Thông tin về một rạp phim tại TP.HCM tổ chức hoạt động chiếu phim cho người mù đã gây sự tranh cãi trên mạng xã hội.
Chuyện lạ tại Việt Nam: Trẻ em khiếm thị được… xem phim!
Việc tạo văn hoá và môi trường sống bình đẳng cho những trẻ em khuyết tật là điều rất có ý nghĩa trong cuộc sống và cần được nhân rộng bằng hành động thiết thực. Tuy nhiên, không việc sáng kiến nào cũng được chấp nhận và câu chuyện về việc “chiếu phim cho người mù” đang là trường hợp gây tranh cãi nhiều trên mạng xã hội.
Vừa qua (23/5), trên mạng xã hội xuất hiện bức ảnh được cho là hoạt động tổ chức chiếu phim cho các em thiếu nhi khiếm thị. Hoạt động này được một rạp phim tại TP.HCM kết hợp với trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu tổ chức và đã diễn ra vào tối 22/5.
Theo lời chia sẻ của phía đại diện rạp phim trả lời trên báo Baohiemxahoi.vn, hình thức này nhằm thể hiện sự quan tâm, chia sẻ với các em bị khiếm thị và mong muốn nhân rộng hơn khi kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội về kinh phí, sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng về chuyên môn để mang tới nhiều bộ phim phù hợp cho các em.
Bức ảnh gây tranh cãi trên mạng xã hội trong ngày qua. (Ảnh: MXH)
Từ phía nhà trường, đây là hoạt động nhằm giúp các em khiếm thị được tiếp xúc với phim ảnh theo hình thức khác. Cụ thể, phía rạp phim và nhà trường cho biết việc sàng lọc các bộ phim có nội dung lành mạnh và việc lồng tiếng phải được chỉn chu, sau đó sẽ có một người lồng tiếng tại chỗ, miêu tả cụ thể để các em khiếm thị hình dung cốt truyện, khung cảnh trong phim.
Không chỉ mới đây, mà hoạt động "Chiếu phim cho người mù" đã được thực hiện từ tháng 3 năm 2016 và cũng gây ra nhiều tranh cãi. Người chịu trách nhiệm thực hiện ý tưởng này đầu tiên là diễn viên lồng tiếng Nhất Duy.
Trả lời Vietnamnet năm 2016, anh nói: “Khi nhận được đề nghị, tôi gật đầu ngay vì thấy quá ý nghĩa. Đến đây rồi thấy sự hồn nhiên, hào hứng của các bé, em nhận ra làm những điều tốt vì cộngđồng cũng khiến mình hạnh phúc”.
Anh đã phải mất nhiều tuần liền để học cách xem, mô tả lại khung cảnh của bộ phim hoạt hình Zootopia cho các em khiếm thị hình dung khi xem phim.
Văn hoá mới hay hình thức PR "trá hình" phản cảm?
Theo cảm nhận từ phía những em được tham gia mô hình mới này cho biết, đa số các em cảm thấy hạnh phúc khi được đối xử như người bình thường. Chia sẻ trên báo Vietnamnet trước đây, cô giáo Phan Thị Bé cho biết: “Các cháu đã từng được xem kịch, nhưng xem phim thì đây là lần đầu tiên. Âm thanh của phim chiếm 40% nội dung phim rồi. Các cháu, là người khiếm thị lại rất nhạy cảm với âm thanh nên các cháu dễ dàng hình dung cánh đồng, trận đánh hay thậm chí tiếng nước chảy từ con suối khác với tiếng nước đổ từ thác ra làm sao".
Hành động đưa trẻ em khiếm thị đến rạp xem phim gây tranh cãi trong ngày qua. (Ảnh: baohiemxahoi.vn)
Nhiều khán giả khi tiếp nhận thông tin ủng hộ cho việc tạo môi trường văn hoá, bình đẳng để các em bị khuyết tật không cảm thấy mặc cảm. Tuy nhiên, một bộ phận khán giả lại cho đây là sự “phản cảm” ngay từ cái tên chương trình: “Chiếu phim cho người mù”.
Tài khoản facebook M.T cho biết quan điểm khi tỏ ra bức xúc về hình thức này: “Đúng là chúng ta cần tạo điều kiện cho các em khiếm thính hoà nhập cuộc sống nhưng hình thức này có phù hợp chăng? Chiếu phim dành cho người mù chẳng khác nào việc tổ chức hát, kể chuyện cho người điếc, thi nói cho người câm… Hình thức này có mang tính nhân văn hay không?”
Một độc giả T.Q.H khi tiếp nhận thông tin phản ánh: “Phải chăng đây là cách quảng bá cho một rạp phim và nếu vậy, việc PR như vậy là thiếu đạo đức khi mang tiếng nói đòi quyền bình đẳng cho trẻ em khuyết tật để kinh doanh, quảng bá thương hiệu mang tính cá nhân. Chiếu phim cho người mù bằng hình thức miêu tả, vậy xin hỏi một bộ phim chiếu rạp 70 phút sẽ được kể trong vòng bao lâu để các em hình dung. Lấy danh nghĩa cộng đồng, tiếng nói xã hội để trục lợi là điều khó chấp nhận”.
“Thoạt nhìn, đây có vẻ hoạt động có ích cho xã hội nhưng ngẫm lại, nhiều sự bất cập vô lý dù chính các em nhỏ khiếm thị đang cảm thấy hào hứng, vui mừng. Chiếu phim theo kiểu miêu tả khung cảnh song song với âm thanh trong rạp là rất khó và phải mất bao lâu để hoàn thành một bộ phim chiếu cho các em để cảm nhận đầy đủ?” - chủ nhân facebook D.T.K cho biết ý kiến.
Khán giả H.M nêu quan điểm không đồng tình về tên chương trình: "Mặc dù hoạt động xuất phát với ý tưởng tốt nhưng ngay từ chính tên chương trình lại cho thấy sự thiếu văn hoá. Vì sao không sử dụng từ "khiếm thị" thay cho từ "mù". Nói giúp các em khuyết tật hoà nhập cộng đồng mà ngay từ cái tên đã có sự phân biệt. Đây nói đúng hơn là cách quảng cáo thiển cận và thiếu văn minh vì một hoạt động kinh doanh, thay vì xem nó là hoạt động vì cộng đồng".
Hiện tại, chúng tôi đang liên lạc với phía rạp phim, đơn vị đề xuất ý tưởng “Chiếu phim cho người mù” để làm rõ sự việc.
Tịnh Nghi
Theo Đời sống & Pháp lý