Sự kiện hot
7 năm trước

Chuyên gia phong thủy bày cách chuẩn bị mâm cúng tiết Thanh minh

Theo chuyên gia phong thủy Ths Hoàng Công, các gia đình phải có một lễ cúng tại gia đình trước khi tiến hành tảo mộ.

Tiết Thanh Minh là một trong 24 tiết khí, có khoảng thời gian bắt đầu từ sau tiết Xuân Phân, cách thời điểm Lập Xuân 45 ngày. Đây là thời điểm khí trời quang đãng, đã hết những đợt mưa phùn nên được gọi là Thanh Minh, nghĩa là trong sáng, mát mẻ.

Tết (đọc trại âm của từ Tiết) Thanh Minh năm nay vào ngày mùng 8 tháng 3 âm lịch, dương lịch là mùng 4 tháng 4, là ngày đầu tiên của tiết Thanh Minh.

Trong ngày này và những ngày trong tiết Thanh Minh, các gia đình Việt Nam thường có một nghi thức rất quan trọng, đó là tục tảo mộ tổ tiên, người thân.

Tiết Thanh Minh năm nay diễn ra vào ngày 8/3 âm lịch. (Ảnh: Tuổi trẻ thủ đô).

Trải qua một mùa xuân ẩm ướt, cỏ dại lan tràn, các ngôi mộ có thể bị hư hại. Điều này, theo tín niệm, sẽ ảnh hưởng đến sự yên nghỉ của người đã khuất, cũng như ảnh hưởng đến con cháu tại dương gian. Do đó, người Việt rất coi trọng ngày này, đồng thời, đây cũng là dịp đoàn tụ của các gia đình, dòng họ… trong ý niệm hướng về tổ tiên, nguồn gốc.

Cách chuẩn bị lễ cúng

Theo phong tục, các gia đình sẽ có một lễ cúng tại gia đình trước khi tiến hành tảo mộ. Lễ cúng này nhằm mục đích yết cáo với thần linh, tổ tiên, xin phép cho con cháu được sửa sang phần mộ của người đã khuất. Lễ cúng thường là lễ cúng mặn, có gà trống luộc, xôi trắng, hương hoa trà quả… Đối với những gia đình lớn, người dâng hương trong lễ cúng này thường là con trưởng của gia đình hay cháu trưởng của dòng tộc.

Lễ cúng tiết Thanh minh thường là lễ cúng mặn. (Ảnh: Kiến thức).

Trong các ngày sau đó trong tiết Thanh Minh, các gia đình, dòng họ đến nghĩa trang tiến hành việc tảo mộ (dọn dẹp, sửa sang) nơi yên nghỉ của người đã khuất. Việc dọn dẹp có thể là nhổ cỏ, trồng hoa, tu sửa lại bia mộ… để những ngôi mộ được khang trang, sạch đẹp, bền vững.

Lễ cúng ngoài mộ cũng cần đầy đủ như lễ cúng tại gia đình. Một số gia đình có thể hóa thêm ngựa, quần áo, tiền vàng mã… với niềm tin rằng người đã khuất có thể nhận được sự quan tâm của người còn sống.

Những điều lưu ý trong lễ tảo mộ

Dưới đây là việc nên làm trong lễ tảo mộ:

- Bày cỗ, thắp hương cúng tại gia đình trong ngày Tết Thanh Minh, xin phép thần linh, gia tiên trước khi tảo mộ

- Người làm lễ tảo mộ thường phải là con trưởng, cháu đích tôn hoặc người kế thừa tục thờ cúng của gia đình, dòng họ.

Người làm lễ tảo mộ thường phải là con trưởng. (Ảnh: Dân trí).

- Thắp hương tại điện thờ thổ công, thổ địa tại nghĩa trang trước khi cúng tại mộ.

- Sau khi cúng ở mộ, mới tiến hành dọn dẹp, sửa sang ngôi mộ.

- Dọn dẹp chỉ dừng ở việc sửa sang lại bia mộ, nhặt cỏ, trồng hoa… Đối với những ngôi mộ chưa xây có thể đắp thêm đất. Việc cắt cỏ cũng lưu ý chỉ làm phần nổi ở trên, không giật, đào rễ cỏ tránh làm sạt lở mộ.

- Khi hóa vàng, cần đốt ở nơi quy định, tránh việc đốt mã nhiệt độ cao ở khu vực phần mộ vì có thể ảnh hưởng đến âm khí của ngôi mộ.

Ths Hoàng Công
(Unesco Việt Nam)
Theo ĐSPL, Vietnammoi

Từ khóa: