Công ty Cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương (HOSE: BWE) sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu nước sạch tăng trưởng mạnh mẽ tại tỉnh Bình Dương. Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC), BWE ghi nhận tỷ lệ thất thoát nước (NRW) đạt 5,6% trong năm 2019, xếp thứ ba tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tính theo độ hiệu quả, sau Singapore (5%) và Nhật Bản (3%).
VCSC công bố báo lần đầu dành cho CTCP Nước – Môi trường Bình Dương (BWE), công ty cấp nước lớn thứ ba tại Việt Nam và nhà phân phối nước độc quyền tại tỉnh Bình Dương, với khuyến nghị MUA và giá mục tiêu 31.100 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời 22,8% (bao gồm lợi suất cổ tức 4,6%).
Bên cạnh đó, VCSC dự phóng tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) đạt 11,7% cho doanh thu và EPS 26,5% trong giai đoạn 2020-2024, được dẫn dắt bởi mức tăng sản lượng phân phối nước từ 470.000 m3/ngày năm 2019 lên 700.000 m3 /ngày trong năm 2020 cũng như công suất xử lý rác thải gia tăng.
Định giá của BWE tỏ ra hấp dẫn với P/E và EV/EBITDA dự phóng 2021 đạt lần lượt 10,2 lần và 5,4 lần, dựa theo dự báo của VCSC. Các hệ số này thấp hơn lần lượt 24,4% và 41,3% so với P/E (13,5 lần) và EV/EBITDA (9,2 lần) trung vị 4 năm của các công ty cùng ngành trong khu vực. VCSC dự phóng mức tăng 60% trong tỷ lệ DPS (cổ tức/cổ phiếu) từ 1.000 đồng trong năm 2019 lên 1.600 đồng vào năm 2024.
Yếu tố hỗ trợ được VCSC đưa ra: Tăng trưởng sản lượng nước và xử lý chất thải công nghiệp cao hơn dự kiến.
Ngoài ra, VCSC cũng đưa ra rủi ro: Hiệu suất hoạt động thấp hơn của các nhà máy mới, cổ tức tiền mặt thấp hơn dự kiến
Chúng tôi xin trích lại báo cáo phân tích của VCSC như sau:
Dòng vốn FDI đầu tư mạnh mẽ, dân số gia tăng và tỷ lệ đô thị hóa cao tại tỉnh Bình Dương thúc đẩy tăng trưởng sản lượng nước và chất thải. Năm 2019, tỉnh Bình Dương xếp thứ ba ở Việt Nam về thu hút FDI (sau TP. HCM và Hà Nội). Ngoài ra, chính quyền tỉnh Bình Dương cũng đặt kế hoạch CAGR dân số đạt 4,8% trong giai đoạn 2018-2025 (gấp 3 lần tỷ lệ tăng trưởng toàn quốc).
Do đó, chính quyền tỉnh Bình Dương củng kỳ vọng nhu cầu nước sẽ ghi nhận CAGR 11% (gấp 1,5 lần tỷ lệ tăng trưởng toàn quốc) giai đoạn 2019-2025; và nhu cầu xử lý chất thải tăng với CAGR 12% giai đoạn 2020-2025. Liên quan đến nhu cầu xử lý nước thải, BWE dự báo sẽ ghi nhận CAGR 25% trong giai đoạn 2019-2025 theo Chiến lược phát triển của công ty đến năm 2030.
Triển vọng chính sách giá nước thuận lợi khi giá nước gia tăng. Ngày 22/02/2018, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định 04/2018/QĐ-UBND cho phép BWE tăng giá nước cho khách hàng 5% mỗi năm trong giai đoạn 2018-2022.
VCSC giả định đợt phát hành cổ phiếu của BWE sẽ thành công và giúp tăng cường năng lực tài chính của công ty. BWE sẽ thực hiện đấu giá 37,5 triệu cổ phiếu tại giá khởi điểm 25.500 đồng vào ngày 06/10 nhằm tăng vốn cổ phần thêm 25%.
VCSC giả định tổng số tiền thu được khoảng 1 nghìn tỷ đồng và thặng dư vốn cổ phần 600 tỷ đồng, sẽ giúp làm giảm tỷ lệ đòn bẩy ròng một nửa còn 52% tại thời điểm 31/12/2020 so với 31/12/2019.
Năng lực tài chính mạnh mẽ sẽ hỗ trợ mở rộng công suất và hoạt động M&A (mua bán sáp nhập). BWE đã chuẩn bị sẵn quỹ đất để mở rộng công suất sản xuất nhà máy Tân Hiệp từ 220.000 m3 /ngày lên 500.000 m3/ngày. Công ty có liên quan là TDM cũng chuẩn bị sẵn quỹ đất để tăng công suất sản xuất từ 200.000 m3 /ngày lên 500.000 m3/ngày. Những điều này sẽ giúp công suất phân phối nước của BWE tăng gấp đôi trong dài hạn.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/9, cổ phiếu BWE tăng 0,4% lên 26.400 đồng/cổ phiếu.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những phân tích của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên. KTDU và tác giả không chịu trách nhiệm về các thiệt hại phát sinh (nếu có) liên quan đến nội dung được đăng tải.
Tú Thành
Theo KTDU