Sự kiện hot
13 năm trước

Chàng trai làm thuyền trưởng tàu 'khủng' trị giá bạc tỷ

Chỉ mới 27 tuổi, thuyền trưởng Lê Văn Sang đã khiến bạn chài kinh ngạc khi dám đóng tàu dịch vụ hậu cần nghề cá lớn nhất miền Trung trị giá hơn 3 tỷ đồng.

Chỉ mới 27 tuổi, thuyền trưởng Lê Văn Sang đã khiến bạn chài kinh ngạc khi dám đóng tàu dịch vụ hậu cần nghề cá lớn nhất miền Trung trị giá hơn 3 tỷ đồng.

Mô hình hiệu quả

Lê Văn Sang, 27 tuổi, là con trai lớn của gia đình ngư dân 4 đời ở cảng cá Thuận Phước (cũ), quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng.

Hiểu nghề biển vất vả, ông Mến (cha của Sang) quyết cho Sang học hành đến nơi đến chốn. Tốt nghiệp THPT Phan Châu Trinh (TP.Đà Nẵng), Sang học ngành marketing và quản lý khách sạn, nhà hàng bậc cao đẳng ở TP.HCM.

Ra trường, Sang đi làm vài năm rồi mở công ty tổ chức sự kiện. “Mình nhớ như in ngày 1/5/2010, mình về nhà nghỉ lễ thì ba rủ theo tàu ra biển chơi. Mình chợt nhận ra nguồn lợi hải sản bị mất mát nhiều quá, ngư dân đánh được hải sản tươi, nhưng chờ đầy tàu mới vào bờ thì cá ươn mất rồi, hải sản mất giá trị, bị ép giá, mà nghề hậu cần thì hay quá, có thể giải quyết được chuyện đó” - Sang nói.

Vậy là Sang theo nghề cung ứng dịch vụ cho tàu cá. Sẵn có máu nghề của gia đình, Sang học từ ông Mến rất nhanh, thông thuộc luồng lạch, con nước, vài tháng sau đã thi lấy bằng máy trưởng. Làm tài công một thời gian, Sang cùng em trai Lê Văn Kháng (24 tuổi) khăn gói vào Quảng Ngãi vừa học nghề vừa thi lấy bằng thuyền trưởng.

Từ đó, Sang cho ba “ở nhà”, ông Mến giao hẳn cho Sang và Kháng mỗi anh em một chiếc tàu. Một năm sau, Sang nâng cấp tàu từ 320 CV lên 480 CV và mua thêm một chiếc tàu có công suất 90 CV, hoàn thiện đội tàu dịch vụ hậu cần 3 chiếc có thể cung ứng các vùng biển từ gần bờ đến xa khơi của gia đình. Quan trọng hơn, Sang cũng xây dựng được mô hình khép kín từ cung cấp hậu cần, thu mua hải sản trên biển đến giao hàng cho tiểu thương, chở hàng đi các tỉnh miền Trung.

Thuyền trưởng Lê Văn Sang và con tàu dịch vụ hậu cần nghề cá lớn nhất miền Trung.

Tàu “khủng”

Đầu năm 2012, Sang bàn với ba, tích cóp vốn liếng và vay mượn bạn hàng được hơn 3 tỉ đồng để đóng tàu dịch vụ hậu cần nghề cá công suất 1.200 CV.

Sang tính toán: “Tàu ĐNa 90424 công suất 480 CV chỉ chở được 15 tấn hàng, trong khi nếu đóng mới tàu 1.200 CV, lượng tiêu hao nhiêu liệu chỉ tăng thêm 20% trong khi chở được 60-70 tấn hàng, hiệu quả gấp 3 lần, đi một chuyến có thể gom hàng của 20-30 tàu cá, lợi cho mình và cả bạn chài”. Đó là chưa kể nếu tàu ĐNa 90424 tạo nghề cho 15 lao động, thì tàu 1.200 CV có thể giải quyết việc làm cho 50 lao động trên tàu và trong bờ, với thu nhập từ 50-90 triệu đồng/người/năm.

Từ đầu tháng 3, Sang giao tàu ĐNa 90424 cho em trai để điều hành công việc đóng tàu “khủng”. Tàu mới dài 26,3 m, cao 6 m, rộng 6 m, mớn nước 3,1 m được đóng từ 95 m3 gỗ kiền kiền và lắp 3 bộ máy tổng công suất 1.200 CV. Tổng tải trọng là 160 tấn, khoang tàu được chia thành 27 khoang nhỏ, có thể chứa 1.200-1.500 cây đá đông lạnh, 5.000-7.000 lít dầu, 20 tấn lương thực, nhu yếu phẩm đủ cung cấp cho chuyến biển 2 - 3 tháng cho một tàu cá ngoài khơi.

Khi xả hết hàng, tàu có thể thu mua tối đa 60-70 tấn hải sản ngay giữa biển và chở vào đất liền, đảm bảo chất lượng hải sản.

“Các doanh nghiệp thu mua yêu cầu chất lượng khắt khe vì phải xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, ngư dân đánh bắt dài ngày mà không có tàu dịch vụ đưa hàng vào bờ, chất lượng hải sản sẽ giảm, đi đôi với việc bị ép giá” - Sang phân tích.

Ngoài ra, tàu “khủng” của Sang có thể “chạy vô tư” khi thời tiết khắc nghiệt, sóng cấp 7, cấp 8, sẵn sàng ứng cứu tàu bạn bị sự cố trên biển. Ngày 29/5, Sang chính thức hạ thủy con tàu 1.200 CV.

Theo Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn TP.Đà Nẵng, đây là tàu dịch vụ hậu cần nghề cá lớn nhất khu vực miền Trung hiện nay. Sở này cũng đã chính thức thành lập đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá của TP.Đà Nẵng gồm 5 tàu, trong đó có 3 chiếc tàu của gia đình thuyền trưởng Lê Văn Sang, cùng với 2 tàu công suất 90 và 450 CV của ông Trần Toàn, phường Thuận Phước.

“Nếu đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển mạnh, tiếp sức kịp thời cho đội tàu đánh bắt xa bờ thì chất lượng hải sản và hiệu quả kinh tế các chuyến biển cũng được nâng cao, ngư dân phát triển kinh tế, từ đó tái đầu tư nâng cao công suất, xây dựng đội tàu mạnh thì mới giữ biển được” - Sang nói.

Sang bảo đã lỡ mê tàu “khủng” như mê xe phân khối lớn. Trong tương lai không xa, Sang sẽ tiếp tục nâng cấp tàu 1.200 CV thêm một lần nữa, bởi khoang chứa hàng hiện nay đã được thiết kế để dành sẵn cho công nghệ cấp đông hiện đại hơn.

Theo Thanh Niên

Từ khóa: