Sự kiện hot
11 năm trước

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,3% trong 8 tháng

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Tám ước tính tăng 4,4% so với tháng Tám năm ngoái và tính cả tám tháng thì chỉ số này tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Tám ước tính tăng 4,4% so với tháng Tám năm ngoái và tính cả tám tháng thì chỉ số này tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, ngành nghiệp chế biến, chế tạo trong tám tháng qua đã có những dấu hiệu chuyển biến tích cực với mức tăng 6,5%.


Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tín hiệu từ khu vực xuất khẩu

Trong mức tăng chung 5,3% của tám tháng năm nay, ngành khai thác đóng góp 0,05 điểm phần trăm; ngành chế biến, chế tạo đóng góp 4,6 điểm phần trăm; sản xuất và phân phối điện đóng góp 0,55 điểm phần trăm và ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải đóng góp 0,1 điểm phần trăm.

Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tám tháng tại các địa phương cũng có những khác biệt khá lớn. Trong đó, Quảng Ngãi có mức tăng cao nhất là 26,8%, kế đến là Vĩnh Phúc tăng 20,3% và Quảng Nam - Đà Nẵng có mức tăng 10,3%. Hai đầu tàu kinh tế là Thành phố Hồ Chí Minh tăng 5,5% và Hà Nội tăng 4,3%.

Ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, cho rằng các con số thể hiện chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn ở mức thấp và phần nào cho thấy tình hình sản xuất vẫn đang khó khăn. Tuy nhiên, một bộ phận của nền kinh tế đã có sự phục hồi và chủ yếu tập trung ở khu vực xuất khẩu.

Ông Kiêm dẫn chứng, tám tháng qua, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 84,8 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước, một số mặt hàng đạt mức kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước như, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 11,8 tỷ USD, tăng 9,6%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 11,5 tỷ USD, tăng 41,6%.

Tồn kho không cao là "nhờ” sản xuất yếu

Số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bảy tháng năm 2013 tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao là sản xuất xe có động cơ tăng 33,4%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 30,5%.

Chỉ số tồn kho tại thời điểm 01/8/2013 toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9% so với cùng thời điểm năm 2012. Tuy nhiên, trong đó lại có một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hoặc giảm là sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 8,4%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 7,2%; dệt tăng 5,8%.

Đại diện của Tổng cục Thống kê nhấn mạnh, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có những tín hiệu tốt với chỉ số tiêu thụ tăng dần từ đầu năm và chỉ số tồn kho giảm dần.

“Cụ thể, chỉ số tiêu thụ quý I tăng 4%, sáu tháng tăng 8,3%, bảy tháng tăng 9,2% đồng thời chỉ số tồn kho tại thời điểm 1/4/2013 tăng 13,1%, thời điểm 1/7 tăng 8,8% và thời điểm 1/8 tăng 9%,” vị đại diện này dẫn chứng.

Song, ông Cao Sĩ Kiêm lại có quan điểm khá thận trọng và lý giải, “sản xuất phát triển chậm kéo chỉ số hàng tồn kho xuống, do đó chưa thể lạc quan được.”

Gánh nặng chi phí đầu vào

Một số chuyên gia kinh tế tỏ ra lo ngại về diễn biến thị trường trong thời gian qua cũng như những chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế chưa có sự đột phá.

Qua thống kê, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Tám chỉ tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung tám tháng năm nay, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 1.706 nghìn tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2012, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 5,1%.

Ông Vũ Minh Phú, Chủ tịch Hiệp Hội Siêu thị Hà Nội chỉ ra, “theo báo cáo từ các siêu thị gửi về Hiệp hội, hầu hết chỉ giám đặt kỳ vọng kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trong năm 2013 bằng 90% so với năm 2012.”

Ông Phú quan ngại, chỉ số giá tiêu dùng tám tháng đạt ở mức thấp cho thấy trong khi sức mua trên thị trường còn yếu chưa đẩy được nền sản xuất lên được thì hàng loạt chi phí đầu vào như điện, nước, ga, xăng dầu, vận tải… lại tăng khiến doanh nghiệp sẽ phải gánh thêm áp lực.

Đại diện Tổng cục Thống kê cũng nhìn nhận, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2013 tăng 0,83% so với tháng trước, chủ yếu do ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế của thành phố Hà Nội, làm chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế cả nước tăng 4,11% so với tháng trước, đóng góp vào mức tăng chung của CPI là 0,23%. Ngoài ra, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng trong tháng Sáu và tháng Bảy vừa qua làm chỉ số giá nhóm xăng dầu tăng 2,5% so với tháng trước, đóng góp vào mức tăng chung CPI là 0,1%.

Với bối cảnh trên, các chuyên gia kinh tế dự báo những tháng cuối của năm, mặc dù lực cầu có kích thích bởi yếu tố mùa vụ, song kế hoạch tăng trưởng GDP của cả năm đạt mức 5,5% là rất khó khăn.

Theo ông Phú, nền kinh tế đang phục hồi theo hình chữ “L”, tức là sẽ tiếp tục đi ngang.

Ông Kiêm cũng đưa ra dự báo khiêm tốn: ”tăng trưởng GDP của năm sẽ dừng xung quanh mức 5,2% - 5,3%”.

Nguồn: http://www.vietnamplus.vn/Home/Chi-so-san-xuat-cong-nghiep-tang-53-trong-8-thang/20138/213267.vnplus

Linh Chi
theo Vietnam+

Từ khóa: