Sự kiện hot
13 năm trước

Chứng minh nơi đỗ xe: Chưa hợp lý, dễ sinh tiêu cực?

Mới đây, Bộ GTVT đã có công văn đề nghị Bộ Công an nghiên cứu sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật liên quan, trong đó quy định chủ sở hữu ô tô cá nhân khi đăng ký xe phải chứng minh có nơi đỗ xe phù hợp.

Mới đây, Bộ GTVT đã có công văn đề nghị Bộ Công an nghiên cứu sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật liên quan, trong đó quy định chủ sở hữu ô tô cá nhân khi đăng ký xe phải chứng minh có nơi đỗ xe phù hợp.

Được biết, với quy định này, Bộ GTVT muốn giải quyết bài toán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đã trở thành căn bệnh kinh niên trong thời gian qua. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, đây là quy định đã thực hiện thất bại năm 2003 - 2004, và đến thời điểm này, việc tái khởi động lại áp dụng đề xuất trên là không hợp lý, sẽ nảy sinh ra nhiều tiêu cực.

Sẽ "đẻ" ra chuyện chạy chọt giấy phép?

Theo bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, một trong những nguyên nhân gây ùn tắc nghiêm trọng tại các thành phố lớn hiện nay trong đó có Hà Nội là do số lượng ôtô cá nhân tăng lên nhanh chóng. Nhiều chủ xe chiếm dụng lòng đường, hè phố, nơi công cộng làm chỗ đỗ xe riêng, trái quy định của pháp luật. Chính vì vậy, Bộ GTVT kiến nghị Bộ Công an nghiên cứu, bổ sung văn bản, trong đó yêu cầu chủ xe ôtô phải chứng minh có chỗ đỗ hợp pháp khi đăng ký xe.

Trao đổi với PV báo Nguoiduatin.vn về vấn đề này, T.S Khuất Việt Hùng, phó viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý Giao thông vận tải, Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng: "Theo tôi việc triển khai quy định trên tại Hà Nội thời điểm hiện tại là không hợp lý. Vì khi triển khai quy định này cần một thời gian dài để chuẩn bị các điều kiện về pháp lý. Trong khi đó, với năng lực, trình độ quản lý giao thông của nước ta như hiện nay mà áp dụng quy định này thì chắc chắn sẽ xảy ra nhiều tiêu cực như tình trạng "chạy chọt" xin giấy phép bãi đỗ xe để đối phó với cơ quan chức năng. Chính vì thế, khi ta đã biết trước được những tiêu cực sẽ xảy ra thì tốt nhất không nên làm".

Theo TS. Hùng, năm 2003 - 2004, chúng ta đã thực hiện quy định này tuy nhiên đã thất bại. Thực tế cho thấy, quy định này thất bại thời điểm đó là do chúng ta chưa chuẩn bị trước được các điều kiện về năng lực quản lý, điểm bãi đỗ xe.

Ông Bùi Đăng Thắng, giám đốc Công ty khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cũng thừa nhận, việc "cò" chạy giấy tờ xác nhận có điểm đỗ xe là không hiếm. Khi quy định này được áp dụng khó tránh khỏi tình trạng tiêu cực. Ông Thắng cũng cho rằng, hiện nay TP. Hà Nội có diện tích đỗ xe quá hạn chế (90% số ô tô không có bãi đỗ xe phải đổ ra vỉa hè, lòng đường, các bãi đỗ xe tư nhân tự phát). Thậm chí, nhiều người chuẩn bị mua xe còn lo ngại trong điều kiện thiếu điểm đỗ xe như hiện nay thì rất dễ bị các chủ bãi đỗ xe tư nhân bắt chẹt và phải chấp nhận mức giá cao để có được nơi đỗ xe hằng ngày...

Nạn ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn vẫn là một vấn nạn vô cùng khó giải quyết.

Cũng trao đổi với chúng tôi về quy định trên, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: "Tôi được biết, năm 2003, Nhà nước từng thực hiện quy định này nhưng người dân không đồng tình nên đã bãi bỏ. Theo tôi, trong khi Nhà nước đang cố gắng đơn giản hoá các thủ tục hành chính thì việc áp dụng quy định này sẽ nảy sinh nhiều tiêu cực, nhiều người sẽ chạy chọt, kiếm giấy phép đỗ xe giả... để đối phó lại quy định, rất phiền hà và rắc rối.

Hơn nữa, tôi cho rằng, quyền sở hữu tài sản là quyền của công dân, việc mua xe là quyền của mỗi người. Các cơ quan chức năng không nên quy định thêm các thủ tục hành chính gây phiền hà cho dân trong việc đăng ký xe ô tô. Trước đây, người dân đã phản ứng rất gay gắt về quy định này, đến nay Bộ GTVT lật lại cái mà dân đã phản ứng để áp dụng thì đó là điều không nên. Chắc chắn sẽ tiếp tục vấp phải sự phản ứng của người dân".
Theo ông Hùng, thực tế năm 2003, khi Nhà nước áp dụng quy định trên cho thấy, nhiều người đã "chạy chọt" để có giấy phép có bãi đỗ xe hợp lý, thậm chí, còn xuất hiện nhiều giấy phép bãi đỗ xe giả gây khó khăn cho quản lý của các cơ quan chức năng cũng như là phiền hà cho người dân. Liệu đây có phải là cách làm giống như trước đây đã từng áp dụng chuyện chỉ cho mỗi người dân đứng tên một chiếc xe mô tô?

Nhiều điểm chưa rõ ràng

Được biết, trong công văn của Bộ GTVT gửi Bộ Công an cũng đề nghị phải có biện pháp kiểm tra, xử lý các trường hợp ký kết hợp đồng trông giữ xe gian dối. Tuy nhiên, Bộ GTVT chưa nêu được đề xuất biện pháp cụ thể cho đề nghị này.

Trao đổi về vấn đề này, TS. Khuất Việt Hùng tỏ ra khá lo ngại: "Mặc dù Bộ GTVT yêu cầu kiểm tra xử lý các trường hợp ký kết hợp đồng giả, gian dối để được cấp giấy đăng ký xe, tuy nhiên Bộ cũng chưa quy định thế nào là một bãi đỗ xe đạt tiêu chuẩn, như thế nào là một bãi đỗ xe chưa đạt. Đồng thời phải có được quy định về nơi được phép đỗ xe bao gồm cả về diện tích, điều kiện PCCC như thế nào? Nếu quy định này áp dụng vào thực tiễn mà không làm rõ vấn đề trên chắc chắn sẽ xảy ra những mâu thuẫn, tranh cãi. Chính điều này sẽ gây khó khăn cho việc kiểm tra giám sát của các cơ quan chức năng. Đây là vấn đề cần phải cân nhắc".

"Theo tôi", Bộ GTVT cũng chưa quy định như thế nào là bãi đỗ xe đúng tiêu chuẩn. Chính vì vậy, việc kiểm tra của các cơ quan liên quan cũng sẽ gặp khó khăn trong việc thế nào là gian dối. Trong khi đó, chúng ta cũng chưa thể biết là cơ quan nào sẽ đi kiểm tra các bãi đỗ xe mà người dân đăng ký? Đây là một vấn đề rất khó khăn mà cần phải suy tính kỹ lưỡng", ông Nguyễn Mạnh Hùng đặt câu hỏi.

Theo thống kê, hiện nay toàn Hà Nội có khoảng 1.178 điểm đỗ xe, với diện tích khoảng 43 ha đất, nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 8% - 10% nhu cầu số lượng xe hiện có trên địa bàn. Trong khi đó, lượng ô tô tại Hà Nội hiện tại lên tới 450.000 xe, chưa kể khoảng 50.000 xe của các lực lượng vũ trang thường xuyên về Hà Nội. Mỗi tháng, có tới 4.000 - 5.000 xe ô tô đăng ký mới tại Hà Nội. Nhiều người cho rằng việc gia tăng xe cá nhân với số lượng lớn là nguyên nhân chính dẫn đến tính trạng ùn tắc giao thông.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng

Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng lại cho rằng: "Xe cá nhân chỉ là một nguyên nhân nhỏ dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội. Tính đến thời điểm này, Hà Nội mới chỉ có gần 500.000 xe cá nhân trong khi taxi là 1, 6 vạn chiếc. Việc quản lý kinh doanh của taxi hiện nay trên địa bàn Hà Nội vẫn chưa được tốt, chưa phát huy được hiệu quả. Trước hết cần quản lý tốt việc kinh doanh, đỗ đáp xe taxi.".

Cùng quan điểm trên, TS. Khuất Việt Hùng cũng cho rằng, việc đậu đỗ xe taxi trái phép cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông.
Cần nâng cấp năng lực quản lý giao thông

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam thì việc nâng cấp năng lực quản lý và cơ sở vật chất GTVT sẽ có hiệu quả hơn là hạn chế xe cá nhân trong việc giải quyết bài toán ùn tắc giao thông. Ông Hùng dẫn chứng: "Tôi được biết ở Băng Cốc (Thái Lan) hiện tại có 3 triệu xe cá nhân, thành phố Seul (Hàn Quốc) có 4 triệu chiếc trong khi đó Việt Nam chưa đến 500.000 chiếc. Tuy nhiên, họ không hề xảy ra ùn tắc như ở Việt Nam. Theo tôi, do năng lực quản lý giao thông của họ tốt, cơ sở hạ tầng của họ đáp ứng được nhu cầu cho các phương tiện lưu thông. Chính vì vậy, sao chúng ta không đầu tư vào việc đó mà cứ phải đề ra những quy định để hạn chế xe cá nhân làm gì?".

Văn Chương - Minh Lý
Theo Người đưa tin

Từ khóa: