Sự kiện hot
5 năm trước

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 17/7

Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 17/7 của các công ty chứng khoán.

Mục tiêu chốt lãi cổ phiếu MPC nằm tại xung quanh giá 33

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu MPC của Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú thời gian qua đã vận động đi ngang trong khu vực 25.5-27 sau khi có sự điều chỉnh ngắn hạn.

Thanh khoản cổ phiếu đã vượt khối lượng trung bình 20 phiên trong hôm nay và đẩy giá MPC tăng khá tích cực 3.73%.

Các chỉ báo kỹ thuật hiện đa số đang nghiêng về trạng thái tích cực. Các đường EMA vừa xuất hiện Golden Cross, đồng thời chỉ báo động lượng RSI đang tăng dần và còn cách khá xa vùng quá mua nên động lực tăng có thể được duy trì trong ngắn hạn.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của MPC nằm tại mốc 27.5. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại xung quanh giá 33, cắt lỗ nếu ngưỡng 26 bị xuyên thủng.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu TCM

CTCK Phú Hưng (PHS)

Ngành dệt may đã chịu tác động nặng nề từ diễn biến phức tạp của dịch Covid19. Tuy nhiên, việc xuất khẩu khẩu trang và áp dụng chiến lược mở rộng thị trường nội địa hứa hẹn sẽ bù đắp sự sụt giảm doanh thu của các đơn hàng truyền thống.

Chúng tôi kỳ vọng doanh thu thuần của Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) trong năm 2020 đạt 3.755 tỷ đồng (tăng 3.0% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó doanh thu xuất khẩu đạt 3.117 tỷ đồng (giảm 2,5%) và lợi nhuận sau thuế ước tính đạt 211 tỷ đồng (giảm 2,7%) với biên lãi gộp ở mức 15,9%.

Bằng phương pháp định giá DCF và EV/EBITDA, mức giá hợp lý cho cổ phiếu TCM khoảng 24,000 đồng/cổ phiếu (+16% so với giá hiện tại). Từ đó đưa ra khuyến nghị mua cổ phiếu này.

Rủi ro: (1) Rủi ro về nguồn cung lao động; (2) Rủi ro nhu cầu dệt may thế giới giảm hậu Covid-19; (3) Rủi ro tỷ giá hối đoái; (4) Rủi ro pha loãng cổ phiếu; (5) Rủi ro cạnh tranh từ Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Campuchia.

Khuyến nghị khả quan dành cho PLX với giá mục tiêu 51.100 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Trong dự thảo để thay thế Nghị định 83 (quy định cho ngành dầu khí), Bộ Công thương đã đề xuất rằng trần sở hữu nước ngoài tối đa (FOL) tại các công ty phân phối xăng dầu sẽ là 35%. Hiện tại, FOL quy định cho ngành xăng dầu là 49%.

Theo điều lệ công ty của PLX, tỷ lệ FOL hiện tại của công ty là 20%. Tỷ lệ sở hữu của khối ngoại hiện tại của PLX là 14,6% - với 8% thuộc về nhà đầu tư chiến lược ENEOS Corporation – tương ứng với room nước ngoài còn trống là 5,4%. Trong khi đó, FOL tại OIL là 49%, dựa theo kế hoạch cổ phần hóa của công ty.

Ngoài ra, Bộ Công thương cũng đưa ra đề xuất liên quan đến số ngày trong chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu. Hiện tại, giá xăng dầu được điều chỉnh trong mỗi 15 ngày, Bộ Công thương cũng đề xuất 2 phương án: 1) duy trì ở mức 15 ngày và 2) giảm còn 10 ngày giữa 2 kỳ điều chỉnh.

Khi các thông tin chi tiết không được công bố và các cuộc thảo luận liên quan đề các đề xuất này vẫn đang diễn ra, chúng tôi hiện chưa ghi nhận tác động đáng kể nào từ các đề xuất hiện tại cho dự báo của chúng tôi.

Tuy nhiên, tại ĐHCĐ thường niên thời gian qua, PLX công bố kết quả kinh doanh 6 tháng 2020 sơ bộ kém tích cực – bao gồm khoản lỗ 1,4 nghìn tỷ đồng – tương ứng với rủi ro điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số dự phóng 2020 của chúng tôi là 1,9 nghìn tỷ đồng (giảm 54,2% so với cùng kỳ năm ngoái).

Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị khả quan dành cho PLX với giá mục tiêu 51.100 đồng/CP (tương ứng với tổng mức sinh lời dự phóng 12,6%, bao gồm lợi suất cổ tức 2,6%). Theo giá đóng cửa hôm nay, PLX hiện đang giao dịch với P/E dự phóng 2020 và 2021 lần lượt là 32,9 lần và 17,5 lần, dựa theo dự báo của chúng tôi.

N.T

Theo Đầu tư Chứng khoán

Từ khóa: