Sự kiện hot
13 năm trước

Chống ngập cho tuyến tầu điện ngầm

Nhiều chuyên gia cảnh báo, trong việc xây dựng các tuyến tàu điện ngầm (metro) ở độ sâu hàng chục mét, cần hết sức thận trọng để tránh nguy cơ ngập và lún do địa chất phức tạp của TP.HCM.

Nhiều chuyên gia cảnh báo, trong việc xây dựng các tuyến tàu điện ngầm (metro) ở độ sâu hàng chục mét, cần hết sức thận trọng để tránh nguy cơ ngập và lún do địa chất phức tạp của TP.HCM.
 

Tuyến metro số 2 dự kiến đi ngầm đến 9,3 km

Theo quy hoạch, TP.HCM sẽ có 6 tuyến metro với tổng chiều dài 54 km, trong đó nhiều đoạn đi ngầm với độ sâu đến 20 - 30m. Chẳng hạn, tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) có 2,6 km đi ngầm từ chợ Bến Thành đến khu Ba Son là khu vực có địa chất yếu, ven sông Sài Gòn. Tuyến số 2 giai đoạn 1 (Bến Thành - Tham Lương) dài 12 km có 9,3 km đi ngầm, và dự kiến giai đoạn 2 tiếp tục đi ngầm khoảng 7-8 km từ chợ Bến Thành qua sông Sài Gòn để đến Thủ Thiêm. Phức tạp hơn, tuyến số 4 (cầu Bến Cát - Nguyễn Văn Linh) dài 24 km thì dự kiến đi ngầm đến 19 km...

Nguy cơ ngập rất lớn

Kinh nghiệm chống ngập của các nước

Tại Tokyo (Nhật), hệ thống "G-cans" được xây dựng để tiêu úng cho mạng đường ngầm và 97 ga ngầm dày đặc dưới lòng đất. Có 5 giếng sâu 65m, đường kính 32m. Nối 5 giếng này là sông ngầm bằng bê tông đường kính 50m, dài 6,3 km. Tất cả đổ dồn về bể chứa khổng lồ dung tích hơn 20 triệu m3, có hệ thống bơm cực mạnh bơm ra sông Edogawa.

Hay đường ngầm kết hợp thoát ngập của dự án Smart tại Kualalumpur (Malaysia), 2 tầng bên trên cho xe lưu thông, tầng dưới cùng làm cống thoát nước; khi ngập lớn thì toàn bộ mặt cắt sử dụng thành ống tiêu úng ngập khổng lồ. New York (Mỹ) chống ngập cho đường hầm bằng hệ thống bơm thoát nước 48 triệu m3/ngày đêm...  

 (Theo KTS Trần Huy Ánh)

Vấn đề đáng lo ngại nhất đối với các đoạn metro đi ngầm là tình trạng ngập nước đường hầm gây thiệt hại thiết bị điện, dẫn đến gián đoạn hoạt động vận chuyển hành khách hoặc các sự cố nghiêm trọng khác. Trao đổi với Thanh Niên, GS-TSKH Lê Huy Bá - Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường TP.HCM - phân tích: Địa mạo thổ nhưỡng TP.HCM vốn rất phức tạp, đa phần là vùng phù sa mới, tầng hữu cơ và bùn lọc rất dày, lại bị ngập nước thường xuyên. Trong đó, khu vực quận 1, 3, 5... chỉ đào xuống 5 - 7m là gặp nước. Các khu vực quận 1, 3, 7, 8, Tân Bình... lớp bùn nhão sâu đến 40 - 50m mới tới lớp nền cứng, thậm chí nhiều nơi đất không có nền, cứ lún mãi.

Với tính chất đất như vậy, khả năng thẩm thấu của nước xảy ra hằng ngày hằng giờ, trong đất luôn đầy nước, bão hòa nước. Vì vậy, nguy cơ ngập metro là rất lớn, bởi lượng nước trong đất sẽ không ngừng rỉ ra và ngấm vào đường hầm. Đặc biệt, thiết kế metro của TP.HCM bao gồm đoạn đi trên cao và đoạn đi ngầm, cho nên phần chuyển tiếp từ đoạn trên cao xuống đoạn đi ngầm và ngược lại sẽ là vị trí hứng nước mưa chảy vào đường hầm gây ngập. Với trận mưa đến vài trăm mm như hiện nay, nếu không có giải pháp chặn và thoát nước mưa kịp thời thì hậu quả hết sức nghiêm trọng. Vấn đề chống ngập cần phải lưu ý ngay từ giai đoạn thi công. Bởi trong quá trình thi công, rất dễ có tình trạng nước ngầm từ trong các tầng đất chảy ra, nước mưa trên mặt đất chảy xuống, gây ngập và lún sụt. TP đã có bài học kinh nghiệm là nhiều căn nhà tại Q.1, Q.3 khi xây hầm ngầm do xử lý không tốt, kéo theo rò rỉ nước ngầm rút hết đất cát trong lòng đất tạo thành lỗ hổng lớn, gây sập.

Ông Hoàng Ngọc Kỷ - TSKH về địa chất - cảnh báo nguy cơ lún, sụt khi xây đường hầm metro, bởi cấu tạo đất vùng ĐBSCL nói chung và TP.HCM nói riêng đều có lớp trầm tích trẻ, dạng bùn, bở rời. Điều này kéo theo việc thi công đường hầm thường gặp phải khó khăn như sụt lún, cát chảy và nước ngầm (kèm theo sụt lún cường độ cao).

Chống ngập thế nào?

Lo ngại thủy triều

Theo GS-TSKH Lê Huy Bá, đặc thù TP.HCM là đô thị bán ngập triều, một ngày có 2 con nước lên xuống, khiến địa chất TP.HCM vừa mang tính mặn vừa mang tính phèn (khi triều lên ảnh hưởng bởi mặn, khi triều xuống ảnh hưởng bởi phèn). Trong khi đó, nước mặn ngầm rất nguy hiểm vì có thể hủy hoại công trình bằng phản ứng ăn mòn điện hóa. Vật liệu xây metro bằng thép hoặc cốt thép không đồng nhất, khi tiếp xúc với nước mặn, nước phèn có khả năng hủy hoại công trình rất nhanh, chưa kể còn có thể ảnh hưởng tới sức khỏe con người. 

  P.T

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, với các đoạn metro ngầm đi sâu 20 - 30m, dự kiến sẽ làm hai làn đường hầm đơn (đi và về) tách nhau. Nhà thầu sẽ sử dụng những vị trí xây nhà ga đã được đào hở để đưa các máy khoan hầm (Tunnel Boring Machines - TBM, giống như các đầu đào, robot) xuống thi công. Phương án này không ảnh hưởng đến việc đi lại cũng như nhà dân ở bên trên. Để chống ngập, trong quá trình thi công, sẽ tạo các giếng chứa và hệ thống đường ống để rút nước. Đồng thời toàn bộ các công trình ngầm của dự án như đường hầm, nhà ga... đã được thiết kế bao gồm các hệ thống thoát nước hiện đại để có thể hoạt động trong các điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Tại vị trí chuyển tiếp giữa đoạn metro đi trên cao với đi ngầm sẽ lắp đặt thêm cửa thép hoặc tấm panel kín để chống ngập, cản nước mưa tràn vào.

Tuy nhiên, KTS Trần Huy Ánh - Hội Kiến trúc sư VN - cho rằng các phương án chống ngập cho metro được đưa ra vẫn chưa thể yên tâm. Bởi nếu chỉ bố trí hệ thống thoát nước, máy bơm sẽ không thể đảm bảo thoát nước kịp thời khi ngập nặng. Chưa kể, vấn đề quan trọng nhất là khi mưa lớn sẽ thoát nước đi đâu? Với đoạn hầm metro dài nhiều km thì lượng nước ngập có thể lên đến hàng triệu m3 sẽ được bơm đi đâu, bố trí mặt bằng ở đâu để làm giếng hút đủ lớn, đủ sâu để cất trữ tức thời hàng triệu m3 nước này? "Cho tới nay, chưa có hệ thống metro hiện đại nào dám công bố có thể chịu được nước ngập. Nếu không muốn nói là, càng hiện đại, càng tự động hóa thì hệ thống điện - điện tử càng phức tạp và đắt tiền, đồng nghĩa với nếu ngập thì hệ thống thiết bị hàng trăm triệu USD này sẽ "vứt đi". Chỉ hư hỏng, thiếu hụt một chi tiết, linh kiện có thể làm đình đốn hoạt động metro hàng giờ, thậm chí nhiều ngày" - KTS Ánh nói.

Theo ông Ánh, kinh nghiệm cho thấy ngay cả các đô thị hiện đại trên thế giới như Tokyo (Nhật Bản), Kuala Lumpur (Malaysia), London (Anh)... cũng bị ngập nước các tuyến metro ngầm. Do đó, các nước đặc biệt chú trọng và đầu tư hàng trăm triệu USD cho công tác chống ngập metro. Mỗi nước có một cách, nơi dùng đập ngăn, nơi dùng bể chứa, nhưng phổ biến là làm sông ngầm và bố trí nhiều trạm bơm công suất lớn.  Có thể nghiên cứu lồng ghép metro với đường ống thoát nước để vừa chống ngập TP vừa chống ngập an toàn cho chính metro. 

Phương Thanh
theo thanh niên online

Từ khóa: