Cộng hòa Séc và Áo ngày 29/5 quyết định thu hồi toàn bộ lượng dưa chuột có nguồn gốc từ Tây Ban Nha nghi nhiễm khuẩn E.coli, hiện được bày bán tại các cửa hàng, nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Cộng hòa Séc và Áo ngày 29/5 quyết định thu hồi toàn bộ lượng dưa chuột có nguồn gốc từ Tây Ban Nha nghi nhiễm khuẩn E.coli, hiện được bày bán tại các cửa hàng, nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Một vườn trồng dưa chuột ở Tay Ban Nha. (Nguồn: Reuters)
Ít nhất 10 người đã thiệt mạng và hàng trăm người bị ốm ở nhiều nước châu Âu do nhiễm khuẩn đường ruột.
Theo Cơ quan Y tế và An toàn thực phẩm Áo, ngoài mặt hàng dưa chuột, nước này còn thu hồi cà chua và cà nhập từ Tây Ban Nha tại 33 cửa hàng.
Cơ quan này cho biết đã nhận được cảnh báo từ Liên minh châu Âu (EU) về việc hai công ty của Đức chuyên nhập rau quả từ Tây Ban Nha, quyết định thu hồi khẩn cấp và cấm bán số dưa chuột, cà chua và cà, được hai công ty trên phân phối cho hệ thống các cửa hàng tại Áo. Tuy nhiên, một lượng không nhỏ các mặt hàng kể trên đã được bán cho người tiêu dùng ở Áo.
Trong khi đó, Cơ quan Nông nghiệp và Kiểm soát thực phẩm Cộng hòa Séc cho biết lô hàng dưa chuột nghi nhiễm khuẩn kể trên còn được chuyển qua Đức sang Hungary và Luxembourg.
Ngày 30/5, Đức thông báo số người phải vào viện điều trị do nhiễm khuẩn E. coli tại nước này đã tăng mạnh trong cuối tuần qua. Riêng số bệnh nhân ở thành phố Hamburg, miền Bắc nước Đức đã lên tới 467 người. Trong khi đó, báo chí địa phương ước tính số trường hợp bị nhiễm khuẩn E.coli ở nước này hiện đạt con số 1.000.
Bộ Y tế Đức đã cảnh báo người dân không ăn dưa chuột, cà chua, rau diếp và các loại rau quả sống thường dùng để chế biến món rau trộn (salad).
Cơ quan y tế Thụy Điển xác nhận 36 trường hợp nhiễm khuẩn đường ruột ở nước này, trong đó có 13 trường hợp đã phát triển hội chứng tăng urê huyết - huyết khó đông (HUS), do vi khuẩn E. coli gây ra. Số bệnh nhân bị nhiễm khuẩn E.coli tại Đan Mạch cũng lên tới 11 người.
Người phát ngôn EU Frederic Vincent cho biết hai khu nhà kính trồng rau quả ở Tây Ban Nha, được xác định là nguồn phát tán khuẩn E.coli, hiện đã ngừng hoạt động. Các chuyên gia đang tiến hành phân tích mẫu nước và đất ở hai khu nhà kính này.
Ông Vincent cũng cho biết thành phố Hamburg của Đức là nơi chịu ảnh hưởng nặng của vụ rau quả nhiễm khuẩn trên, trong khi Đan Mạch, Thụy Điển, Anh, Hà Lan bị tác động ở quy mô nhỏ hơn.
Hội chứng HUS, do vi khuẩn chết người E. coli gây ra, có thể dẫn đến các chứng bệnh như suy thận cấp, tai biến ngập máu, đột quỵ và hôn mê.
(Vietnam+)