Sự kiện hot
13 năm trước

Còn cơ chế xin – cho, còn quan "sâu" bạc tiền tỷ

"Ông Lèo không phải là hiện tượng cá biệt. Những người như thế này khá nhiều, chỉ là lộ và chưa lộ mà thôi. Còn cơ chế xin - cho, cơ chế độc quyền, quản lý không ai chịu trách nhiệm thì còn những con sâu như thế này".

"Ông Lèo không phải là hiện tượng cá biệt. Những người như thế này khá nhiều, chỉ là lộ và chưa lộ mà thôi. Còn cơ chế xin - cho, cơ chế độc quyền, quản lý không ai chịu trách nhiệm thì còn những con sâu như thế này".

"5 tỷ chứ 10 tỷ tôi cũng không bất ngờ. Bởi với tình trạng tham nhũng như hiện nay thì người ta có thể chơi ván cờ lớn như vậy là chuyện bình thường". Đó là nhận định của ông Nguyễn Đình Hương, nguyên phó Ban Tổ chức Trung ương về vụ việc hai quan chức ngành giao thông vận tải tỉnh nghèo Sóc Trăng chơi 1 ván cờ 5 tỷ đồng. Ông Hương cũng cho rằng, nếu ông Nguyễn Thanh Lèo phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng không bị xã hội đen đe dọa dẫn đến phải ra công an trình báo thì ông này còn leo cao, còn thăng tiến!.

Điển hình của thoái hoá biến chất

- Ông nhận được thông tin hai quan chức ngành GTVT Sóc Trăng chơi ván cờ 5 tỷ trong trường hợp nào?

Tôi chưa kịp đọc thì các nhà báo đã điện thoại đến để cung cấp thông tin cho tôi, đồng thời xin ý kiến của tôi về việc này...

- Ông không sốc về chuyện này sao?

Tôi không sốc. Tôi đã nghe chuyện PMU 18 rồi. Tôi không sửng sốt với việc này. Ông Lèo không phải là hiện tượng cá biệt. Những người như thế này khá nhiều, chỉ là lộ và chưa lộ mà thôi. Còn cơ chế xin - cho, cơ chế độc quyền, quản lý không ai chịu trách nhiệm thì còn những con sâu như thế này.

- Dư luận đặt ra một câu hỏi, tiền ở đâu ra mà các ông này lại có thể chơi những ván cờ bạc tỷ như thế?

Chính tôi khi biết thông tin này cũng tự đặt ra câu hỏi đó. Bởi với mức lương của phó giám đốc Sở làm sao mà có nhiều tiền thế. Tôi có hàm Trưởng ban của Đảng về hưu được 6 triệu đồng /tháng. Vậy ông ta làm gì mà có 5 tỷ để ăn thua với nhau một ván cờ. Tiền đó không có cách hiểu nào khác là tiền tham nhũng, tiền ăn cắp của nhân dân.

- Nhiều vị quan chức kiếm tiền dễ thế sao?

Thời điểm hiện tại, quan chức kiếm tiền dễ là đúng rồi. Tiền từ việc nhận đút lót, biếu xén, "ăn" vào dự án, "ăn" vào đất. Người xưa đã có câu: "Bần tiện tựu trung vô nhân vận /Phú quý sơn lâm hựu khách tầm". Tức là: Người nghèo ngồi ở giữa chợ cũng không ai hỏi đến còn những người phú quý, tức quan chức thì ở sơn lâm người ta cũng tìm đến để nhờ cậy, biếu xén. Những người cần nhờ cậy thì đến nhà sếp tới mức chó... không sủa. Nếu chỉ bằng đồng lương mà phải nuôi vợ con, lo tiền đám cưới, đám hỏi thì phải sống vất vả lắm. Ông Lèo này là một điển hình của sự thoái hoá biến chất đến mức nghiêm trọng.

- Không phải người dân không rõ về lối sống, đạo đức của hai vị cán bộ này. Vậy tại sao các ông ấy vẫn ung dung tại vị, thậm chí có thể thăng tiến nếu sự việc không bị phát tác?

Đó là điều mà tôi cũng băn khoăn. Cấp quản lý của các ông ấy ở đâu khi để tồn tại một cán bộ thoái hóa như thế này? Tổ chức Đảng ở đâu? Nếu không biết để xử lý là vô trách nhiệm, nếu biết mà không xử lý thì trách nhiệm lại lớn hơn nhiều. Những ông đó là do Tỉnh uỷ quản lý, Ban tổ chức Tỉnh uỷ, Chủ tịch tỉnh, Giám đốc Sở quản lý, vậy mà tại sao không biết gì?

Đây cũng là một thực trạng chung ở nhiều nơi. Người ta không thấy đó là tiêu cực vì có nhiều người cùng tiêu cực. Ông này tiêu cực hay không tiêu cực, phát giác hay không thì cũng không ai bị thiệt, chỉ có dân là bị thiệt. Tiền tham nhũng của dân, có phải của ông ấy đâu. Thậm chí trong một số trường hợp, họ có thể lại được lợi lộc từ những người tiêu cực. Tôi cũng không loại trừ việc cúng tiến những ông trên mình để yên vị (?). Đã nhận tiền biếu xén rồi thì đừng có há miệng vì sẽ mắc quai.

Ông Nguyễn Đình Hương

Cán bộ dễ mình dễ ta, chỉ dân là thiệt?

- Để xảy ra việc như trên thì đơn vị nơi ông Lèo công tác có phải chịu trách nhiệm gì không, thưa ông?

Nếu theo đúng cơ chế thì người đứng đầu, tức ông giám đốc Sở phải chịu trách nhiệm. Đảng bộ Tỉnh uỷ phải kỷ luật Chi bộ đó. Hồi trước, Bác Hồ xử lý nghiêm lắm, không làm tròn trách nhiệm thì phải cách chức. Còn hiện nay nhiều nơi đều mang tâm lý dễ mình dễ ta, anh cũng nhận quà biếu, tôi cũng nhận thì mất cái gì của nhau đâu mà làm khó nhau.

- Để được đứng trong hàng ngũ của Đảng thì phải qua rất nhiều khâu đánh giá. Vậy vì sao chúng ta lại để lọt những phần tử như ông Lèo?

Tôi chưa nghiên cứu kỹ về vị này, không hiểu vị này làm thế nào mà "chui" lên được chức vụ này. Tuy nhiên dân ở đó họ biết hết, kẻ tham nhũng sống bất minh như thế nào người dân đều biết hết. Đưa người nào vào Đảng, đề bạt ai đó thì dân phải có ý kiến. Nhưng hiện nay chúng ta đang xa dân. Việc chạy chức diễn ra khá nhiều. Chủ nghĩa thực dụng đã len lỏi vào quá sâu. Việc kết nạp Đảng đôi khi cũng quan liêu, xa rời ý kiến của dân.

- Không chỉ có vụ ván cờ 5 tỷ này mà trong thời gian gần đây, liên tiếp có những vụ lình xình như: Quan chức in chức vụ lên thiệp cưới, quan chức bị nghi sử dụng bằng giả... Nhiều người cho rằng, công tác quản lý cán bộ của Đảng đang có vấn đề, dẫn đến suy giảm lòng tin. Ông nghĩ sao?

Bây giờ không ai chịu trách nhiệm khi xảy ra những tiêu cực. Đó là một điều tệ hại. Niềm tin của người dân với Đảng thì có nhưng niềm tin với các vị lãnh đạo thì đã giảm đi rất nhiều. Tiêu cực diễn ra nhiều mà một số chi bộ Đảng bị đồng tiền, chức quyền đe dọa làm co vòi hết. Chủ nghĩa thực dụng giờ mạnh quá. Nhìn những tiêu cực đang diễn ra ngay trước mắt, nhiều đêm tôi không ngủ được. Cũng may có người đồng hành là các nhà báo chống tiêu cực.

- Xin cảm ơn ông!

Thành Huế
Người đưa tin

Từ khóa: