Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, hai tuần gần đây, tại Hà Nội đã xuất hiện 12 ca nghi mắc bệnh tay chân miệng rải rác ở một số quận, huyện.
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, hai tuần gần đây, tại Hà Nội đã xuất hiện 12 ca nghi mắc bệnh tay chân miệng rải rác ở một số quận, huyện.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Internet)
Tuy nhiên, các trường hợp bị nghi mắc bệnh tay chân miệng đã được điều trị khỏi, không có tử vong.
Từ đầu năm tới nay dịch tay chân miệng đã xuất hiện ở 30 tỉnh, thành phố. Hiện nay, bệnh tay chân miệng đang bùng phát mạnh ở một số tỉnh phía Nam.
Trên cả nước đã ghi nhận hơn 5.000 ca mắc bệnh và đã có 17 trường hợp tử vong, bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi.
Trước tình hình đó, để phòng chống bệnh tay chân miệng tại Hà Nội, Sở Y tế và Sở Gáo dục-Đào tạo đã có công văn liên Sở nhằm phối hợp triển khai các biện pháp phòng chống dịch tay chân miệng trong trường học.
Theo công văn, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Phòng nghiệp vụ Y và Phòng Công tác học sinh sinh viên triển khai các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng trong các trường học, đặc biệt là khối mầm non (nhà trẻ, mẫu giáo). Phối hợp kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của các đơn vị trong ngành.
Các phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện, thị xã cần có chỉ đạo các trường học thông báo kịp thời thông tin về học sinh có biểu hiện nghi mắc bệnh tay chân miệng cho cơ sở y tế trên địa bàn để kịp thời điều tra dịch tễ và xử lý dịch; tăng cường tuyên truyền về các biện pháp phòng bệnh cho học sinh.
Các trường cần khuyến cáo cho phụ huynh khi phát hiện trẻ có dấu hiệu mắc bệnh phải thông báo cho nhà trường và cơ sở y tế đồng thời cho trẻ không đến lớp ít nhất 10 ngày kể từ ngày khởi bệnh và chỉ đến lớp khi hết loét miệng, phỏng nước; vệ sinh lau sàn nhà, bàn ghế, đồ chơi, dụng cụ học tập… bằng xà phòng hoặc cloraminB 2%.
Trường học nào khi có từ 2 trẻ trở lên trong một lớp bị mắc bệnh trong vòng 7 ngày thì cho cả lớp đó nghỉ học 10 ngày kể từ ngày khởi bệnh của ca cuối cùng để hạn chế bệnh lây lan./.
Thùy Giang (Vietnam+)