Sự kiện hot
5 năm trước

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 20/3

Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 20/3 của các công ty chứng khoán.

Ảnh Shutterstock

IDJ sẽ tiếp cận trở lại ngưỡng kháng cự 20

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu IDJ của Công ty cổ phần đầu tư IDJ Việt Nam thời gian vừa qua đã ở trong trạng thái điều chỉnh sau khi lập đỉnh tại vùng giá 20 nhưng hiện tại đang có sự hồi phục và vẫn giữ được đà tăng trung hạn của mình.

Thanh khoản cổ phiếu những phiên gần đây vẫn giữ giá trị ổn định. Các chỉ báo kỹ thuật hiện chưa có sự đồng nhất về trạng thái.

Tuy vậy, đường EMA12 vẫn đang ở trên đường EMA26 đồng thời chỉ báo RSI cũng đã trở lại khu vực trên giá trị 50 nên cổ phiếu có thể tiếp tục tăng giá trong những phiên tới.

Theo đánh giá của chúng tôi, IDJ tiềm năng sẽ tiếp cận trở lại ngưỡng kháng cự 20 và cần tìm thêm động lực để vượt qua vùng cản tâm lý này.

Giá dầu tiếp tục biến động giảm, doanh thu PLX có thể giảm theo

CTCK MB (MBS)

Dịch Covid 19 bùng nổ ảnh hưởng đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh toàn xã hội, đã làm suy giảm mạnh nhu cầu tiêu thụ xăng dầu, một số báo cáo cho thấy trong tháng 2 tiêu thụ xăng dầu một số đơn vị kinh doanh giảm đến 30-40% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là xăng dầu hàng không. 

Ngoài ra, giá dầu giảm mạnh đến 50% từ 9/3/2020 đến nay về sát mức 30 usd/thùng do cuộc chiến giá dầu giữa Arab Saudi và Nga trong nhóm OPEC+ sau khi không đạt được thỏa thuận cắt giảm thêm sản lượng.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng lưu ý rằng, với mô hình kinh doanh phân phối và bán lẻ xăng dầu của PLX, việc giá dầu giảm mạnh tác động không lớn so với tình hình dịch Covid 19 đến hoạt động kinh doanh của công ty. Dịch Covid 19 bùng nổ và diễn biến khó lường ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh toàn xã hội, là nguyên nhân làm cho nhu cầu tiêu thụ xăng dầu sụt giảm.

Trong khi đó, giá dầu giảm chủ yếu tác động mạnh đến doanh thu bán hàng mà ít ảnh hưởng đến hiệu quả, lợi nhuận của công ty, do giá bán lẻ xăng dầu được điều chỉnh theo chu kỳ và bám sát biến động giá xăng dầu đầu vào.

Sản lượng kinh doanh của PLX sẽ bị ảnh hưởng mạnh trong Q1 2020 và tiếp tục kéo dài sang quý tiếp theo nếu dịch bệnh không được kiểm soát tốt khiến hoạt động sản xuất kinh doanh toàn xã hội bị ảnh hưởng.

Chúng tôi dự kiến sản lượng kinh doanh sẽ sụt giảm mạnh khoảng 10% trong năm 2020 và chỉ đạt khoảng 12 triệu tấn, trước đó, dự báo của chúng tôi là sản lượng sẽ tiếp tục tăng khoảng 5%.

Chúng tôi dự báo doanh thu năm 2020 đạt 134.649 tỷ đồng, giảm mạnh 29% so với năm 2019 trên cơ sở giá dầu Brent trung bình năm đạt 45 usd/thùng. Trong trường hơp giá dầu tiếp tục biến động giảm, doanh thu có thể giảm theo.

Lợi nhuận trước thuế năm 2020 dự báo đạt mức 5.219 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt mức 4.280 tỷ đồng, lần lượt giảm 9,6% và 10,2% so với thực hiện của năm 2019.

Khuyến nghị mua dành ACV với giá mục tiêu 76.700 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Trong buổi họp gần đây của Phó Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành liên quan về việc đầu tư cải tạo, nâng cấp đường băng cất hạ cánh tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài (HAN) và Tân Sơn Nhất (SGN), một số giải pháp đã được đề xuất; tuy nhiên, khung thời gian thực hiện bảo trì hệ thống đường băng tại SGN và HAN chưa được công bố.

Phó Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý phân bổ Ngân sách Nhà nước cho việc thực hiện bảo trì hệ thống đường băng và yêu cầu Bộ GTVT tính toán, xác định nhu cầu vốn cụ thể; rà soát, điều chỉnh trong tổng số vốn đã được giao trong kế hoạch năm 2020 để cân đối vốn cho dự án.

Đối với số vốn còn thiếu cần bổ sung, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT tổng hợp chung trong phương án phân bổ sử dụng nguồn tăng thu từ ngân sách Nhà nước. Theo ACV, tổng chi phí đầu tư cho bảo trì hệ thống đường băng tại SGN và HAN ước tính vào khoảng 4,2 nghìn tỷ đồng.

Chúng tôi hiện đang giả định bảo trì hệ thống đường băng tại SGN và HAN sẽ diễn ra trong năm 2020. Theo quan điểm của chúng tôi, việc bảo trì sẽ được tài trợ từ vốn ứng trước của ACV khi các đường băng tại SGN và HAN đã xuống cấp và cần đầu tư nâng cấp ngay nhằm bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động hàng không.

Trong khi đó, chúng tôi cho rằng phân bổ từ Ngân sách Nhà nước sẽ cần thời gian lâu hơn. Chúng tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ thanh toán lại toàn bộ khoản đầu tư này cho ACV, bao gồm lãi suất tính theo lãi suất tiền gửi, khi đường băng thuộc sở hữu của Nhà nước.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu các phương án xử lý dài hạn sau, trong đó, lưu ý báo cáo rõ cơ sở pháp lý, tính khả thi và thẩm quyền quyết định; trên cơ sở đó, lựa chọn phương án khả thi, tối ưu nhất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. 3 phương án được cân nhắc bao gồm:

(1) Nhà nước giao ACV quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý (trong đó có đường cất hạ cánh và đường lăn tại HAN và SGN) theo hình thức đầu tư tăng vốn Nhà nước tại ACV. Chúng tôi lưu ý rằng ACV được cổ phần hóa trong quý 1/2018, không bao gồm các tài sản hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý;

(2) Đề xuất việc đầu tư đường cất hạ cánh và đường lăn tại các cảng hàng không HAN và SGN theo hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP). (3) Sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng giao ACV chịu trách nhiệm đầu tư, duy tu, bảo dưỡng hạ tầng khu bay.

Chúng tôi cho rằng phương án (1) sẽ khó có khả năng được lựa chọn do quy trình thủ tục pháp lý phức tạp và khó khăn trong việc xác định phương pháp định giá phù hợp. Ngoài ra, phương án (2) cũng cần nhiều thời gian để tìm kiếm nhà đầu tư và quy trình khá phức tạp khi gần như không có công ty nào ở Việt Nam có thể so sánh với ACV tính về kinh nghiệm quản lý, khai thác cảng hàng không. Chúng tôi do đó kỳ vọng phương án (3) sẽ là phương án khả thi và tối ưu nhất.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua dành ACV với giá mục tiêu 76.700 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời 53,7%, bao gồm lợi suất cổ tức 1,8%.

Khuyến nghị mua dành CII với giá mục tiêu 27.200 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Ngày 18/03/2020, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (CII) công bố Nghị quyết HĐQT thông qua kế hoạch mua lại tối đa 14,7 triệu cổ phiếu quỹ (tương ứng khoảng 6% lượng cổ phiếu đang lưu hành).

Theo thông báo này, công ty chia sẻ rằng kế hoạch mua lại với mục đích bảo vệ giá trị của các cổ đông hiện hữu trong bối cảnh giá cổ phiếu của CII giảm mạnh – dù các dự án chính của công ty cho thấy tiến độ tích cực trong thời gian gần đây.

Thời gian thực hiện giao dịch này sẽ được công bố sau khi CII nhận được phê duyệt từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC). Theo CII, giá mua lại tối đa là 25.000 đồng/CP (cao hơn khoảng 20% so với giá thị trường hiện tại).

Chúng tôi ước tính tổng lượng cổ phiếu quỹ mua lại này có giá trị khoảng 300-375 tỷ đồng. Trước đợt mua lại này, CII sở hữu 35,3 triệu cổ phiếu quỹ với chi phí trung bình khoảng 24.000 đồng/CP.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho CII với giá mục tiêu 27.200 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 44,8%, bao gồm lợi suất cổ tức 15,2%.

Khuyến nghị mua dành PNJ với giá mục tiêu 101.000 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Ngày đăng ký cuối cùng cho đợt cổ tức tiền mặt này là ngày 03/04/2020, và ngày thanh toán là ngày 16/04/2020. Bao gồm đợt chi trả cổ tức tiền mặt này, cổ tức tiền mặt năm 2019 của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đạt tổng cộng 1.800 đồng/CP (lợi suất 3,2%).

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho PNJ với giá mục tiêu 101.000 đồng/CP (tổng mức sinh lời dự phóng 80,3%, bao gồm lợi suất cổ tức 3,2%).

Khuyến nghị mua dành PVS với giá mục tiêu 23.800 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) đã ký kết gia hạn hợp đồng cho kho dầu thô nổi (FPSO) Lam Sơn. Thời hạn hợp đồng là 4 năm (từ tháng 7/2017-7/2021) và thay thế hợp đồng tạm thời trước đây, cho thấy khả năng có một khoản lợi nhuận hồi tố như chúng tôi dự kiến.

Tuy nhiên, hợp đồng này bao gồm 1 điều khoản rằng cả 2 bên có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng với thời hạn báo trước 90 ngày. Điều khoản này là không thuận lợi cho PVS vì nếu giá dầu thô tiếp tục duy trì ở mức thấp đến tháng 7/2021, sẽ có rủi ro cao hơn cho việc thanh lý hợp đồng.

Trong khi chúng tôi cho rằng không có thay đổi đáng kể đến dự báo năm 2020 của chúng tôi, chúng tôi ghi nhận rủi ro điều chỉnh giảm dự báo giai đoạn 2021-2024, dù cần thêm đánh giá chi tiết. Chúng tôi hiện dự báo FPSO Lam Sơn sẽ đóng góp khoảng 9% lợi nhuận ròng của PVS trong giai đoạn 2021-2024.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho PVS với giá mục tiêu 23.800 đồng/CP (tổng mức sinh lời dự phóng 134,0%, bao gồm lợi suất cổ tức 9,4%. Theo giá đóng cửa hôm nay, PVS hiện được giao dịch với P/E báo cáo năm 2020 là 4,7 lần và P/B là 0,4 lần, dựa theo dự báo của chúng tôi.

Khuyến nghị mua dành TLG với giá mục tiêu 61.100 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Ngày 18/03/2020, CTCP Tập đoàn Thiên Long (TLG) công bố Nghị quyết HĐQT thông qua kế hoạch mua lại 1,5 triệu cổ phiếu quỹ (tương ứng 1,93% lượng cổ phiếu lưu hành). Trước kế hoạch mua lại này, TLG không sở hữu bất kỳ cổ phiếu quỹ nào.

Thời gian giao dịch dự kiến diễn ra trong quý 2/2020 thông qua phương pháp giao dịch khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận. Giá mua lại tối đa cho lượng cổ phiếu quỹ này là 55.000 đồng/CP (tương ứng với mức cao hơn 48% so với giá thị trường trung bình trong 1 tháng qua là 37.100 đồng/CP). Chúng tôi ước tính tổng lượng cổ phiếu quỹ mua lại này có giá trị đạt 48 tỷ đồng, dựa theo giá thị trường hiện tại là 31.800 đồng/CP.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho TLG với giá mục tiêu 61.100 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 98,4%, bao gồm lợi suất cổ tức 6,3%.

Khuyến nghị mua dành VEA với giá mục tiêu 53.200 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Theo Quyết định HĐQT số 09/QĐ-HĐQT ngày 17/03/2020 của Tổng CT Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEA) – Quyền tổng giám đốc hiện tại của công ty - Ông Ngô Văn Tuyển sẽ nghỉ hưu từ ngày 01/04/2020 theo Luật Lao động Việt Nam. Hiện chưa có thông tin về người thay thế vị trí này.

Theo quan điểm của chúng tôi, việc ông Ngô Văn Tuyển nghỉ hưu sẽ không ảnh hưởng đến nguồn sản sinh lợi nhuận và dòng tiền chính của VEA, vốn là lợi nhuận được chia từ các công ty liên kết bao gồm Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam và Việt Nam.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua dành cho VEA với giá mục tiêu 53.200 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời dự phóng 89,3%, bao gồm lợi suất cổ tức 16,6%, dựa theo giá đóng cửa hôm nay.

Khuyến nghị mua dành VNM với giá mục tiêu 124.700 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Trong phiên đấu giá gần nhất của Global Dairy Trade, giá bột sữa gầy (SMP) và bột sữa nguyên kem (WMP) lần lượt giảm 8% và 4%. Chúng tôi cho rằng giá bột sữa giảm đến từ (1) tâm lý kém tích cực của thị trường trong bối cảnh bùng phát dịch COVID-19, (2) giá dầu thấp và  (3) một số tín hiệu phục hồi nhẹ từ sản xuất sữa toàn cầu dù tăng trưởng nguồn cung vẫn khá hạn chế ở thời điểm hiện tại.

Tính từ ngày 07/01/2020 đến nay, giá SMP đã giảm 16% trong khi giá WMP giảm 11%. Chúng tôi lưu ý rằng đến giữa tháng 2/2020, VNM đã chốt giá bột sữa cho sản xuất đến tháng 3/2020. Do đó, việc giá bột sữa giảm sẽ hỗ trợ biên lợi nhuận gộp của VNM trong những tháng tiếp theo so với quý 1/2020.

Chúng tôi hiện dự báo tăng trưởng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 3% trong năm 2020 nhờ doanh thu sữa trong nước dự báo tăng 6% (không bao gồm tác động từ việc hợp nhất GTN) sẽ phần nào bị bù đắp bởi biên lợi nhuận gộp giảm nhẹ 30 điểm cơ bản còn 47,6% của mảng này (do dự phóng mức tăng 5% cho chi phí giá bột sữa đầu vào so với năm 2019) và thuế suất thực tế gia tăng. Việc giá bột sữa tiếp tục giảm trong những tháng tới có thể dẫn đến khả năng điều chỉnh tăng dự báo hiện tại của chúng tôi.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho VNM với giá mục tiêu 124.700 đồng (tổng mức sinh lời dự phóng 36,3%, bao gồm lợi suất cổ tức 5,1%).

T.T

Theo Đầu tư Chứng khoán

Từ khóa: