Sự kiện hot
3 năm trước

Chuyên gia đề xuất sớm nới room tín dụng

Nhiều chuyên gia kinh tế đồng quan điểm rằng NHNN nên sớm nới thêm room tín dụng cho các NHTM, cùng với đó là tăng mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay lên 14-15% để hỗ trợ phục hồi, tăng trưởng kinh tế.

Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm đạt 9,35%. Ảnh: Trọng Hiếu

Thông tin tại Hội nghị Triển khai Nghị quyết 31 của Chính phủ về gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước thông qua các ngân hàng thương mại mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, tính đến 30/6, tín dụng toàn nền kinh tế là 11,4 triệu tỷ đồng, tăng 9,35% so với cuối năm 2021, cao hơn cùng kỳ năm ngoái (6,9%); huy động vốn đạt 11,8 triệu tỷ đồng (tăng 4,51%), cao hơn cùng kỳ năm ngoái là 4,09%.

Đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ của NHNN 6 tháng đầu năm, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, mức tăng trưởng cao GDP quý II (7,72%) và 6 tháng đầu năm 2022, một phần đóng góp là từ tăng trưởng tín dụng. Các TCTD đã có nhiều cố gắng trong tạo nguồn vốn duy trì, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh để phục hồi, phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cũng cho rằng, tăng trưởng GDP quý II tăng cao, một phần là do tăng trưởng tín dụng quý I tốt. Tuy nhiên, vì tăng trưởng tín dụng mạnh trong quý I nên hiện nay nhiều ngân hàng đã không còn room tín dụng.

Ông Hưng đề xuất, NHNN sớm xem xét cấp thêm room tín dụng cho các ngân hàng để có thêm nguồn cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. "Một miếng khi đói bằng một gói khi no, nếu được cấp vốn sớm ở thời điểm hiện tại, doanh nghiệp sẽ sớm và dễ phục hồi hơn là lùi lại, cấp vốn vào năm 2023", ông Hưng nói.

Một số chuyên gia đồng quan điểm với ông Hưng về việc nên sớm cấp thêm room tín dụng cho các ngân hàng để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, tuy nhiên vẫn cần có đánh giá, tránh tăng cung tiền quá lớn tác động lên lạm phát.

Tăng trưởng tín dụng phù hợp: 14-15%

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV khuyến nghị NHNN nên sớm cấp tiếp hạn mức tín dụng cho các NHTM. Vì: Một số TCTD đã hết room, trong khi các ngân hàng này có nhu cầu chính đáng và khách hàng có dự án hiệu quả, khả thi; lạm phát gia tăng (có thể lên mức 3,8-4,2% trong năm nay) nhưng đây là mức chấp nhận được trong bối cảnh lạm phát toàn cầu năm nay khoảng 6% (từ mức 3,8% năm 2021); và để đáp ứng nhu cầu phục hồi kinh tế của Việt Nam.

Ông Lực cho rằng, tín dụng có thể mở rộng hơn (1 phần là để thực hiện gói hỗ trợ lãi suất theo Chương trình phục hồi) và mức tăng trưởng tín dụng năm 2022 có thể là 14-15%.

Về phần mình, TS. Lê Xuân Nghĩa đánh giá tăng room tín dụng là cần thiết nhưng NHNN cũng nên thận trọng, tránh để tăng cung tiền quá lớn sẽ tác động lên lạm phát.

Phân tích các động lực tăng trưởng 6 tháng đầu năm, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, cũng không nên quá vui mừng với các chỉ số vĩ mô, khi tăng trưởng hiện mới chỉ tương đương các năm trước đại dịch và là mức tăng trưởng trung bình so với nhiều nước đã tăng trưởng mạnh năm 2021.

Cụ thể, tăng trưởng 6 tháng đầu năm chủ yếu vào tiêu dùng, trong đó đóng góp phần lớn là tiêu dùng dịch vụ và đầu tư tư nhân, FDI. Trong khi đó các ngành khác như nông, lâm, ngư nghiệp; công nghiệp, xây dựng đều tăng trưởng chậm lại khi so với cùng kỳ năm 2021. Đầu tư công 6 tháng đầu năm cũng chỉ tăng tương đương cùng kỳ. 

"Tăng trưởng 6 tháng cuối năm sẽ vẫn phụ thuộc vào tăng trưởng tiêu dùng và đầu tư tư nhân, FDI. Muốn thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư tư nhân cần tăng trưởng tín dụng phù hợp. Có thể nói, con số tăng trưởng tín dụng 9,35% 6 tháng đầu năm đã phản ánh phần lớn vào tăng trưởng GDP quý II và 6 tháng", TS. Lê Xuân Nghĩa nói.

Theo đó, ông Nghĩa cho rằng, hai vấn đề ngành ngân hàng cần quan tâm thời điểm hiện tại là thu hồi nợ cũ và tăng room tín dụng.

6 tháng đầu năm tăng 9,35% cũng đã là khá cao và NHNN cũng nên kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức 14-15%. Vì vậy, quan trọng thời điểm hiện tại là các ngân hàng nên nỗ lực thu hồi nợ cũ, giảm bớt nợ xấu, từ đó đưa thêm vốn vào quay vòng.

"Theo ước tính, hiện nay có khoảng 1,1-1,2 triệu tỷ đồng (tương đương gần 10% tổng tín dụng toàn nền kinh tế) đang mắc kẹt ở các khoản nợ tái cơ cấu và nợ xấu. Vì vậy, nếu thu hồi chỉ 50% con số nêu trên thì tín dụng đã có thể tăng thêm 5%", TS. Lê Xuân Nghĩa chia sẻ.

Khuyến khích NHNN có thể nới thêm room tín dụng lên mức 15-16% để hỗ trợ doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trong năm nay NHNN có thể nới room tín dụng thêm khoảng 2% so với mục tiêu đầu năm.

Tuy nhiên, ông Hiếu khuyến cáo, điều quan trọng là NHNN cần kiểm soát được để room tín dụng tăng thêm chảy đúng vào các ngành nghề sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ ngành du lịch, dịch vụ, nông, lâm, ngư nghiệp thay vì chảy vào nhóm đầu cơ như chứng khoán, bất động sản.

N.THOAN
Theo nhadautu.vn

Từ khóa: