Trần Văn Tỉnh, chàng trai quê Hưng Yên, sinh ra trong gia đình thuần nông lấy ruộng vườn làm nguồn vốn khởi nghiệp bước đầu cho ngành chăn nuôi mô hình lợn nái và cung ứng con giống cho thị trường.
Dám nghĩ dám làm với suy nghĩ “bề bề ruộng đất không bằng có một nghề” ngay từ những ngày đầu chập chững bước vào nghề, khó khăn chồng chất khó khăn, có những khi anh Tỉnh tưởng chừng phải bỏ nghề, bản thân anh lại chưa từng học qua một trường lớp đào tạo nào về chăn nuôi con giống.
Mô hình chăn nuôi lợn nái của anh Tỉnh. (Ảnh: Hồng Loan)
Chia sẻ với phóng viên, anh Tỉnh vui vẻ cho biết “lúc mới khởi nghiệp rất chật vật, kinh tế chưa có, chưa ổn định về nguồn thu. Năm 2011, khi bắt tay vào làm khó khăn đổ về tứ phía, những năm kế tiếp khi đi vào phát triển, thì mình có những hoạt động đem lại kinh tế, lợi nhuận cũng có, mà thua lỗ cũng không ít, những cú vấp đầu đời kể ra rất nhiều. Trong đó, khâu nhập con giống, đến khâu xuất bán, nguồn gốc con giống từ đâu đến đâu? từ đâu về đâu? đều phải có, như thế thì người mua mới tin tưởng và mình mới tồn tại được lâu dài”.
Với quyết tâm của mình, anh Tỉnh đã không ngừng tìm tòi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào mô hình chăn nuôi sản xuất, đây chính là bí quyết thành công quan trọng nhất của trại chăn nuôi tư nhân này. Ngoài niềm đam mê, tất cả đều nằm ở sự chủ động: chủ động cập nhật kiến thức mới, chủ động tăng cường sức đề kháng cho đàn lợn ngay từ những bữa ăn hàng ngày.
Thành quả và khó khăn tồn tại
Muốn có được những con giống khỏe mạnh, nguồn thức ăn được coi là một trong những yếu tố quan trọng nhất, quyết định trực tiếp đến giá thành bán ra.
Hiểu được điều này, ngay từ những ngày chập chững bước vào nghề anh Tỉnh đã ưu tiên lựa chọn nguồn thức ăn, nguồn cám đảm bảo, từ những thương hiệu có uy tín, đạt chuẩn được Nhà nước công nhận, thêm vào đó là nguồn rau sạch do gia đình tự chăm bón, bổ sung thêm nguồn thức ăn xanh cho đàn lợn, anh luôn chú ý tới việc cung cấp đủ vitamin và dưỡng chất cho quá trình sinh sản, phát triển của lợn mẹ. Trung bình mỗi tuần một lần anh phun khử trùng toàn bộ khu chuồng trại. Đồng thời định kỳ mỗi tháng hai lần anh phun thuốc khử mùi bảo đảm cho chuồng trại và môi trường xung quanh luôn được giữ vệ sinh, sạch mầm bệnh.
Đặc biệt, từ năm 2014 đến nửa đầu năm 2016 được coi là thời điểm “thịnh vượng” nhất trong ngành chăn nuôi, tổng diện tích mô hình nuôi lợn nái của anh Tỉnh bước đầu đi vào hoạt động lên tới: 720m2, số lượng đi vào sản xuất là: 140 con lợn lái, bình quân mỗi một lứa lợn đẻ 2 lứa/1 năm, với mô hình chăn nuôi lợn theo qui mô trang trại có hệ thống của anh Tỉnh đã trở thành mô hình trọng điểm để nhân rộng phát triển kinh tế chuồng trại tại xã Yên Hòa.
Điều đáng nói, trong hệ thống chuồng nuôi của anh Tỉnh được thiết kế rất thoáng mát, sạch sẽ. Đàn lợn nái để cung ứng con giống được nuôi tách biệt từng ô để thuận tiện chăm sóc tốt nhất.
Từ chăn nuôi lợn, gia đình anh Trần Văn Tỉnh có thu nhập cao. (Ảnh: Hồng Loan)
Bên cạnh đó, ngay từ khi nhập con giống anh coi trọng chọn lọc nguồn gốc vô cùng tỉ mỉ trên mỗi con giống đều có đầy đủ: tên tuổi, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng từ miền Nam đến miền Bắc… những giấy tờ, hồ sơ về con giống anh đều lưu giữ cẩn thận, là mô hình chăn nuôi được Nhà nước cấp phép thì phải đạt được những tiêu chuẩn nghiêm ngặt theo đúng quy định để có con giống đảm bảo cho thị trường.
Anh Tỉnh cũng khẳng định thêm: “Gia đình mình thì chuyên làm con giống, cung cấp cho toàn xã, và có thể là những xã lân cận trên địa bàn huyện, họ thu mua về chăn công nghiệp, nuôi lấy thịt, còn mình chỉ chuyên sản xuất về con giống, khâu mình bán con giống chính là nơi mình tạo dựng được tên tuổi thương hiệu, để bà con đến mua hài lòng”. Đỉnh điểm, nguồn thu mà gia đình có được trừ chi phí, thu lãi khá cao: 50-70 tr/1 tháng, rơi vào khoảng: 2 tỷ 8 đến 3 tỷ/1 năm.
Từ giữa năm 2016 đầu năm 2017, người chăn nuôi đang phải bù lỗ rất nhiều, việc thu mua con giống từ những thương lái lớn, nhỏ có dấu hiệu chững lại. Vợ chồng anh phải đối mặt với việc bù lỗ hàng trăm triệu đồng, Chị Thủy (vợ anh Tỉnh) tâm sự “ con giống bán ra rất rẻ, lại không xuất được, mọi thứ dường như giậm chân tại chỗ, vì con đường trước mắt xa và mù mịt quá, 2 vợ chồng tôi chẳng dám nghĩ gì đến tương lai xa xôi”.
Trước tình cảnh khốn đốn, giá thịt lợn hơi giảm dốc không phanh, hàng loạt trang trại bị thua lỗ nặng nề, người chăn nuôi phải cầm chừng, vì không còn vốn để tái đàn. Anh Tỉnh động viên vợ, mượn tiền từ anh em, bạn bè, vay vốn từ các ngân hàng với lãi suất thấp, không để tâm lý chán nản, muốn từ bỏ đè nặng, quyết tâm bám trụ với nghề, qua đó đưa ra những giải pháp lâu dài. Anh Tỉnh chia sẻ thêm “Mong muốn lớn nhất hiện giờ của gia đình là nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, hỗ trợ vay vốn từ ngân sách nhà nước, ưu tiên vay vốn từ ngân hàng, để cho người chăn nuôi vượt qua thời kỳ bão giá, hỗ trợ đầu ra cho bà con, qua năm nay và sang năm sau nữa còn tiếp tục phát triển được”.
Đứng trước những khó khăn nhưng với quyết tâm giữ nghề, với vốn kinh nghiệm tích lũy, lại có nguồn con giống sạch, cung cấp lợn thịt đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho thị trường. Anh Tỉnh xứng đáng trở thành tấm gương tiêu biểu trong việc phát triển kinh tế chăn nuôi, là người thanh niên trẻ làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình.
Hồng Loan – Khánh Linh