“Chúng tôi chỉ giao cho doanh nghiệp quản lý, giữ gìn cảnh quan để phục vụ cho du lịch thôi chứ không có gì ở đây cả. Không có chuyện lợi ích nhóm ở đây”, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho hay.
Trước đó, trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) xung quanh việc cấp hàng ngàn héc-ta đất tại nhiều địa phương như Ninh Bình, Hà Nam, Thái Nguyên, Hải Phòng… để doanh nghiệp xây chùa, văn bản mới đây của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) đã khẳng định, việc giao đất, cho thuê đất đã có nhiều sai sót.
Đối với chùa Tam Chúc (Hà Nam), từ năm 2008 đến năm 2011, UBND tỉnh Hà Nam ban hành 2 quyết định thu hồi đất đã giao và giao toàn bộ diện tích 815,1 hecta nói trên cho Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch Tam Chúc theo dự án được duyệt.
Tuy nhiên, theo Bộ TN&MT: “Các quyết định giao đất của tỉnh còn chưa rõ ràng về nội dung: Mục đích sử dụng chỉ thể hiện “đầu tư xây dựng khu du lịch Tam Chúc” mà không thể hiện loại đất cụ thể theo quy định tại Điều 13 của Luật đất đai; chưa xác định được mục đích sử dụng đất cụ thể trong từng quyết định (do tại thời điểm giao đất chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng) là không thống nhất và thiếu cơ sở để tính tiền thuê đất (nếu trong phạm vi đất cho thuê có cả các công trình tôn giáo tín ngưỡng và trong phạm vi đất giao quản lý không thu tiền có cả công trình cho mục đích kinh doanh thương mại)”.
Trao đổi nhanh với phóng viên Reatimes qua điện thoại, ông Nguyễn Xuân Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho hay, cá nhân ông đã tiếp nhận được thông tin trên: “Hiện nay chúng tôi đang giao cho các Sở, ngành, rà soát lại các thủ tục (giao đất). Hôm qua họp giao ban chúng tôi vừa giao nhiệm vụ này. Hiện nay vẫn chưa có kết quả”, ông Đông nói và cho biết thêm, đây là việc làm xảy ra ở giai đoạn trước khi ông đảm nhiệm cương vị Chủ tịch, nên cần có thời gian rà soát.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu có lợi có nhóm trong việc giao đất cho doanh nghiệp làm chùa hay không, nếu căn cứ vào văn bản trả lời của Bộ TN&MT, ông Đông cho biết: “Cái này chúng tôi chỉ giao cho doanh nghiệp quản lý, giữ gìn cảnh quan để phục vụ cho du lịch thôi chứ không có gì ở đây cả. Không có chuyện lợi ích nhóm ở đây”.
Chủ tich tỉnh Hà Nam cũng cho biết, sau khi có rà soát về việc giao đất vcho doanh nghiệp làm chùa sẽ có báo cáo cụ thể cơ quan có thẩm tquyền.
Ông Nguyễn Xuân Đông thẳng thắn, nếu trong quá trình rà soát các thủ tục pháp lý về vấn đề giao đất phát hiện có sai sót, sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Chùa Tam Chúc.
Đối với chùa Bái Đính (quy mô hơn 1.000 ha) từ năm 2006 đến năm 2012, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành 9 quyết định thu hồi diện tích gần 520 hecta đất (chiếm 51,5 % so với quy hoạch được duyệt).
Giao đất cho 3 cơ quan gồm: Sở Thương mại - Du lịch (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) hơn 495 hecta để thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu núi chùa Bái Đính; Ban quản lý quần thể danh thắng Tràng An 18,6 hecta để xây dựng cơ sở hạ tầng khu núi chùa Bái Đính và UBND huyện Gia Viễn hơn 4 ha để mở rộng khu dân cư hiện hữu.
“Việc giao đất cho 3 đơn vị như trên để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng, xây dựng khu tâm linh là chưa thể hiện rõ đối tượng được giao đất để quản lý hay giao đất để sử dụng; không thể hiện chế độ sử dụng đất (giao có thu tiền hay không thu tiền, hay thuê đất, không xác định thời hạn sử dụng đất); không thể hiện mục đích sử dụng từng loại đất theo quy định của Luật đất đai nên chưa đủ cơ sở để xác định diện tích phải tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, căn cứ để xác định giá đất”, Bộ TN&MT nêu rõ.
Nhiều ý kiến lo ngại rằng, Bên cạnh việc thất thu ngân sách Nhà nước, việc giao hàng nghìn ha đất xây khu tâm linh chùa Bái Đính và chùa Tam Chúc không đúng quy định pháp luật, chắc chắn không tránh khỏi trách nhiệm của UBND tỉnh Ninh Bình và Hà Nam.
Phóng viên đã liên hệ với, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh Ninh Bình để làm rõ những băn khoăn trên, nhưng không nhận được phản hồi...
Quốc Toản - Nhật Minh
Theo Reatimes