Sự kiện hot
11 năm trước

Chi cục Kiểm lâm Hà Nội: Ai đang “bảo kê” cho vi phạm?

Hàng loạt vụ vận chuyển sản phẩm động vật rừng hoang dã như vẩy tê tê, ngà voi, xương hổ, móng vuốt hổ, sừng tê giác… bị lực lượng chức năng bắt giữ và chuyển giao cho Chi cục Kiểm lâm (CCKL) Hà Nội.

Hàng loạt vụ vận chuyển sản phẩm động vật rừng hoang dã như vẩy tê tê, ngà voi, xương hổ, móng vuốt hổ, sừng tê giác… bị lực lượng chức năng bắt giữ và chuyển giao cho Chi cục Kiểm lâm (CCKL) Hà Nội.

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do chuyên môn yếu hay cố tình làm ngơ cho sai phạm, CCKL Hà Nội đã bỏ qua những quy định cơ bản về định giá tang vật để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt. Để rồi kết quả xử lý với những vụ việc có tính chất nghiêm trọng, vi phạm Bộ luật Hình sự như trên chỉ dừng lại ở mức phạt nhẹ nhàng đến bất ngờ: Cảnh cáo, trả lại phương tiện tham gia vận chuyển trái phép!


Phải sau 15 ngày làm việc với PV Báo Thanh tra, tang vật 263kg vẩy tê tê mới được CCKL Hà Nội nhận về kho trong sự hao hụt về trọng lượng. Ảnh: Quang Đông

Lợi người, thiệt hại cho Nhà nước

Vụ việc xử lý lô hàng 263kg vẩy tê tê bị bắt giữ vào ngày 16/1/2013, trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (đoạn qua địa bàn huyện Thường Tín, Hà Nội) là một trong những bất thường trong việc xử lý của CCKL Hà Nội.

Bất thường bởi lẽ, cơ quan này đã tham mưu và trình lên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt ký quyết định xử phạt ở mức: Cảnh cáo đối với lái xe Nguyễn Văn Tài, Bùi Mạnh Phú về hành vi vận chuyển trái phép 263kg vẩy tê tê. Ngoài ra, phạt bổ sung, tịch thu toàn bộ tang vật. Hai phương tiện vận chuyển trái phép được trả lại cho chủ xe! Trong khi đó, chủ hàng đích thực lại không tìm ra? Và, số phận của lô hàng phi pháp này được UBND TP Hà Nội mang cho song cũng không đắt, buộc phải nhận lại.

Sau khi Báo Thanh tra có bài viết phản ánh những bất thường này, phía CCKL Hà Nội đã có Công văn số 205/KL-TTPC khẳng định việc xử lý đã tuân thủ những quy định chặt chẽ của pháp luật. Lý giải cho mức phạt “cảnh cáo”, Chi cục Trưởng CCKL Hà Nội Trần Đình Phúc đã “bóng chuyền” sang “các cơ quan có thẩm quyền của huyện Thường Tín (Cảnh sát Điều tra, Tư pháp, Tài chính, Viện Kiểm sát, Kiểm lâm) không định được giá tang vật nên không thể áp dụng các quy định tại Điều 20, Nghị định 99 để phạt chính bằng tiền các đương sự”.

Tuy nhiên, trên thực tế, lô hàng 263kg vẩy tê tê có thể định được giá, để thẳng tay xử phạt bằng tiền, răn đe người vi phạm nếu CCKL Hà Nội tuân thủ đầy đủ những quy định chặt chẽ của pháp luật. Cụ thể, CCKL Hà Nội đã phớt lờ quy trình xác định trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt được quy định tại khoản 1 Điều 38, Nghị định 99/2009/NĐ-CP, ngày 2/11/2009 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản: “Sau khi tiến hành tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt phải tiến hành định giá làm căn cứ cho việc xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt đối với vi phạm hành chính và phải chịu trách nhiệm về việc định giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính”.

Quyết định xử phạt cảnh cáo việc vận chuyển trái phép 263kg vẩy tê tê được đẩy lên cho Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt ký. Theo lý, khi các cơ quan cấp huyện Thường Tín không định được giá chuyển vụ việc lên, phía CCKL Hà Nội phải tiến hành lập Hội đồng Thẩm định giá cấp thành phố. Song, việc này đã không xảy ra, khiến dư luận một lần nữa hoài nghi phía CCKL Hà Nội chuyên môn yếu hay cố tình làm ngơ, “bảo kê” cho sai phạm?

Phạm tội hình sự, chỉ bị phạt cảnh cáo

Tiếp tục đi sâu tìm hiểu quy trình, kết quả xử lý một số vụ mua bán, vận chuyển sản phẩm động vật hoang dã của CCKL Hà Nội trong thời gian gần đây, có thể nhận thấy dường như có một mẫu số chung cho xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật này là: Cảnh cáo do không định được giá.

Nói không ngoa, bởi ngày 6/12/2012, CCKL Hà Nội có Công văn số 392/KL-TTPC đề nghị xử phạt vi phạm hành chính vận chuyển trái pháp luật sản phẩm động vật rừng 25,2kg mẫu vật ngà voi bị lực lượng chức năng tạm giữ tại Sân bay Nội Bài. Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt ký Quyết định số 5850/QĐ-UBND ngày 14/12/2012 phạt cảnh cáo chủ hàng là bà Đặng Thị Hòa về hành vi vận chuyển 25,2kg mẫu vật ngà voi; lái xe Nguyễn Hữu Sơn là con bà Hòa lại được miễn trách nhiệm xử lý hành chính. Riêng chiếc xe ôtô du lịch biển kiểm soát 30M - 5255 là phương tiện vận chuyển trái phép mẫu vật ngà voi được “ưu ái” trả lại cho chủ xe. Tuyệt nhiên, không có hình thức phạt tiền với các đương sự trong sự vụ này. Trong khi mẫu vật ngà voi là sản phẩm động vật hoang dã, thuộc Phụ lục II danh mục các loài động vật hoang dã theo Công ước CITES mà Việt Nam đã tham gia ký kết và được cộng đồng quốc tế bảo vệ nghiêm ngặt.

Chưa hết, những bất thường trong xử lý vi phạm của CCKL Hà Nội còn thể hiện rõ hơn trong vụ việc xử lý lô hàng 11kg xương hổ và các sản phẩm khác từ động vật hoang dã bị bắt vào ngày 27/7/2012 tại Trạm Soát vé Phù Đổng, huyện Gia Lâm. Theo tìm hiểu của phóng viên, lô hàng này gồm 11kg xương hổ, 2 bộ da hổ, 4 răng nanh hổ, 22 móng vuốt hổ; 3 răng nanh gấu, là những sản phẩm động vật rừng quý hiếm thuộc nhóm IB (không xử phạt vi phạm hành chính mà phải truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 7 Điều 3, Nghị định 99/2009/NĐ-CP; Điều 190, Bộ luật Hình sự bổ sung và sửa đổi một số điều năm 2009 - PV); 1 miếng sừng tê giác; 4kg xương khỉ; 119kg sừng nai đỏ.

Tính chất của vụ việc nghiêm trọng, quy mô số lượng vận chuyển lớn nhưng khi hồ sơ được chuyển tới tay các cán bộ của CCKL Hà Nội thì mức phạt tham mưu cho lãnh đạo TP Hà Nội ra quyết định xử lý cũng chỉ là cảnh cáo đối với ông Nguyễn Tuấn Anh; trả lại xe ôtô CAPTIVA biển kiểm soát 20L - 0172 cho Nguyễn Tuấn Anh!

Thiết nghĩ, UBND TP Hà Nội cần tiến hành lập ngay đoàn thanh tra, kiểm tra lại toàn bộ quy trình xử lý vi phạm trong các phi vụ buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật hoang dã mà CCKL Hà Nội đã từng tiếp nhận xử lý. Bởi với cách vận dụng đúng pháp luật “ích người, thiệt hại cho Nhà nước” như đã nêu ở trên, thì không biết đến bao giờ công cuộc đấu tranh với nạn buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật hoang dã tại Việt Nam mới được đẩy lùi?

Khoản 1 Điều 190, Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung một số điều năm 2009 quy định: Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

1. Người nào săn bắt, giết, vận chuyển, nuôi, nhốt, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật đó, thì bị phạt tiền từ 50 - 500 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Quang Đông
theo Thanh tra

Từ khóa: