Sự kiện hot
2 năm trước

Chủ động nắm bắt cơ hội và thích ứng an toàn, linh hoạt trước đại dịch

Trong gần 2 năm qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội, đặc biệt là hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Song, với phương châm “sức khỏe của doanh nghiệp là sức khỏe của nền kinh tế”, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương luôn đồng hành, chia sẻ, kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc, đề ra nhiều giải pháp để quyết liệt tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Chính phủ thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn, thách thức với cộng đồng doanh nghiệp

Trong Thông báo 272/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19, Thủ tướng nhận định: Trong gần 2 năm vừa qua, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế - xã hội, sức khỏe, đời sống của nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao sự chung tay, chung sức, đồng lòng, chia sẻ khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân với Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và nhân dân cả nước, đóng góp thiết thực, hiệu quả, kịp thời về nhiều mặt trong công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Trong bối cảnh dịch bệnh với biến chủng Delta diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường, cộng đồng doanh nghiệp đã nêu cao tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc làm và thu nhập cho người lao động; phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau cùng vượt qua thách thức; thể hiện tinh thần trách nhiệm, nghĩa cử cao đẹp của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đối với đất nước.

Chính phủ thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đang đối mặt. Thời gian qua, Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành và triển khai nhiều chính sách vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Chủ động, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn, miễn giảm tiền thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời gian nộp tiền thuê đất, giảm tiền điện, giá điện... Chính phủ sẽ tiếp tục đồng hành và thực hiện các giải pháp trong điều kiện cao nhất có thể để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, phấn đấu đưa cả nước sớm trở lại trạng thái bình thường mới; thực hiện đồng bộ 2 chiến lược tổng thể phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới và chiến lược khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới; trước mắt, triển khai lộ trình “Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”.

Để thực hiện mục tiêu vừa chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và phát triển kinh tế, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, cùng nỗ lực, đồng lòng, quyết tâm khắc phục khó khăn, giữ vững niềm tin, lấy khó khăn, thách thức làm động lực vươn lên, không vì khó khăn mà bi quan, hoang mang, lo sợ; tình hình càng khó khăn, phức tạp, càng phải đoàn kết, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động.

Doanh nghiệp phục hồi sản xuất, thích ứng an toàn, linh hoạt với đại dịch

“Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trong giai đoạn hiện nay theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, chính là quan điểm chỉ đạo thống nhất, kịp thời và sáng tạo. Theo đó, tại nhiều địa phương, các doanh nghiệp cũng bắt nhịp ngay trên tinh thần “sản xuất phải an toàn”, đẩy mạnh sản xuất-kinh doanh, sẵn sàng thích ứng với trạng thái bình thường mới. 

Tại tỉnh Thái Nguyên, thời gian vừa qua, cây chè đã mang lại hiệu quả kinh tế, thu nhập ổn định cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên hoạt động xuất khẩu chè đang tạm thời đóng băng. Bên cạnh đó, thị trường trong nước cũng giảm mạnh do một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, không giống như các mặt hàng nông sản khác cần tiêu thụ trong thời gian ngắn thì sản phẩm chè có thể bảo quản vài tháng trong kho lạnh mà không bị ảnh hưởng đến chất lượng. Vì vậy, hiện bà con nông dân vẫn duy trì các biện pháp bảo đảm cho cây chè phát triển ổn định, đạt năng suất, chất lượng cao.

Người dân xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) khẩn trương thu hái chè chính vụ được sản xuất theo hướng an toàn, chất lượng sản phẩm chè ngày càng được nâng lên.

Người dân xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) khẩn trương thu hái chè chính vụ được sản xuất theo hướng an toàn, chất lượng sản phẩm chè ngày càng được nâng lên.

HTX chè Phúc Linh ở xã Tân Cương (TP.Thái Nguyên) trước đây trung bình mỗi tháng, HTX tiêu thụ khoảng 7 tấn chè búp khô thì nay chỉ còn một nửa. Chị Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc HTX chia sẻ: Thời gian qua, giá phân bón tăng cao, trong khi giá chè lại giảm nên HTX đã phải tính toán để vừa hạ chi phí sản xuất, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm. Cụ thể, HTX chè Phúc Linh đã đầu tư nuôi 6 con bò để cung cấp 1 tấn phân chuồng/tháng; đồng thời, mua thêm phân gà và chế phẩm sinh học để ủ thành phân hữu cơ bón chè. Qua hạch toán cho thấy, với 3ha chè, trung bình mỗi tháng, HTX giảm được 10 triệu đồng tiền phân bón. Ngoài ra, cây chè cũng xanh tốt, búp mập, ít sâu bệnh hơn và cũng an toàn cho người sản xuất vì không sử dụng phân hóa học. Cùng với đó, HTX chè Phúc Linh đầu tư máy sao chè bằng gas, máy vò chè bằng điện để chè không bị ám khói. Đặc biệt, HTX đầu tư máy đóng gói tự động cân định lượng, góp phần giảm chi phí về công lao động. 

Bên cạnh đó, nhiều HTX, doanh nghiệp đã vận động bà con sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để xây dựng thương hiệu chè an toàn. Đối với những mẻ chè chưa xuất bán ngay được, nhiều đơn vị có giải pháp tiến hành sao khô kiệt, bọc trong 2 lớp nilon và bảo quản trong kho lạnh. Điều này đồng nghĩa với việc chi phí sản xuất sẽ bị “đội” lên. Tuy nhiên, vẫn tập trung làm tốt khâu bảo quản để đợi đến cuối năm, cung cấp cho các đơn hàng lớn vào dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị cũng tiến hành đầu tư nâng cấp trang thiết bị, công nghệ chế biến chè hiện đại, nâng cao chất lượng và đa dạng hoá sản phẩm để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Cùng với đó, đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua hình thức bán hàng trực tuyến, trên các sàn thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội như: facebook, zalo...  

Còn tại Công ty CP Chè Sông Lô, Tuyên Quang, bên cạnh việc tăng cường qua các biện pháp chống dịch đảm bảo an toàn cho người lao động, DN đã đầu tư nâng cấp các dây chuyền sản xuất chè đen, chè xanh xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Ấn Độ, Anh, Nga, Pakistan, Hà Lan, Trung Quốc.

Ông Vũ Đức Tráng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chè Sông Lô, Tuyên Quang cho biết, những yêu cầu bắt buộc như 5K luôn được người lao động thực hiện nghiêm túc tại nhà máy. Do ý thức được việc phòng chống dịch sẽ đảm bảo sản xuất, ổn định đời sống, nên người lao động sau giờ làm việc khi về nhà cũng thực hiện rất nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch.

“Công ty luôn thực hiện nghiêm túc 2 nhiệm vụ, một là sản xuất kinh doanh, hai là phòng, chống dịch. Trong sản xuất kinh doanh, DN quán triệt đến tất cả cán bộ công nhân viên người lao động là phải thực hiện các quy định 5K của Bộ Y tế, công nhân phải đeo khẩu trang, trong sản xuất phải giãn cách, không tụ tập đảm bảo hoạt động bình thường”, ông Tráng nói.

Thực hiện “mục tiêu kép” bảo đảm phòng, chống dịch bệnh vừa sản xuất kinh doanh, không chỉ giúp các DN trụ vững trong bối cảnh khó khăn mà còn giữ đà tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh Tuyên Quang. Từ đầu năm nay giá trị xuất khẩu hàng hóa của Tuyên Quang vẫn tăng trưởng dương lên tới 131% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thông tin trước báo chí, ông Lộc Kim Liễn, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang cho biết, với tinh thần “Sống an toàn với dịch bệnh”, ngành Công Thương tỉnh đang tích cực hỗ trợ cùng DN tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa nhằm đạt mục tiêu giá trị xuất khẩu hàng hóa trên 136 triệu USD trong năm nay.

“Sở Công Thương cũng có nhiều giải pháp, đặc biệt là triển khai các Hiệp định thương mại tự do; thông tin đến các cơ sở DN có các mặt hàng xuất khẩu để các DN tìm kiếm thị trường mới so với thị trường truyền thống. Sở thường xuyên phối hợp với Vụ công tác của Bộ Công Thương chuyên về xuất nhập khẩu, thông tin cho các DN biết được những thị trường nào có thế mạnh đối với các mặt hàng của tỉnh Tuyên Quang cho DN lựa chọn, có định hướng sản xuất các mặt hàng phù hợp với thị trường mới”, ông Liễn thông tin.

Việc chủ động thực hiện biện pháp phòng dịch Covid-19 cho người lao động, cùng những phương án sản xuất kinh doanh phù hợp tại các DN tỉnh Tuyên Quang đã ngăn chặn được sự lây lan dịch bệnh trong các khu công nghiệp. Đồng thời, giúp các DN ổn định sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đạt mục tiêu kép của tỉnh Tuyên Quang. Cùng với đó, tăng cường triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021...; tiếp tục thực hiện quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội; thực hiện hiệu quả các chính sách của Trung ương, của tỉnh, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Tạ Thành

Theo KTĐU

Từ khóa: