Sự kiện hot
3 năm trước

"Luồng xanh" vận tải: : Lưu thông hàng hóa, phục hồi sản xuất trong bối cảnh đại dịch COVID-19

Trong những ngày giãn cách xã hội, chủ trương mở “luồng xanh” đã giúp các DN duy trì lưu thông, phân phối, cung ứng hàng hoá thiết yếu. Chủ trương này là nguồn lực hỗ trợ rất lớn cho cả các đơn vị sản xuất, kinh doanh, DN vận tải lẫn người dân vượt qua đại dịch Covid-19. Chủ trương này càng phát huy tác dụng khi mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Theo đó, vận chuyển hàng hóa nội tỉnh hoặc liên tỉnh được phép hoạt động, trừ khu vực cấp 4 nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ phải thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế và quyết định của chính quyền địa phương.

Lưu thông mùa Covid...

Cuối tháng 7 vừa qua, khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên cả nước, nhiều biện pháp giãn cách xã hội quyết liệt đã được áp dụng tại hầu khắp các tỉnh, thành phố. Hoạt động sản xuất, kinh doanh và vận tải nói chung gặp rất nhiều khó khăn do phải tạm ngưng để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, nếu để đứt gãy chuỗi cung ứng, các đơn vị sản xuất sẽ bị dồn đến bờ vực sụp đổ, người dân cũng sẽ phải đối diện với nguy cơ thiếu thốn hàng hoá, nhu yếu phẩm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp vận tải cũng sẽ phải “treo” phương tiện do không có đầu vào, không lưu thông được giữa các địa phương.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Bộ GTVT và các Bộ, ban, ngành liên quan đã đề ra chủ trương rất kịp thời, đó là mở “luồng xanh” vận tải, ưu tiên cho việc vận chuyển, cung ứng hàng hoá. Từ ngày 24/7, Bộ GTVT, Sở GTVT các địa phương đã tiếp nhận đăng ký “luồng xanh”. Hàng trăm ngàn phương tiện đã được cấp mã nhận diện, nhiều DN, cá nhân hoạt động vận tải hàng hoá được hướng dẫn khi gặp vướng mắc trong thủ tục.

Theo số liệu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho đến cuối tháng 8 vừa qua đã có trên 380.000 xe được cấp mã nhận diện “luồng xanh”. Trong quá trình cấp cũng như kiểm tra trên đường, nhiều thủ tục đã được giảm thiểu để tạo thuận lợi tối đa cho DN. Đặc biệt, việc cấp mã “luồng xanh” có thể thực hiện trực tuyến hoàn toàn, người có nhu cầu không phải đến các đơn vị quản lý xếp hàng dài, tập trung đông, đảm bảo giãn cách xã hội. Tại các chốt kiểm soát giao thông đều có làn đường dành riêng cho xe “luồng xanh”, hạn chế xảy ra ùn ứ xe vận chuyển hàng hoá thiết yếu, dẫn đến ùn tắc giao thông cục bộ.

Hệ thống đăng ký thẻ luồng xanh giúp việc vận chuyển hàng thiết yếu được thông suốt, tránh ùn tắc - Ảnh: IT

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, mặc dù các văn bản, chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quy định rõ về việc tạo thuận lợi cho lưu thông, vận chuyển hàng hóa trong bối cảnh dịch COVID-19, nhưng một số địa phương vẫn có quy định riêng khiến hoạt động này gặp nhiều khó khăn.

Theo đó, thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc thống nhất sử dụng một phần mềm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, kể từ ngày 24/9/2021, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) – Bộ Công an triển khai áp dụng thử nghiệm phần mềm kê khai thông tin đối với người trên phương tiện (lái xe và người đi cùng xe ô tô) vận tải hàng hoá do C06 - Bộ Công an vận hành tại địa chỉ http://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn.

Đây là giải pháp rất hiệu quả trong hoạt động tổ chức giao thông, giảm ùn tắc giao thông tại các khu vực áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ mà ngành giao thông vận tải đã triển khai, được các địa phương, doanh nghiệp, đội ngũ lái xe, người dân và các cơ quan thông tấn báo chí ghi nhận, đánh giá rất cao trong suốt thời gian qua.

Giải tỏa vướng mắc...

Mới đây, chiến lược chống dịch của Chính phủ hiện nay đã chuyển sang trạng thái “thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19”. Vì thế, trong thời gian tới, khi các địa phương dần nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch thì nhiệm vụ đặt ra là phải tiếp tục tổ chức tốt vận tải hàng hóa và khôi phục lại các hoạt động vận tải hành khách một cách linh hoạt, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Tại Tọa đàm “Nghị quyết 128 - Hướng tới bình thường mới”, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đánh giá: Nghị quyết 128 không phải chỉ khắc phục riêng lưu thông hàng hoá mà Nghị quyết là quyết sách đúng đắn trong thời điểm hiện nay, phù hợp tính thích ứng linh hoạt, triển khai những giải pháp phù hợp cho tình hình mới. Quyết sách này cực kỳ quan trọng trong thời điểm hiện nay. Trước đây, chống dịch chúng ta thực hiện theo Chỉ thị 15, 16, quyết sách của Chính phủ là phù hợp và với sự đồng lòng của nhân dân đã đạt được những thành quả. Ngành giao thông cũng thích ứng linh hoạt, có những giải pháp hết sức cụ thể cho từng lĩnh vực vận tải mới có hiệu quả được.

Trong quá trình lưu thông hàng hoá, không tránh khỏi một số tồn tại bất cập. Đến thời điểm hiện nay, Nghị quyết 128 đã chỉ rất rõ và cố gắng khắc phục để chúng ta phục hồi phát triển kinh tế, phòng chống dịch tốt. Một loạt chủ trương, giải pháp đưa ra trong Nghị quyết 128 là rất phù hợp.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ: Trong mọi điều kiện, kể cả trạng thái bình thường hay trong giai đoạn chống dịch thì ngành GTVT luôn phải đáp ứng được yêu cầu phục vụ lưu thông hàng hoá, phục vụ việc đi lại của người dân và phục vụ phòng chống dịch. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ: Trong mọi điều kiện, kể cả trạng thái bình thường hay trong giai đoạn chống dịch thì ngành GTVT luôn phải đáp ứng được yêu cầu phục vụ lưu thông hàng hoá, phục vụ việc đi lại của người dân và phục vụ phòng chống dịch. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Khi có Nghị quyết rồi, từ đánh giá giai đoạn đầu và đưa ra những giải pháp, khâu tổ chức vẫn là khâu quyết định sự thành công khi triển khai Nghị quyết. Lúc nào chúng ta cũng nói là cả hệ thống chính trị vào cuộc, vậy thì các thành viên trong hệ thống chính trị phải làm rõ, làm đúng trách nhiệm của mình.

Vừa rồi, trong lĩnh vực GTVT, từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến người dân, doanh nghiệp đều phản ánh về những khó khăn, vướng mắc trong lưu thông hàng hoá, tổ chức chưa đồng bộ dẫn đến những bất cập. Dứt khoát lần này chúng ta phải giải quyết bất cập này. Chúng ta phải đồng bộ từ công tác tuyên truyền, tập huấn. Chủ trương là đúng nhưng thực hiện ở các chốt kiểm dịch còn chưa đồng bộ, hiểu chưa đúng, triển khai chưa cụ thể dẫn đến bất cập trong vấn đề lưu thông. Chỉ dừng 1 chiếc xe trên đường 5 phút có thể kéo dài đến 1 tiếng và nhiều km, gây bức xúc cho doanh nghiệp, người dân, gây lãng phí.

Chúng tôi đã nhận thức được vấn đề này khi phân tích đánh giá và đưa ra các giải pháp. Ví dụ tại các chốt kiểm dịch, chúng ta phải phân luồng các đối tượng, ví dụ xe container một vị trí, xe khách một vị trí… không để dừng đỗ trên đường gây ách tắc nhưng vẫn kiểm soát dịch tốt.

Chúng ta phải thống nhất, ứng dụng công nghệ phải qua mã QR để khai báo y tế, chứ có địa phương bắt anh em ngồi ghi từng số xe thì chưa ổn. Ngành y tế đã quy định xét nghiệm 72 giờ thì cả nước thực hiện 72 giờ, có địa phương lại bảo chỉ có giá trị 24-48 giờ. Nếu chúng ta thực hiện chưa đồng bộ sẽ có những bức xúc.

Lần này, khi Nghị quyết 128 ra đời, chúng ta chuyển trạng thái từ đỉnh dịch đang xuống dần, phải thích ứng dần và gắn liền với giải pháp, khắc phục những tồn tại, góp phần vào việc phục hồi kinh tế nhanh nhưng vẫn chống dịch tốt. Nghị quyết 128 đưa ra rất kịp thời, rất đúng và trúng, rõ ràng về quan điểm chỉ đạo để chúng ta quán triệt, thực hiện.

Được biết, sau khi Nghị quyết 128 ra đời, Bộ GTVT cũng đã ban hành các quy định về lĩnh vực đường bộ, hàng hải và hàng không, mặc dù vẫn dựa vào Quyết định 4800 của Bộ Y tế để xây dựng nhưng Bộ GTVT cũng cụ thể hóa với các lĩnh vực cụ thể của ngành và xin ý kiến của Bộ Y tế. Bộ Y tế đã chỉ đạo và phối hợp rất nhanh, từ đó Bộ GTVT đã ban hành quyết định hướng dẫn. Đây cũng là cơ sở để các địa phương áp dụng thực hiện đồng bộ trên cả nước, nhất là lĩnh vực vận tải.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, khi đã đi vào triển khai, chúng ta cũng cần lưu tâm đến vấn đề hậu kiểm, lấy quy định đã ban hành để xem xét, để hậu kiểm, từ đó sẽ biết được ai làm đúng, ai làm chưa đúng. Đối với ngành GTVT, Bộ GTVT đang tập trung ban hành thí điểm lại 5 lĩnh vực có thời gian.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, vấn đề kiểm soát, theo dõi, kiểm tra hết sức quan trọng, nếu không tổ chức tốt, nhắc nhở kịp thời thì dễ tạo những xung đột mới, điểm nghẽn mới và sẽ tạo ra bức xúc của người dân và dư luận. Thời điểm hiện nay đang hạ nhiệt về dịch để phục hồi kinh tế, vấn đề đi lại của người dân sẽ rất lớn. Vấn đề này liên quan đến nguồn nhân lực, nên cần sự điều tiết giữa các bộ, nếu không tốt cũng không được.

Một số nơi vận chuyển hàng hóa là các nguyên, vật liệu cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, đồng thời phải bảo đảm đưa hàng hóa sản xuất ra xuất khẩu hay phân phối cho thị trường trong nước được lưu thông an toàn. Bộ GTVT đã đưa ra kế hoạch trong 5 lĩnh vực đường bộ, hàng hải, hàng không, đường sắt, đường thủy rất kịp thời, phù hợp. Trong quá trình thực hiện Bộ GTVT luôn kiểm soát, điều chỉnh thích ứng với tình hình mới.

Có thể nói, "luồng xanh" vận tải hàng hóa được xem là liều vaccine phòng chống bệnh "ách tắc" lưu thông chuỗi cung ứng hàng hóa. Và liều vaccine này càng phát huy tác dụng khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Thích ứng trạng thái “bình thường mới”

Tại nhiều tỉnh, thành phố lớn hiện nay đang dần bước sang trạng thái bình thường mới, các doanh nghiệp trong nước cũng từ đó từng bước khắc phục khó khăn, linh hoạt nhằm thích ứng để bắt nhịp sản xuất. Vào cuối năm 2021 cũng là thời điểm mà các doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh năng suất hoàn thành mục tiêu tăng trưởng.

Công ty Cổ phần HighLand Tea Việt Nam là doanh nghiệp chuyên sản xuất chè xuất khẩu được thành lập và đi vào hoạt động vào đúng đợt bùng phát dịch tại Việt Nam nên hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty cũng phần nào bị ảnh hưởng bởi nhiều thị trường vẫn đóng cửa làm cho sản lượng chè xuất khẩu của công ty giảm. Trước khó khăn đó, Ban Giám đốc Công ty đã kết nối tìm kiếm thị trường, tìm kiếm đối tác trong, ngoài nước duy trì ổn định việc làm, hỗ trợ khó khăn trước mắt cho người lao động ổn định cuộc sống, gắn bó với doanh nghiệp. Hiện tại, công ty đã tạo việc làm ổn định cho 40 công nhân là người địa phương.

Doanh nghiệp ngành chè nỗ lực vượt qua đại dịch.

Chia sẻ với báo chí, chị Hoàng Ngọc Anh - Phó Giám đốc Công ty CP HighLand Tea Việt Nam chia sẻ: Công ty mới đi vào hoạt động trong dịp bùng phát dịch nên công ty cũng gặp khó khăn khi thu mua mặt hàng chè tươi. Nhưng sau khi dịch bệnh được kiểm soát công ty đã đi vào hoạt động bình thường, mỗi ngày công ty thu mua khoảng 25 tấn chè tươi, thời gian xuất bán sang nước ngoài đã ổn định, thời gian lưu lại cảng ngắn hơn. Ngoài ra công ty còn quan tâm tới việc đảm bảo người lao động sản xuất không bị lây lan dịch Covid-19, đóng bảo hiểm cho công nhân, cũng như đảm bảo mức lương ổn định cho đời sống của công nhân với mức trung bình từ 6-8 triệu đồng/tháng, có những công nhân đạt tới 15 triệu đồng/tháng. Chúng tôi cũng tạo điều kiện đồng thời hỗ trợ người lao động đóng BHXH để đảm bảo quyền lợi cho họ và cũng là cách để động viên người lao động gắn bó lâu dài với công ty.

Thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19, công ty thành lập các tiểu ban phòng, chống dịch; chỉ đạo các phòng chuyên môn và các nhà máy chấp hành nghiêm các quy định về phòng dịch, nhất là chấp hành nghiêm biện pháp 5K của Bộ Y tế. Đưa ra các nội quy, quy định trong sản xuất cũng như khi đến cơ quan, nhà máy; đồng thời đầu tư trang thiết bị vật tư y tế, thường xuyên kiểm tra thân nhiệt, thực hiện giãn cách giữa các công nhân khi hoạt động sản xuất chế biến.

Đại dịch Covid-19 đã để lại hậu quả nặng nề cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng trong khoảng thời gian vừa qua. Để sẵn sàng cho một trạng thái “bình thường mới” các doanh nghiệp giờ đây đã từng bước lên kịch bản để kịp thời thích ứng. Tiếp tục hoàn thành mục tiêu sản xuất kinh doanh đã được doanh nghiệp đề ra.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thị trường hàng hoá trong nước sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng của những biến động trên thị trường hàng hoá thế giới, giá các mặt hàng nhóm nhiên liệu, năng lượng sẽ tiếp tục ở mức cao. Hiện đang vào dịp cuối năm, thị trường sẽ sôi động hơn, nhu cầu hàng hoá tăng phục vụ sản xuất, kinh doanh, cung ứng cho thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, nguồn cung sẽ được đảm bảo kể cả các địa bàn có dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp do các doanh nghiệp đã chủ động có phương án cung ứng hàng hoá, các địa phương đã có kinh nghiệm ứng phó tốt hơn và cũng đã có kế hoạch triển khai các Chương trình bình ổn thị trường theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, thị trường hàng hoá thiết yếu sẽ ít có biến động bất thường.

Thanh Tú

Theo KTDU

Từ khóa: