Sự kiện hot
4 năm trước

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 1/6

Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 1/6 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị mua dành cho VNM với giá mục tiêu 137.000 đồng/CP

CTCK Phú Hưng (PHS)

Chúng tôi thận trọng điều chỉnh giảm mức dự phóng tăng trưởng doanh thu nội địa và thị trường nước ngoài của CTCP Sữa Việt Nam (VNM) trong báo cáo trước lần lượt xuống từ mức 13% xuống còn 8% và từ 7% xuống còn 5% do

(i) ngành sữa Việt Nam sắp tới ngưỡng bão hòa, dự báo chỉ tăng trường thấp ở mức một chữ số từ 5-7% trong vài năm tới;

(ii) sự cạnh tranh thị trường sữa trong nước ngày càng tăng khi các công ty đối thủ nổ lực quảng báo thương hiệu và áp dụng các chương trình khuyến mãi nhằm thu hút khách hàng;

(iii) thị trường nước ngoài khó có cơ hội đột phá trong năm nay nếu dịch Covid tiếp tục diễn biến phức tạp thì doanh thu của công ty con Driftwood tại Mỹ sụt giảm mạnh và doanh thu của thị trường xuất khẩu mới như Trung Quốc cũng không đóng góp đáng kể vì tốc độ tiêu thụ sữa tại quốc gia này sẽ phục hồi chậm.

Do đó, chúng tôi ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của VNM lần lượt khoảng 60.561 tỷ đồng (tăng 8% so với năm ngoái) và 10.551 tỷ đồng (giảm 0,1%). Bằng phương pháp định giá DCF và P/E, ước tính mức giá hợp lý cho cổ phiếu VNM khoảng 137.000 đồng/cổ phiếu trong năm 2020 (+16% so với giá hiện tại). Từ đó đưa ra khuyến nghị mua cho cổ phiếu này.

Khuyến nghị nắm giữ dành cho OIL với giá mục tiêu 137.000 đồng/CP

CTCK Phú Hưng (PHS)

Chúng tôi dự phóng năm 2020, Tổng công ty Dầu Việt Nam – CTCP (OIL) đạt doanh thu đạt 4.600 tỷ đồng (giảm 47,9% so với năm ngoái), lợi nhuận sau thuế đạt -23 tỷ đồng trên kịch bản giá dầu 30 USD/thùng.

Dựa trên phương pháp EV/EBITDA và P/B, ước tính mức giá hợp lý của cổ phiếu OIL năm 2020 là 7,870 VND/cổ phiếu, giảm 1.6% so với mức giá hiện tại. Từ đó đưa ra khuyến nghị giữ cho cổ phiếu này.

Rủi ro: (1) Covid-19 bùng phát mạnh mẽ và chưa được kiểm soát, tình hình biến động phức tạp; (2) Cạnh tranh từ các đối thủ trong ngành; (3) Biến động giá dầu; (4) Rủi ro chính sách; (5) Rủi ro tỷ giá.

Mục tiêu chốt lãi của SJS xung quanh ngưỡng 27

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu SJS của Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu Công nghiệp Sông Đà đang ở trong trạng thái tăng giá từ đầu tháng 4 đến nay đồng thuận với đà hồi phục của thị trường chứng khoán Việt Nam. Thanh khoản cổ phiếu những phiên gần đây đang có chiều hướng tăng dần.

Phiên 29/5, sự hưng phấn đã đẩy giá cổ phiếu tăng kịch trần, qua đó chính thức vượt qua ngưỡng cản tại giá 21.

Các chỉ báo xu hướng hầu hết đều đang ủng hộ cho trạng thái tích cực của SJS. Chỉ báo động lượng RSI đang ở trong vùng quá mua nên cổ phiếu có thể sẽ có sự điều chỉnh trong ngắn hạn. Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của SJS nằm tại mốc 20.5.

Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại xung quanh ngưỡng 27, cắt lỗ nếu mốc 19.5 bị xuyên thủng.

Khuyến nghị mua dành cho HPG với giá mục tiêu 36.730 đồng/CP

CTCK BIDV (BSC)

Chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát với giá mục tiêu năm 2021 là 36.730 đồng dựa trên phương pháp định giá so sánh (PE và EV/EBITDA với tỷ trọng 50-50). Vị thế dẫn đầu của Hòa Phát sẽ được củng cố mạnh mẽ trong năm 2021.

Năm 2021, HPG cũng sẽ được hưởng lợi từ (1) sự hồi phục của hoạt động xây dựng và đầu tư, (2) việc đưa vào vận hành đồng bộ cả hai giai đoạn của KLH Hòa Phát Dung Quất với sản phẩm phôi HRC sẽ khép kín chuỗi sản xuất và phát huy lợi thế về quy mô.

Kỳ vọng tăng trưởng cao về lợi nhuận (+25% yoy) cùng với việc đánh giá lại vị thế của DN khiến cho mặt bằng định giá của HPG về mức hấp dẫn.

Khuyến nghị mua cho BMI với giá mục tiêu 26.800 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Ngày 28/05/2020, Tổng CTCP Bảo hiểm Bảo Minh (BMI) đã công bố quyết định 1068, có hiệu lực ngay lập tức về việc bổ nhiệm ông Vũ Anh Tuấn vào vị trí Tổng giám đốc mới của công ty, thay thế ông Lê Văn Thành từ ngày 01/06/2020.

Ông Vũ Anh Tuấn đã làm việc tại công ty từ năm 2012 và giữ vị trí phó Tổng giám đốc tại BMI từ năm 2017.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho BMI với giá mục tiêu 26.800 đồng, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 27,8%, bao gồm lợi suất cổ tức 4,6%, theo giá đóng cửa hôm nay.

Khuyến nghị khả quan cho BVH với giá mục tiêu 58.000 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi điều chỉnh khuyến nghị của Tập đoàn Bảo Việt (BVH) từ mua thành khả quan trong khi điều chỉnh giảm giá mục tiêu 16,5% còn 58.000 đồng/CP. Giá mục tiêu của chúng tôi được điều chỉnh giảm chủ yếu đến từ (1) mức giảm 15% trong P/B mục tiêu nhằm phản ánh mức tăng 1 điểm % trong dự phóng chi phí vốn của chúng tôi;

(2) mức giảm 30,8% trong dự báo thu nhập ròng 2020 đến từ một loạt động thái cắt giảm lãi suất huy động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho các kỳ hạn dưới 6 tháng cùng với xu hướng giảm của lợi suất trái phiếu Chính phủ 10 năm. Trong báo cáo này, chúng tôi cập nhật mô hình định giá đến giữa năm 2021.

Chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo thu nhập ròng 2020/2021/2022 lần lượt 30,8%/36,0%/33,2%, chủ yếu do (1) mức tăng trung bình 1,3% và 30 điểm cơ bản trong dự phòng toán học và tỷ lệ giữ lại (2) mức giảm trung bình 8,8% trong thu nhập tài chính ròng, phần nào được bù đắp bởi (1) mức giảm trung bình 3,6% trong chi phí bồi thường ròng và (2) mức tăng trung bình 29,3% trong thu nhập hoa hồng từ nhượng tái bảo hiểm.

Rủi ro: các diễn biến không rõ ràng trong dự báo dự phòng toán học và việc lợi suất TPCP thấp kéo dài có thể ảnh hưởng đáng kể đến dự báo.

Khuyến nghị khả quan cho DRC với giá mục tiêu 22.200 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị khả quan cho CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC) dù điều chỉnh giảm 13% giá mục tiêu còn 22.200 đồng/CP, khi mã cổ phiếu này đã giảm 11% trong 3 tháng gần nhất.

Giá mục tiêu thấp hơn của chúng tôi chủ yếu đến từ mức giảm tổng cộng 27% trong dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2020-2024 so với dự báo trước đây của chúng tôi. Mức điều chỉnh giảm này phần nào được bù đắp bởi việc gia hạn mô hình định giá theo phương pháp chiết khấu dòng tiền đến cuối quý 2/2021.

Chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số của DRC sẽ giảm 38% YoY trong năm 2020 khi dịch COVID-19 tác động trầm trọng đến các thị trường xuất khẩu chính của DRC.

Chúng tôi dự báo doanh thu năm 2020 của mảng lốp radial và lốp bias giảm lần lượt 21% và 25%, chủ yếu do sản lượng xuất khẩu và nhu cầu trong nước thấp hơn trong bối cảnh bùng phát dịch. Dự báo lợi nhuận của chúng tôi tiếp tục chịu ảnh hưởng từ đòn bẩy HĐKD trong bối cảnh doanh thu suy giảm.

Trong năm 2021, chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 231 tỷ đồng (+61% YoY, tương ứng 100% lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2019 của DRC), chủ yếu được dẫn dắt bởi (1) mức tăng 22% YoY trong doanh thu đến từ phục hồi sản lượng lốp radial bán ra, được chúng tôi dự phóng sẽ tăng 35% YoY trong năm 2021 (lên 106% sản lượng năm 2019);

(2) biên lợi nhuận gộp cải thiện đến từ lợi thế kinh tế về quy mô và chi phí khấu hao thấp hơn khi nhà máy lốp radial (giai đoạn 1) của DRC hoàn thành phân bổ khấu hao trong năm nay.

Trong giai đoạn 2020-2024, chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số của DRC sẽ tăng với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) 7%. Yếu tố dẫn dắt tăng trưởng chính là mở rộng mảng lốp radial  với CAGR 4% trong cùng giai đoạn. Tuy nhiên, chúng tôi dự báo công suất nhà máy lốp radial của DRC đạt mức tối đa trong năm 2024.

Chúng tôi giữ quan điểm thận trọng tích cực đối với DRC khi ghi nhận tăng trưởng gia tăng trong các thị trường xuất khẩu của công ty cũng như biên lợi nhuận gộp gia tăng. Tuy nhiên, DRC vẫn đối mặt với cạnh tranh từ các sản phẩm Trung Quốc tại thị trường Việt Nam.

Các nhà sản xuất lốp Trung Quốc cũng đang di chuyển cơ sở sản xuất sang các quốc gia ASEAN, đặc biệt là Thái Lan và Việt Nam. Khi các nhà máy ngoài Trung Quốc được hoàn thành xây dựng, sẽ có nhiều áp lực hơn cho giá các sản phẩm của DRC tại các thị trường xuất khẩu của công ty.

Khuyến nghị khả quan cho GEX với giá mục tiêu 20.100 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tơi điều chỉnh giảm giá mục tiêu 11% của Tổng CTCP Thiết bị Điện Việt Nam (GEX) đạt 20.100 đồng/CP chủ yếu do mức điều chỉnh giảm trung bình 13% trong dự báo lợi nhuận của chúng tôi trong giai đoạn 2020-2024 và tỷ lệ WACC cao hơn. Chúng tôi điều chỉnh khuyến nghị từ mua thành khả quan.

Chúng tôi điều chỉnh giảm 13% dự báo 2020. Mức tăng của ước tính lãi bất thường tiềm năng từ 200 tỷ đồng từ thoái vốn khoải Công ty TNHH GELEX Logistics (công ty con của GEX sở hữu 55% cổ phần tại STG) không đủ bù đắp cho mức giảm trong dự phóng lợi nhuận tại mảng thiết bị điện và tăng mạnh trong chi phí lãi trong phát hành trái phiếu từ phát hành trái phiếu mới.

Chúng tôi điều chỉnh giảm 13% dự báo lợi nhuận trung bình 2021 – 2024 do mức tăng mạnh chi phí chiết khấu của CAV, chi phí liên quan đến phát hành trái phiếu của GEX và không còn đóng góp từ STG.

Chúng tôi dự phóng tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2019- 2024 đạt 20% so với 23% trong báo cáo trước đây. Ngoài ra, chúng tôi ghi nhận khả năng điều chỉnh tăng dự báo từ M&A (tiếp tục thâu tóm VGC; khoảng 113 triệu USD) và các dự án điện gió mới (khoảng 150 triệu USD).

Chúng tôi cho rằng GEX là cơ hội đầu tư tốt vào ngành hạ tầng còn kém phát triển của Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh triển vọng thiếu hụt điện lớn và dòng vốn FDI mạnh mẽ. GEX là công ty hàng đầu trong ngành sản xuất cáp điện và máy biến áp, cũng như có quỹ đất KCN lớn để cho thuê.

GEX hiện đang giao dịch với P/E 2020 đạt 11,3 lần với dự báo EPS của chúng tôi – thấp hơn trung vị 4 năm của các công ty cùng ngành là 14,3 lần.

Yếu tố hỗ trợ: GEX đặt kế hoạch hoàn thành thâu tóm VGC (công ty sản xuất vật liệu xây dựng và phát triển KCN) khi thâu tóm thêm 25% cổ phần để đạt 51% trong năm 2020.

Rủi ro: lãi/số tiền thu được từ thoái vốn thấp hơn dự kiến từ thoái vốn khỏi Công ty TNHH GELEX Logistics.

Khuyến nghị phù hợp thị trường cho HSG với giá mục tiêu 10.800 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi hạ khuyến nghị cho CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) từ mua còn phù hợp thị trường trong khi tăng giá mục tiêu thêm 10% lên 10.800 đồng/CP khi chúng tôi điều chỉnh tăng dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2020/2021 thêm 91%/47% đến từ biên lợi nhuận gộp phục hồi mạnh hơn dự kiến trong 6 tháng đầu năm 2020 (năm tài chính của HSG kết thúc vào ngày 30/09).

Chúng tôi kỳ vọng gián đoạn kinh tế do dịch COVID-19 sẽ đạt đỉnh vào cuối tháng 6 và hoạt động kinh doanh sẽ dần quay về mức bình thường trong quý 4/2020. Trong khi đó, diễn biến bán hàng 6 tháng đầu năm 2020 của HSG phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi. Chúng tôi do đó duy trì dự báo tăng trưởng doanh thu năm 2020/2021 đạt 2%/5% YoY.

Chúng tôi điều chỉnh tăng dự báo biên lợi nhuận gộp nhờ kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2020 cao hơn kỳ vọng trong bối cảnh sản xuất và nỗ lực đơn giản hóa của HSG từ năm 2019 đã mang lại kết quả tích cực. Do đó, chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số tăng 89% YoY đạt 684 tỷ đồng trong năm 2020.

Giá cổ phiếu của HSG đã phục hồi 30% trong vòng 3 tháng qua nhờ lợi nhuận tích cực so với dự kiến. Tuy nhiên, định giá của HSG vẫn tỏ ra hấp dẫn tại P/E dự phóng năm 2020/2021 lần lượt là 6,6/6,5 lần trong bối cảnh triển vọng phục hồi lợi nhuận và dòng tiền cải thiện.

Rủi ro cho quan điểm tích cực của chúng tôi: biên lợi nhuận phục hồi thấp hơn dự kiến do biến động chi phí thép cuộn cán nóng (HRC) đầu vào.

Khuyến nghị phù hợp thị trường cho NKG với giá mục tiêu 8.000 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị phù hợp thị trường cho CTCP Thép Nam Kim (NKG) trong khi tăng giá mục tiêu thêm 8% lên 8.000 đồng/CP chủ yếu đến từ mức điều chỉnh tăng dự báo  lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2020/2021 thêm lần lượt 160%/43% nhờ biên lợi nhuận gộp phục hồi mạnh hơn dự kiến trong quý 1/2020.

Khi chúng tôi kỳ vọng gián đoạn kinh tế do dịch COVID-19 sẽ đạt định vào cuối quý 2 và hoạt động kinh dần quay về mức bình thường từ quý 3/2020 cùng với diễn biến bán hàng quý 1/2020 của NKG phù hợp với dự báo của chúng tôi, chúng tôi duy trì dự báo tăng trưởng doanh thu năm 2020/2021 lần lượt là -1%/+4% YoY.

Chúng tôi điều chỉnh tăng dự báo biên lợi nhuận gộp nhờ kết quả kinh doanh quý 1/2020 cao hơn dự kiến trong bối cảnh nỗ lực tối ưu hóa hàng tồn kho của NKG từ năm 2019 mang lại kết quả tích cực. Do đó, chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số tăng 170% YoY đạt 128 tỷ đồng trong năm 2020.

Chúng tôi kỳ vọng NKG tiếp tục ghi nhận cải thiện đáng kể trong mảng kinh doanh cốt lõi sau khi xoay chuyển kết quả kinh doanh trong quý 2/2020 tính theo lợi nhuận từ HĐKD. Tuy nhiên, chúng tôi duy trì quan điểm cho rằng chi phí lãi vay của NKG vẫn là gánh nặng đối với lợi nhuận của công ty trong chu kỳ dự báo.

Chúng tôi cho rằng định giá hiện tại của NKG tỏ ra hợp lý tại P/E dự phóng năm 2020/2021 lần lượt là 11,3/10,6 lần dù diễn biến kinh doanh cốt lõi của NKG cải thiện.

Khuyến nghị phù khả quan cho TPB

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi giảm giá mục tiêu 2,1% còn 24.500 đồng/CP và giữ khuyến nghị khả quan dành cho Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPB) do mức giảm 4,5% trong dự báo lợi nhuận 2020-2024, cùng với điều chỉnh tăng 1 điểm % cho giả định chi phí vốn của chúng tôi. Chúng tôi cũng cập nhật mô hình định giá đến giữa 2021.

Mức giảm trong dự phóng lợi nhuận của chúng tôi chủ yếu do dự báo chi phí dự phóng cao hơn trung bình 43,4% trong giai đoạn 2020-2024. Mức giảm này sẽ được giảm trừ một phần nhờ mức giảm trung bình 13,2% trong giả định của chúng tôi về chi phí HĐKD.

Chúng tôi dự phóng NIM sẽ giảm 10 điểm cơ bản trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng 15%. Trong khi đó, chúng tôi duy trì tỷ lệ nợ xấu dự phóng 2020 tăng 72 điểm cơ bản đạt 2,2% do tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đến chất lượng tài sản.

TPB đã ký kết hợp đồng bancasurrance độc quyền với Sunlife Vietnam ngày 26/11/2019. Ngân hàng đã nhận được 2 đợt phí tiếp cận đầu tiên đạt tổng cộng 56 triệu USD trong số 80 triệu USD trong quý 4/2019 và quý 1/2020. Chúng tôi kỳ vọng TPB sẽ nhận được 20 triệu USD còn lại trong năm 2020.

ROE và ROA dự phóng 2020 của chúng tôi đạt lần lượt 22,5% và 2,0% so với trung vị các ngân hàng là 18,7% và 1,7%. Do đó, chúng tôi định giá hiện tại của TPB là hấp dẫn với P/B 2020 đạt 1,0 lần.

Rủi ro: (1) tăng vốn là cần thiết để duy trì tăng trưởng cho vay trong tương lai, dẫn đến rủi ro pha loãng; (2) các diễn biến tiêu cực của ngành ngân hàng ảnh hưởng chi phí tín dụng.

T.T

Theo Đầu tư Chứng khoán

Từ khóa: