Về nguyên nhân vì sao khi các vụ mại dâm bị phát hiện thì danh tính người mua dâm vẫn được giữ kín, Phó cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội Lê Đức Hiền nói: "Việc chưa cho công bố tên là mang tính nhân đạo".
Về nguyên nhân vì sao khi các vụ mại dâm bị phát hiện thì danh tính người mua dâm vẫn được giữ kín, Phó cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội Lê Đức Hiền nói: "Việc chưa cho công bố tên là mang tính nhân đạo".
|
Người đẹp Sóc Trăng năm 2009 Võ Thị Mỹ Xuân đã bị Công an tạm giữ do liên quan đến môi giới mại dâm có nhiều người mẫu, diễn viên gây lùm xùm làng giải trí thời gian qua
|
Có một thực tế là người bán dâm khi bị phát hiện, bắt giữ thì bị công bố tên tuổi, quê quán, nghề nghiệp rõ ràng. Còn danh tánh người mua dâm vẫn trong bức màn kín?
- Theo pháp lệnh phòng chống mại dâm thì không công bố tên tuổi, hình ảnh người bán dâm, mua dâm. Nhưng nếu người bán dâm có hành vi môi giới, tổ chức thì thành tội phạm hình sự. Tuy nhiên, pháp lệnh cũng quy định ngoài việc bị xử phạt hành chính tại chỗ hành vi mại dâm, người mua dâm sẽ bị thông báo về địa phương để chính quyền địa phương nhắc nhở, giáo dục.
Nếu người mua dâm là cán bộ công chức, đảng viên hay lực lượng vũ trang thì tên tuổi sẽ bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó để giáo dục và xử lý kỷ luật.
Quy định rõ như vậy nhưng tới giờ đã có người mua dâm nào bị xử lý một cách triệt để theo điều khoản này chưa?
- Pháp lệnh đã quy định rất rõ ràng, nhưng thực tế các trường hợp bị xử lý vi phạm theo điều khoản này chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, hay nói cách khác việc thực thi pháp lệnh thực tế chưa đúng, chưa đủ, số người mua dâm bị thông báo về địa phương, cơ quan, đơn vị còn rất ít.
"Nếu công bố tên người mua dâm mà có tác dụng giảm tệ nạn mại dâm thì ta nên thí điểm làm thử để nghe ngóng xem thế nào"
Ông Lê Đức Hiền
|
Công tác lâu trong lĩnh vực phòng chống mại dâm, cá nhân ông có cho rằng nên công bố danh tánh người mua - bán dâm?
- Việc công bố danh tánh người mua dâm ngoài răn đe thì cũng tính đến các hệ lụy khác. Theo tôi, đây là vấn đề xã hội lớn, cần phải xem xét, bàn bạc kỹ lưỡng. Nếu công bố tên người mua dâm mà có tác dụng giảm tệ nạn mại dâm thì ta nên thí điểm làm thử để nghe ngóng xem thế nào.
Chứ ở một số nước, cả nước tư bản cho phép có “khu đèn đỏ”, các chính khách chỉ cần xuất hiện ở đó rồi bị phát hiện đưa lên báo chí thì uy tín đã giảm sút, có khi bản thân chính khách phải tự động xin từ chức. Còn ở ta, việc chưa cho công bố tên là mang tính nhân đạo. Nhân đạo là anh chỉ bị thông báo về địa phương, cơ quan, đơn vị, chứ chưa hẳn đã thông báo cho gia đình biết.
|
Phó cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) Lê Đức Hiền
|
Có cung thì có cầu, tình hình mại dâm vẫn gia tăng. Vậy đã đến lúc chúng ta xem xét cho thành lập các “khu đèn đỏ”?
- Cho phép “khu đèn đỏ” là một vấn đề lớn, rất phức tạp, liên quan đến thể chế chính trị, pháp luật, đến phong tục tập quán, bộ máy và công tác quản lý...
Bây giờ, nếu ta lập và cho phép “khu đèn đỏ” thì quản lý khu ngoài đèn đỏ thế nào? Có “khu đèn đỏ” là có các tệ nạn xã hội, có buôn bán người, có bảo kê, có đâm thuê chém mướn, có ma túy... Ở các nước đã có “khu đèn đỏ” thì mua - bán dâm ngoài khu đèn đỏ sẽ bị xử lý cực nghiêm. Vậy ta đã có đủ bộ máy, công tác quản lý đã tốt chưa để cho phép “khu đèn đỏ”?
Làm công tác này, chúng tôi quá rõ việc các nước cho phép “khu đèn đỏ”, công nhận bán dâm là một nghề đang thất bại đau đớn thế nào vì không thể kiểm soát được tình hình. Mà đó đều là những nước tiên tiến, công tác quản lý, thực thi pháp luật cực tốt. Còn ở ta, lúc này chắc chắn chưa thể bàn tính đến những chuyện như thế.
Theo ông Lê Đức Hiền: Tệ nạn mại dâm vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Giờ thì có đủ người mẫu, diễn viên, học sinh, sinh viên, mại dâm nam, mại dâm phục vụ người già... Tất cả đều được tổ chức ngày càng tinh vi, kín đáo, có những đường dây phức tạp. Đặc biệt, xuất hiện lớp đại gia có lối sống hưởng thụ, không chân chính, coi tiền như rác.
Theo Tuổi Trẻ