Không những thế, chúng tớ còn bị... nghiện môn Toán nữa cơ!
Không những thế, chúng tớ còn bị... nghiện môn Toán nữa cơ!
Thầy Toán phải... châm ngòi
Với bọn con gái lớp 11 chuyên Văn chúng tớ, cứ mỗi tiết Toán là ai cũng sợ toát mồ hôi hột. Những con số nhảy múa quanh đầu, đồ thị hàm số rối hết cả mắt. Nghe thầy giảng mà gật gù như có vẻ hiểu lắm, nhưng thật sự chúng tớ đang say sưa tới... díp cả mắt lại. Phải giảng cho một lớp như vậy, chắc thầy buồn lắm! Cuối cùng, thầy tớ đã làm một cuộc cách mạng thay đổi hẳn 41 nhân văn vẻ.
Tiết Toán đầu tiên của ngày thứ 2, như thường lệ, thầy bước vào lớp và giở sổ kiểm tra bài cũ. Đứa nào đứa nấy run lên bần bật liếc qua sách vở để chống chế ánh mắt supper “soi” của thầy. Và tim tớ muốn vỡ ra khi nghe thấy gọi... tên mình. Miễn cưỡng lên bục giảng theo mệnh lệnh của thầy, gượng gạo đưa vở bài tập cho thầy kiểm tra, mắt tớ cúi xuống đầy tội lỗi chuẩn bị tinh thần.
Nhưng, lạ chưa? “Em hãy đọc một bài thơ về chủ đề tình yêu?” Tớ tròn xoe mắt nhìn thầy, rồi nhìn xuống lớp. Ai cũng mắt chữ A, miệng chữ O há hốc ngạc nhiên. Còn thầy thì điềm nhiên như bình thường. Tớ lí nhí: “Thưa thầy, giờ là tiết Toán ạ”.
“Tôi biết vì tôi là giáo viên dạy Toán. Nhưng tôi cũng là con người, mà con người cũng cần có tình yêu. Yêu gia đình, yêu công việc, yêu cuộc sống… nên tôi mới nhờ các em chuyên Văn cung cấp cho tôi chút kiến thức về Văn học, để tôi có thể hoàn thiện mình hơn. Chứ chỉ có mỗi Toán, tôi sẽ… lệch pha mất”.
Hóa ra thầy mình thâm thúy thật. Thầy đang nhắc khéo chúng tớ cần học hành nghiêm túc, học đều các môn để có thể vượt qua kì thi tốt nghiệp sắp tới, để hoàn thiện bản thân hơn. Và để tạo động lực tinh thần học Toán cho cả lớp, thầy tớ đã ngẫu hứng vần vè làm thơ xâu chuỗi với Toán học:
Muốn giải phương trình bậc 2
Xác định hệ số đừng sai số nào
Cộng từ chúng lại xem sao
Ngiệm nào là 1, nghiệm nào c/a
B chẵn đừng tính delta
Dùng delta phẩy xem ra nhẹ nhàng
Viết công thức đã sẵn sàng
Tích tổng phối hợp dễ dàng tìm ra
Cuối cùng đành tính delta
Bậc 2 tổng quát thế là tinh thông...
Và cùng học Toán nào
Công đầu tiên, thầy đã truyền “hào khí” Toán học cho cả lớp. Nhưng một điều quan trọng nữa là chính chúng tớ cũng phải nỗ lực và tìm ra phương pháp học tập hiệu quả.
Dân Văn chúng tớ hầu hết đứa nào cũng "cày ngày cày đêm". Nhưng với môn Toán, như thế vẫn chưa đủ. Cứ lải nhải suốt ngày các định nghĩa, ti tỉ các công thức mà vẫn không biết áp dụng vào một bài toán cụ thể. Do đó, thầy tớ chỉ ra rằng: mỗi người đều có cái tôi, nên mỗi người có cách diễn đạt kiến thức khác nhau.
Như cô bạn Lê An đã chia sẻ cùng cả lớp cách học Toán rất thú vị. Ví dụ nếu theo đúng câu chữ của Toán học về hình học phẳng, định lý của Ptoleme là “Trong một tứ giác nội tiếp, tích hai đường chéo bằng tổng các tích của các cặp đối diện”. Lê An “biến hóa và liên tưởng” cho dễ nhớ. Bạn cho rằng giống như trong một lớp, điểm thi đua của cả lớp bằng tổng điểm của các thành viên cộng lại. Rồi nhớ thêm một chút là nhân chúng lại chúng nhau. Không hề máy móc mà còn nhớ rất lâu đấy.
Lớp tớ đã không còn sợ môn Toán nữa rồi
Bạn Thanh Mai (lớp trưởng) tự hào: “Lớp mình dạo này khác lạ lắm nhé. Giờ tớ mới thấy Văn và Toán là đôi bạn thân. Nhờ Văn mà toán bớt khô khan, nhờ Toán mà văn thêm phần logic. Con gái lớp Văn lại hay tự ái, thấy bạn bè hơn mình nên phải cố và cố nữa”.
Ngoài ra thầy tớ còn dạy rằng: "Đừng bao giờ học với kiểu “bò rạp, gục mặt” xuống bàn, chép bài như điên, vo viên lời thầy rồi nuốt ực. Rồi khi thầy hỏi lại… đần mặt ra". Thầy luôn khuyến khích chúng tớ hỏi lại, cùng thảo luận, và dù bạn đúng hay sai thầy đều ủng hộ. Cho nên cái tật giấu dốt của chúng tớ đã nock out, thay thế là những lập luận logic mà thầy định hướng.
Trải qua một học kì, bảng điểm môn Toán của cả lớp đã lên rõ rệt. Cô giáo chủ nhiệm lớp tớ rất phấn khởi, còn nói đùa rằng “Thầy dạy Toán có lẽ là quý nhân phù trợ cho lớp”. Bởi nếu giờ không có môn Toán của thầy, chúng tớ cứ thấy thiếu thiếu, bứt rứt như.. nghiện ấy. Lạ không bạn, lớp Văn giờ không ngán Toán đâu nhé!
Lê Bình