Phát biểu tại Nghị viện châu Âu, ông Vytenis Andriukaitis - người được chỉ định giữ chức Cao ủy phụ trách chính sách y tế và an toàn thực phẩm của Liên minh châu Âu (EU) - cam kết sẽ phản đối việc nhập khẩu một số thực phẩm của Mỹ.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Những thực phẩm này như thịt được xử lý bằng hóa chất mà Mỹ hy vọng sẽ được tiêu thụ tại thị trường châu Âu theo Hiệp định Thương mại (và đầu tư) xuyên Đại Tây Dương trị giá nhiều tỷ USD đang được đàm phán.
Mỹ, nước đang đàm phán với EU về Hiệp định Thương mại tự do để hình thành một thị trường chung với 800 triệu người tiêu dùng, muốn EU có cái nhìn khoa học hơn về thực phẩm biến đổi gen và thịt có chứa hoócmôn. Tuy nhiên, ông Andriukaitis nói cây trồng biến đổi gen đe dọa đến đa dạng sinh học của châu Âu và nếu muốn can thiệp vào đa dạng sinh học thì cần phải hết sức thận trọng.
Ông khẳng định sẽ không thể có bất kỳ thỏa hiệp nào trong vấn đề này. Quan điểm của ông Vytenis Andriukaitis báo hiệu các cuộc đàm phán về Hiệp định Thương mại tự do Mỹ-EU sẽ rất cam go.
Ông Andriukaitis cũng cam kết sẽ xem xét lại quy trình phê chuẩn đối với cây trồng biến đổi gen trong sáu tháng đầu nhiệm kỳ của mình. Hồi tháng Năm vừa qua, EU đã quyết định đơn giản hóa quy trình phê chuẩn, cho phép một số nước có thể cấm loại cây trồng này.
EU nhập khẩu khoảng 50 trong số 450 giống cây trồng biến đổi gen và mỗi năm nhập khoảng 30 triệu tấn ngũ cốc biến đổi gen cho chăn nuôi. Tuy nhiên, các nhà bán lẻ EU khó có thể tiêu thụ được thực phẩm biến đổi gen do sự ác cảm của người tiêu dùng.
Mỹ cho rằng sẽ là một điều không thể chấp nhận được khi giống cây trồng biến đổi gen phải mất nhiều năm mới có thể tiếp cận thị trường châu Âu sau khi đã được Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu cho phép, so với khoảng 18 tháng ở Mỹ.
Một số nước thành viên EU; trong đó có Pháp và Đức, đang phản đối quyết liệt đối với thực phẩm biến đổi gen, việc sử dụng hoócmôn tăng trưởng trong chăn nuôi gia súc và việc xử lý thịt gia cầm bằng hóa chất.
Lê Minh
theo Vietnam+