chỗ cho khách hàng.

Đặc biệt, do phong trào nuôi lợn phát triển mạnh nên hiện nay xã đã vận động các hộ nuôi hình thành được 7 tổ chăn nuôi cộng đồng. “Các tổ này có nhiệm vụ hỗ trợ lẫn nhau trong chăn nuôi như cung ứng thức ăn trả sau, kỹ thuật, hỗ trợ vốn, chăm sóc thú y và lo đầu ra. Cũng nhờ có các tổ chăn nuôi cộng đồng này mà việc chăn nuôi lợn đạt hiệu quả rất tốt”, ông Hồ Xuân Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Vân đánh giá.

Chúng tôi cùng ông Hồ Xuân Đức ghé thăm trang trại của gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn ở thôn 9. Dù đi cùng ông Đức nhưng chúng tôi vẫn rất khó khăn mới được vào tham quan mô hình chăn nuôi lợn của anh Tuấn.

Anh Tuấn phân trần: “Các anh thông cảm, người chăn nuôi chúng tôi ít khi cho người lạ tiếp xúc với bên trong chuồng lợn cũng bởi vì lo bệnh tật. Mỗi lần vào ra chuồng chúng tôi đều phải xử lý hoá chất rất kỹ, có như vậy mới đảm bảo không xảy ra dịch bệnh. Tiền tỷ bỏ ra nên phải làm nghiêm túc, không là trắng tay liền”. Anh Tuấn cho biết, gia đình anh đầu tư gần 700 triệu để xây dựng chuồng trại khép kín vào năm 2009. Mỗi lứa nuôi trong trang trại của anh luôn có khoảng 300 lợn thịt và 5 lợn nái F1.

“Hồi đầu cũng chật vật nhưng nay thì ổn rồi. Nhờ chăn nuôi theo mô hình khép kín, tuân thủ nghiêm túc các quy trình chăn nuôi nên những năm qua trang trại gia đình tôi cũng có thu nhập khá. Năm 2011, trừ mọi chi phí gia đình tôi cũng thu được trên 350 triệu đồng”, anh Tuấn chia sẻ.

Cách trang trại anh Tuấn không xa là khu trang trại rộng trên 3,7 ha của gia đình anh Nguyễn Văn Lý ở thôn Sinh Thái. Anh Lý cho biết, trang trại của gia đình anh đầu tư xây dựng với số tiền trên 1 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, anh thả trên 300 lợn thịt và 9 lợn nái máu ngoại F1. “Nếu làm ăn thuận lợi thì chỉ trong vòng 2-3 năm là sẽ thu hồi vốn và có lãi. Nuôi lợn thuận lợi hơn nuôi tôm ở chỗ là mình mua thức ăn trả sau, chăm sóc cũng dễ dàng hơn, chủ động được nguồn giống... vì vậy chỉ cần chăm chỉ, hiểu biết và nuôi nghiêm túc là sẽ có lãi”, anh Lý tự tin cho biết.

Trong những năm qua, trang trại của gia đình anh đã có lợi nhuận từ 300- 400 triệu đồng/năm. Ngoài những trang trại có quy mô lớn như của anh Tuấn, anh Lý thì tại xã Triệu Vân còn có từ 70- 80 hộ gia đình nuôi lợn khép kín quy mô từ 50-150 con. Những hộ gia đình này thu được lợi nhuận từ 70- 100 triệu đồng/năm. Một số chủ trang trại chăn nuôi không chỉ nuôi lợn mà còn kết hợp với chăn nuôi vịt, gà và trồng trọt nên thu nhập cũng tăng lên.

Ông Hồ Xuân Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Vân cho biết: “Các trang trại chăn nuôi lợn của địa phương phát triển mạnh và hiệu quả là điều đáng mừng. Tuy nhiên về lâu dài chúng tôi cũng rất quan ngại vấn đề môi trường không được đảm bảo. Chúng tôi đã yêu cầu các hộ nuôi tuân thủ và thực hiện nghiêm túc việc đảm bảo vệ sinh môi trường bằng cách làm hầm bioga hoặc làm hố xử lý chất thải, nhưng hiện số hộ thực hiện vẫn rất ít.

Ngoài sự cần thiết hỗ trợ về kỹ thuật thì nhiều hộ chăn nuôi quy mô nhỏ cũng rất mong được sự quan tâm, hỗ trợ một phần kinh phí để làm hầm bioga xử lý chất thải. Có đảm bảo được vấn đề môi trường thì mới hạn chế xảy ra dịch bệnh và mang lại hiệu quả bền vững, bởi con tôm thẻ chân trắng đã là một bài học thực tế”.

Bài, ảnh: ĐỨC VIỆT
theo Quangtri

Từ khóa: