Trong khi chính quyền và người dân vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong việc áp dụng mức giá bồi thường thì UBND huyện Sa Pa (Lào Cai) đã liên tiếp ra thông báo cưỡng chế đối với các hộ dân không bàn giao đất.
Không đồng tình, người dân đã khởi kiện ra tòa và cơ quan này đã phải ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, tạm đình chỉ việc cưỡng chế.
Báo Đời sống và Tiêu dùng nhận được đơn kêu cứu của ông Đoàn Văn Mạc sinh năm 1932 cùng vợ là bà Phí Thị Dưỡng và các con cháu hiện nay đang ở tổ 3B TT Sa Pa- H.Sa Pa- Lào Cai.
Trong đơn, ông Đoàn Văn Mạc cùng 5 người con mong muốn các cơ quan chức năng sớm vào cuộc tìm hiểu, xác minh để làm rõ những “uẩn khúc” trong việc thu hồi đất của dự án Chợ văn hóa - Bến xe Trung tâm huyện Sa Pa đối với diện tích đất hiện đang được ông cùng các con sử dụng hợp pháp.
Ông Đoàn Văn Mạc cho rằng, quá trình thu hồi đất có các dấu hiệu vi phạm pháp luật về trình tự, thủ tục thu hồi đất, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình ông cùng các con thuộc diện bị thu hồi đất, thiếu công khai minh bạch trong việc tuyên truyền, khảo sát lấy ý kiến của cộng đồng dân cư về dự án.
Theo nội dung đơn và các tài liệu liên quan do ông Mạc cùng các con cung cấp cho biết: “Năm 1973, tôi cùng vợ con lên vùng núi hẻo lánh Sa Pa để xây dựng vùng kinh tế mới. Gia đình tôi đã khai hoang được mảnh đất với diện tích 14.000m2 và xây dựng nhà cửa sống ổn định từ năm 1975 đến nay không có tranh chấp với bất kỳ ai. Năm 1990, gia đình tôi được UBND huyện Sa Pa cấp quyền sử dụng đất với tổng diện tích là 1080m2 mục đích sử dụng để làm nhà ở và diện tích vườn quanh nhà.
Năm 2004, UBND huyện Sa Pa có thông báo quy hoạch dự án xây dựng và san gạt mặt bằng Chợ văn hóa – Bến xe khách thị trấn Sa Pa theo quyết định số 213/2004/QĐ-UB ngày 4/5/2004 của UBND tỉnh Lào Cai với diện tích đất sử dụng là 68,02ha. Sau đó ngày 20/6/2005, UBND tỉnh Lào Cai ban hành quyết định số 1485/QĐ-UBND để điều chỉnh dự án thay thế cho quyết định số 213/2004/QĐ-UB với tổng mức đầu tư 76,729 tỷ đồng, với diện tích được duyệt là 300.113m2. Tuy nhiên quá trình thực hiện dự án này có nhiều điểm khuất tất trong việc thu hồi, đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của gia đình tôi. Điều này đã được thể hiện trong kết luận thanh tra số 21/KL-TT ngày 23/12/2013 của Thanh tra tỉnh Lào Cai”.
Cũng theo ông Mạc: “Dự án kéo dài suốt 14 năm mà UBND huyện Sa Pa khi tiến hành thu hồi đã không thực hiện đúng trình tự thu hồi đất, chưa đền bù thỏa đáng cho gia đình tôi đã ban hành các quyết định cưỡng chế đối với diện tích đất mà gia đình tôi đã và đang sử dụng ổn định là trái quy định của pháp luật.
Tiếp đến ngày 20/1/2018, gia đình chúng tôi bao gồm tôi cùng các con: Đoàn Thị Nguyên, Đoàn Thị Bình, Đoàn Thị Minh, Đoàn Thị Nụ, Đỗ Thị Phương, Đoàn Văn Cử, Đoàn Thị Nhung có nhận được biên bản kiểm đếm của Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Sa Pa.
“Tuy nhiên, gia đình không đồng ý với biên bản kiểm đếm của Ban bồi thường giải phóng mặt bang huyện Sa Pa vì biên bản kiểm đếm hoàn toàn sai so với thực tế đo đạc thiếu diện tích đất mà gia đình tôi đang sử dụng. Trong biên bản đo đạc kiểm đếm của Ban bồi thường giải phóng mặt bằng chỉ ghi diện tích đất của gia đình tôi là 300m2 đất một vài cây mận, cây đào. Số liệu đó hoàn toàn thiếu chính xác, không đúng diện tích đất và các công trình kiến trúc trên đất mà gia đình tôi đang sử dụng”, đơn nêu.
Tiếp đến, ngày 20/4/2018, UBND huyện Sa Pa có Quyết định số về việc thu hồi đất. Sau đó, ngày 15/5/2018 UBND huyện Sa Pa lại tiếp tục có quyết định về việc cưỡng chế thu hồi đất của gia đình tôi mà chưa bồi thường thỏa đáng cho gia đình tôi.
“Đến 8h ngày 21/5/2018, UBND huyện Sa Pa phối hợp với nhiều lực lượng, các cơ quan ban nghành của tỉnh cũng như huyện tổ chức cưỡng chế thu hồi đất của gia đình tôi. Gia đình tôi đã không đồng tình với việc cưỡng chế đất mà UBND huyện Sa Pa đã tiến hành nên đã phản đối quyết liệt. Từ đó, việc cưỡng chế của UBND huyện Sa Pa không thực hiện được. Phía UBND huyện Sa Pa cũng như các cơ quan ban ngành không xác định được vị trí thửa đất tại thực địa, không xác định được ranh giới, không xác định được nhà ở và tài sản gắn liền trên đất”, ông Mạc cho biết.
Theo ông Mạc: “Sau 5 ngày cưỡng chế không thành, đến ngày 25/5/2018, UBND huyện Sa Pa tổ chức đối thoại với tôi cùng các con cháu Đoàn Thị Nguyên, Đoàn Thị Bình, Đoàn Thị Nụ, Đoàn Thị Minh, Đoàn Văn Cử, Đoàn Văn Niệm, Đoàn Văn Yên, Đoàn Thị Nhung, Đỗ Thị Phương.
Nhưng khi chưa thực hiện các nội dung cam kết trong biên bản đối thoại thì ông Mạc nhận được thông báo về việc hủy bỏ biên bản đối thoại với ngày 25/5/2018 giữa lãnh đạo huyện Sa Pa. Nội dung biên bản có ghi ngày 21/6/2018, UBND huyện Sa Pa tổ chức họp với các hộ gia đình để xem xét thực hiện các nội dung trong biên bản ngày 25/5/2018 nhưng tôi không nhận được giấy mời và cũng không được họp.
Ngày 28/8/2018, UBND huyện Sa Pa đã ban hành quyết định cưỡng chế số 234/TB-BCC đối với con gái tôi là Đoàn Thị Nhung để cưỡng chế diện tích 687 m2 tại tổ số 3, thị trấn Sa Pa vì cho rằng con gái tôi lấn chiếm đất. Việc cưỡng chế này là không đúng đối tượng vì diện tích đất này vẫn đang thuộc quyền sở hữu của tôi, con gái tôi (Tức Đoàn Thị Nhung – PV) chỉ trông coi hộ tôi”.
Cũng theo ông Mạc, việc UBND huyện Sa Pa ban hành quyết định cưỡng chế và thực hiện việc cưỡng chế vào ngày 7/9/2018 là trái quy định của pháp luật. Việc cưỡng chế này không đúng đối tượng khi UBND huyện Sa Pa chỉ căn cứ vào hợp đồng mua bán điện mã số 1008816000125-PA18SP0008867 ký kết giữa Công ty điện lực miền Bắc với con gái ông Đoàn Văn Mạc (tức bà Đoàn Thị Nhung –PV) là thiếu cơ sở, không khách quan và trái quy định của pháp luật. Ông Mạc cho rằng, ông nhờ bà Nhung làm hợp đồng mua bán điện giúp chứ không phải bà Nhung là người sử dụng khu nhà và diện tích 687m2.
Liên quan đến sự việc này, ông Tạ Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ Đất huyện Sa Pa cho biết: “Những nội dung liên quan tới dự án thì tôi không thể trả lời được, chức năng bên tôi là chỉ liên quan tới vấn đề giải phóng mặt bằng.
Tất cả Dự án này đều được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, Trung tâm và UBND huyện Sapa tiến hành giải phóng mặt bằng thực hiện đều đúng quy định của pháp luật, việc cưỡng chế đối với gia đình có sổ đỏ thì được bồi thường theo đúng quy định, đất có giấy tờ được bồi thường theo giấy tờ. Tức là việc thu hồi bồi thường là đúng theo quy định của pháp luật.
Việc giải phóng mặt bằng hơn 14 năm chưa giải phóng xong là có nhiều nguyên nhân, dự án triển khai chậm trong đó có nguyên nhân là người dân không đồng thuận dự án và có nhiều nguyên nhân khách quan mà tôi không trả lời được”.
Khi phóng viên đặt vấn đề xin tài liệu về hồ sơ liên quan nội dung thì ông Tuấn từ chối cung cấp!
Báo Đời sống và Tiêu dùng sẽ thông tin tiếp về sự việc.
Thanh Phong
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng