Bộ Xây dựng cho biết, để từng bước phát triển kết cấu hạ tầng, hoàn chỉnh hệ thống đô thị theo Định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2050, Bộ đang xúc tiến, thu hút đầu tư, tranh thủ nguồn vốn ưu đãi của các tổ chức quốc tế để tổ chức triển khai Chương trình Nâng cấp đô thị quốc gia giai đoạn từ năm 2009 - 2020; hỗ trợ thực hiện Chương trình Phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 - 2020.
Theo đó, Bộ đang tập trung thực hiện nâng cấp cho các khu nghèo đô thị tại 6 đô thị thuộc khuôn khổ Dự án nâng cấp đô thị Vùng ĐBSCL giai đoạn 2012 - 2018 (gồm Cần Thơ, Cà Mau, Trà Vinh, Mỹ Tho, Rạch Giá, Cao Lãnh), 07 đô thị trong giai đoạn chuẩn bị thuộc Chương trình đô thị miền núi phía Bắc giai đoạn 2015 - 2020 (Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hòa Bình và Yên Bái).
Việc triển khai hàng loạt các công trình nâng cấp và phát triển hạ tầng cấp II, III trong khuôn khổ Dự án tại 13 đô thị nêu trên sẽ góp phần xóa bỏ tình trạng nghèo đói tại các khu nghèo, cải thiện và nâng cao điều kiện sống cho người dân tại khu vực, nâng cao nhận thức, tăng cường vai trò của chính quyền địa phương và người dân, đảm bảo công bằng và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Trước đó, nhằm phát triển đô thị một cách bền vững, giảm thiểu các thiệt hại, rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị, trên cơ sở kịch bản quốc gia về biến đổi khí hậu, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013 - 2020 tại Quyết định số 2623/QĐ-TTg ngày 31/12/2013. Đề án tập trung vào mục tiêu cập nhật bổ sung yêu cầu ứng phó biến đổi khí hậu vào quá trình điều chỉnh; xây dựng mới và thực hiện các định hướng, chương trình phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020.
Cũng trong lĩnh vực phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã tập trung chỉ đạo thực hiện Định hướng phát triển cấp nước, thoát nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050 với mục tiêu “Đến năm 2015, tỷ lệ cấp nước sạch tại các đô thị từ loại III trở lên đạt 90%, các đô thị loại IV đạt 70%...”. Bộ Xây dựng đã và đang phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện việc vận động, thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng các nhà máy cung cấp nước sạch cho các đô thị như: Nhà máy Nước mặt sông Đà, Nhà máy Nước mặt sông Đuống tại vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ; Nhà máy nước sông Hậu I tại vùng Kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL...
Đặc biệt, nhằm xây dựng một hệ thống cấp nước liên vùng, liên tỉnh mang tính ổn định, bền vững lâu dài cho Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Bộ Xây dựng đã hoàn thành phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Nhà máy nước sông Đuống, dự kiến nhà máy có công suất 300 nghìn m3/ngđ.
Trong Chương trình chống thất thoát, thất thu nước sạch, Bộ Xây dựng đã tổ chức đoàn khảo sát, điều tra và hướng dẫn các địa phương xây dựng chương trình; tổ chức triển khai chống thất thoát thất thu nước sạch tại miền Bắc, miền Trung và miền Nam... Đặc biệt, trong Chương trình nâng cao năng lực cho các Cty cấp nước miền Trung, với sự giúp đỡ của Nhật Bản, 30 lớp đào tạo nâng cao tay nghề cho hơn 300 công nhân vận hành hệ thống cấp nước của các Cty cấp nước miền Trung và Tây Nguyên đã được mở. Ngoài ra, các Cty cấp nước liên kết để giúp đào tạo tại chỗ nhằm nâng cao năng lực phát hiện và xử lý các điểm rò rỉ giữa các Cty có kinh nghiệm và các Cty còn yếu như Huế - Quảng Trị, Đà Nẵng - Hải Phòng, Hải Dương - Sơn La - Nghệ An....
Theo nhận định của Bộ Xây dựng, nhìn chung Chương trình quốc gia về chống thất thoát thất thu nước sạch đã được tổ chức triển khai rất có hiệu quả, nhiều địa phương đã thực sự tham gia và kết quả đã đạt được hoặc vượt chỉ tiêu đề ra, so với năm 2012 tỷ lệ thất thoát năm 2013 giảm gần 2%. Như vậy đến năm 2015 sẽ có thể vượt đạt chỉ tiêu theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ (giảm còn khoảng 23 - 24%).
Quý Anh
theo Xây dựng