Bữa cơm đạm bạc hạt cơm thì ít, ngô, sắn thì nhiều và ít khi thiếu món cá thính.
Bữa cơm đạm bạc hạt cơm thì ít, ngô, sắn thì nhiều và ít khi thiếu món cá thính.
Dù đã qua rồi cái thời đói kém, khan hiếm thức ăn nhưng nhiều người dân ở Vĩnh Phúc, Phú Thọ cùng một số vùng quê đồng bằng Bắc Bộ vẫn giữ thói quen cá muối thính trong bữa ăn hàng ngày.
Gia đình tôi cũng vậy, món cá thính thường trực trong bếp từ bao đời nay. Tôi nhớ ngày còn nhỏ, trong bữa cơm đạm bạc, hạt cơm thì ít, hạt ngô, miếng sắn thì nhiều, ít khi thiếu món cá thính.
Cứ vào độ tháng một, tháng chạp, nắng hanh vàng, thời tiết khô, lại là mùa ao cạn, cá sẵn và rẻ, dễ kiếm được trên đồng, đó là mùa làm cá thính. Mẹ tôi bảo, chịu khó làm mà dự trữ thức ăn, làm một đợt vài cân ăn quanh năm.
Cá chép, trôi, mè, diếc, rô đồng, rô phi…to hay nhỏ cũng có thể làm thính. Tuy nhiên, cá mè thường được làm thính nhất vì dễ kiếm, rẻ tiền lại béo ngậy.
Tranh thủ vài buổi trưa, mẹ không ngủ, cùi cụi bên giếng nước mổ cá. Cá rửa sạch, bỏ đầu, thái miếng, ướp nhiều muối. Sau 2, 3 ngày muối tan, cá ngập chìm trong nước muối, vớt cá ra để trên rổ cho ráo nước. Thính được làm từ ngô, đậu xanh, đậu tương, gạo nếp… nhưng ngô đỏ là nguyên liệu làm thính thơm nhất. Các thứ hạt rang vàng, thơm nghiền thành bột nhỏ. Khi cá đã ráo nước, rắc lớp thính thật dày xung quanh miếng cá, thính sẽ tự hút hết ẩm của cá.
Miếng cá thính xắt nhỏ, tẩm thêm ớt, tỏi, tiêu… rán vừa phải để cho đỡ khô cứng, thơm lựng rất đặc trưng, ăn không còn mùi tanh của cá. Ảnh: Đào Đức Hanh
Đem miếng cá đã rắc thính đặt vào hũ sành, miệng bịt kín bằng lá chuối khô, đặt ngược hũ trong ổ rơm để ủ. Thỉnh thoảng trời nồm, mẹ kiểm tra thấy thính ướt thì thay hoặc bổ sung thêm. Chừng vài tuần, nếu thấy mùi chua chua là hũ cá không thể mốc hoặc ôi thiu được nữa, coi như đã có hũ cá thính thơm ngon trên gác bếp.
Miếng cá thính xắt nhỏ, tẩm thêm ớt, tỏi, tiêu… rán vừa phải để cho đỡ khô cứng, thơm lựng rất đặc trưng, ăn không còn mùi tanh của cá. Phần mỡ bụng cá mè, nếu cá càng to càng nhiều mỡ, rán lên vẫn trong vắt. Tuy nhiên, cá thính có đặc điểm là rất mặn, ai không ăn mặn được cần ngâm, rửa cho nhạt bớt trước khi rán.
Sau một ngày làm việc vất vả, trong bữa cơm gia đình, nhâm nhi vài chén rượu với các món ăn tươi khác, đã ngà ngà men thì chuyển sang ăn cơm cá thính, ăn vài bát mà không biết no.
Cơm cá thính cũng góp phần làm cho dư vị quê hương thêm đậm đà trong lòng tôi từ ngày nhập ngũ. Mẹ đã già không còn làm cá thính, không ăn cá thính được nữa nên mỗi lần về quê, tôi lại ra chợ mua vài lạng, mùi vị quen thân mà vẫn thấy là lạ miệng…
Đào Đức Hanh
Theo QĐND