Cả vạn hộ dân mua nhà tại các dự án nhà tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đang mỏi mòn chờ sổ đỏ. Nguyên nhân do chủ đầu tư xây dựng sai thiết kế, tự ý nâng tầng, chuyển nhượng đất và dự án trái phép, không thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước...
Cả vạn hộ dân mua nhà tại các dự án nhà tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đang mỏi mòn chờ sổ đỏ. Nguyên nhân do chủ đầu tư xây dựng sai thiết kế, tự ý nâng tầng, chuyển nhượng đất và dự án trái phép, không thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước...
Giao nhà 5 năm vẫn chưa có sổ đỏ
Bà Nguyễn Nhung Hạnh - Tổ trưởng dân cư khu căn hộ-biệt thự thuộc The Manor cho biết, đã 5 năm chuyển đến ở tại khu The Manor thuộc xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm mà 500 hộ dân tại đây vẫn chưa nhận được sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở).
Họ đã sống tại đây trong tình trạng không có giấy chứng nhận hợp pháp của nhà nước về nhà ở nên đã gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân, chủ đầu tư là Cty Bitexco vi phạm quy định của nhà nước khi triển khai dự án.
"Suốt năm qua chúng tôi đã phải chạy vạy gõ cửa nhiều cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội nhưng vẫn chưa có kết quả. Không có sổ đỏ, nhà rao bán rẻ vẫn không có người mua, không được thế chấp ngân hàng huy động vốn kinh doanh"-bà Hạnh nói.
Năm 2004, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thăng Long được thành phố chấp thuận giao 9.992 m2 đất xây khu KTX sinh viên.
Tuy nhiên, chủ đầu tư đã ký "Hợp đồng đầu tư" với nhiều hộ dân có con em đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng tại Hà Nội. Và cũng chính vì giao dịch kiểu "lách luật" này, đã dẫn đến tình trạng là cả trăm căn hộ tại đây chưa biết ngày nào mới được cấp sổ đỏ.
Không có sổ đỏ, nhiều hộ dân tại đây còn bị từ chối khi muốn nhập hộ khẩu, việc xin cho con đi học cũng gặp khó khăn. Trường hợp đáng buồn khác đó là hàng chục hộ dân mua nhà chung cư của dự án 151 A Nguyễn Đức Cảnh - Hà Nội.
Mua nhà đã hơn 4 năm, vất vả đi tìm hỏi mãi các gia đình ở đây mới ngã ngửa khi hay tin chủ đầu tư đã vi phạm trong chuyển nhượng dự án và nay đã giải thể rồi!
Tìm đến cơ quan chức năng của thành phố thì chỉ biết là phải chờ để xử lý. Tại hàng chục dự án khác tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, người dân đang phải è cổ gánh chịu hậu quả do kiểu làm ăn chụp giật, vi phạm pháp luật của chủ đầu tư gây ra...
Quản lý buông lỏng, chủ đầu tư nhờn luật
Ông Trần Hùng Phi - Cục trưởng Cục Đăng ký và Thống kê đất đai (Bộ Tài nguyên & Môi trường) cho biết, tình hình cấp giấy chứng nhận (sổ đỏ) cho người dân mua nhà tại các dự án phát triển nhà ở tại Hà Nội, TP HCM và cả nước hiện rất chậm.
Bộ TN&MT đã khảo sát tình hình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trong năm 2011, Bộ TN&MT cùng Bộ Xây dựng kiểm tra trực tiếp 19 dự án tại Hà Nội và TP HCM.
Nếu tính trên tổng các dự án đầu tư nhà ở được duyệt thì mới hoàn thành khoảng 19% sổ đỏ so với yêu cầu. Riêng Hà Nội thì chưa đạt 10% so với yêu cầu. TP HCM đạt khoảng 30% so với yêu cầu.
Tỷ lệ sổ đỏ được cấp trên tổng số nhà đã bàn giao cho người dân tại Hà Nội chỉ chiếm khoảng 20%.
Nguyên nhân của tình trạng này là chủ đầu tư không chấp hành Luật Đất đai, quy định của pháp luật về nhà ở và xây dựng. Cụ thể là xây dựng không đúng quy hoạch, thiết kế, giấy phép được duyệt.
Theo quy định phải xây nhà xong mới bán, nhưng chủ đầu tư lại chia lô bán nền dẫn đến nhà không được đưa vào sử dụng, để hoang rất lãng phí.
Hiện có nhiều dạng vi phạm khác như chuyển nhượng dự án đầu tư nhưng không làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất dẫn đến bên nhận chuyển nhượng đã xây xong nhà bán nhưng lại chưa có quyền sử dụng đất.
Bên cạnh đó, nhiều cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội và TP HCM đã không thực hiện đúng quy định pháp luật như, tính thiếu nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư hoặc tạm tính như dự án khu đô thị Nam Thăng Long-Ciputra.
Nhiều bộ ngành vào cuộc tháo gỡ
Ông Trần Hùng Phi cho biết, Bộ TN&MT đã có ý kiến chỉ đạo Hà Nội và TPHCM có báo cáo đề xuất hướng xử lý cụ thể để nhằm khắc phục tình trạng này.
Các Bộ TN&MT, Tài chính, Xây dựng cũng đang bàn phương án tháo gỡ. Nếu sai phạm thuộc về chủ đầu tư thì chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm.
Nếu sai phạm không phải người dân gây ra thì phải tìm mọi cách để cấp giấy cho dân.
Tuy nhiên, cũng theo ông Phi có nhiều cái khó không dễ giải quyết. Ví dụ có tình trạng hai doanh nghiệp chuyển nhượng dự án cho nhau sau đó một bên lại giải thể rồi thì bây giờ rất khó xử lý vì tiền thì chủ đầu tư đã thu của dân nhưng lại chưa nộp gì cho nhà nước.
"Những trường hợp phức tạp, chúng tôi phải xin ý kiến các bộ ngành và Chính phủ"-ông Phi cho hay.
Với những trường hợp như cấp phép 10 tầng nhưng lại xây lên 12 tầng thì những phần hợp pháp thì cấp sổ đỏ trước, phần sai thì chờ xử lý.
Một số dự án chủ đầu tư đã xây dựng gần xong dự án nhưng còn một phần đất nhỏ vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng hoặc đang tranh chấp khiếu kiện thì cần cấp sổ cho những phần đã xong, không nên cứng nhắc.
Từ chối cấp sổ đỏ trong trường hợp như vậy là không cần thiết. Có trường hợp chủ đầu tư phân lô rồi xây nhà cho dân nhưng không đúng thiết kế, xây nhà ra cả đất lưu không dẫn đến không cấp được sổ đỏ. Trường hợp này Bộ TN&MT yêu cầu thành phố kiểm tra xử lý dứt điểm.
Trường hợp chủ đầu tư đã giải thể, Bộ TN&MT dự kiến vẫn chấp thuận cho làm thủ tục cấp giấy chứng nhận lần đầu, người dân tự đến nộp hồ sơ làm thủ tục, nộp hồ sơ tại văn phòng đăng ký đất nhà.
Theo Bộ TN&MT trong quý II-2012 sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể tháo gỡ vướng mắc. "Trước yêu cầu phải mở cơ chế tháo gỡ, vẫn có ý kiến cho rằng làm như vậy có thể dẫn đến nhờn luật. Liệu có tình trạng cứ làm sai rồi nhà nước lại cho hợp lý hoá?"-ông Trần Hùng Phi nói.
Trách nhiệm kiểm soát các dự án nhà ở của chính quyền địa phương là rất lớn. Sai phạm khi Tổng Cty Sông Đà chuyển nhượng dự án cho Bitexco để xây khu nhà The Manor là sai phạm điển hình, chủ đầu tư bất chấp pháp luật" - Cục trưởng Cục đăng ký và Thống kê đất đai.
Theo TPO