Nguyên nhân Văn Phú - Giảng Võ đề nghị phá dỡ là do phần diện tích này đã lấn sang khu đất dự án của Công ty.
Nguyên nhân vụ việc
Sau khi thực hiện Dự án Xây dựng trụ sở mới Trường Đại học Y tế công cộng theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) - dự án BT đầu tiên của Bộ Y tế, Văn Phú đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt thực hiện đầu tư, xây dựng, kinh doanh khai thác Dự án trên cơ sở quy hoạch khu đất tại số 138B Giảng Võ theo Quyết định số 6907/QĐ-UBND ngày 22/12/2014.
Theo Quyết định số 1023/QĐ-UBND ngày 6/3/2018, Văn Phú được UBND thành phố Hà Nội giao cho 9.024,8 m2 đất tại số 138B Giảng Võ. Hiện Văn Phú - Giảng Võ đang triển khai tại đây Dự án Khu hỗn hợp và nhà ở với tổng mức đầu tư 1.651 tỷ đồng.
Bên cạnh khu đất Dự án 138B Giảng Võ của Văn Phú - Giảng Võ chính là khu đất và trụ sở làm việc của Công đoàn Y tế Việt Nam tại số 138C Giảng Võ. Hiện tại, Công đoàn Y tế Việt Nam cũng đang triển khai xây dựng lại trụ sở làm việc tại khu đất này theo Giấy phép quy hoạch số 5449/GPQH ngày 20/9/2016 của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội và được Sở Xây dựng cấp Giấy phép xây dựng số 32/GPXD ngày 11/4/2018.
Tuy nhiên, do hiện trạng từ trước để lại, phần diện tích đất của Công đoàn Y tế Việt Nam và Văn Phú - Giảng Võ có sự chồng lấn ranh giới. Ngày 5/11/2018, đại diện Văn Phú - Giảng Võ, đại diện Công đoàn Y tế Việt Nam và đại diện UBND phường Kim Mã chứng kiến chuyển mốc giới ra thực địa. Việc đo đạc mốc giới được thực hiện bởi Công ty CP Địa chính Hà Nội - công ty do Văn Phú - Giảng Võ ký hợp đồng đo đạc.
Phần diện tích tòa nhà làm việc của Công đoàn Y tế mà Văn Phú - Giảng Võ cho rằng đã lấn sang Dự án. Ảnh: Công đoàn Y tế Việt Nam cung cấp
Phía Văn Phú cho rằng, sau khi tiến hành đo đạc, hiện trạng một số công trình cũ trụ sở làm việc của Công đoàn Y tế Việt Nam có sự chồng lấn ranh giới với khu đất dự án của Công ty. Cụ thể, từ các mốc giới 25 đến 27 có công trình, tường bao tầng 1 lấn vào ranh giới 0,1 m và công trình tạm tầng 2 lấn sang ranh giới 0,7 m, phần móng lấn sang 0,2 m). Vì vậy, Văn Phú - Giảng Võ đã có Công văn số 82/CV-VPGV gửi Công đoàn Y tế đề nghị sẽ tháo dỡ phần chồng lấn này.
Quan điểm của Công đoàn Y tế Việt Nam
Phía Công đoàn Y tế Việt Nam cho rằng, trụ sở làm việc tại số 138C của Công đoàn Y tế Việt Nam đã tồn tại hơn 60 năm. Chiếu theo Điều 175 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về ranh giới giữa các bất động sản, “ranh giới cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp”, phần hiện trạng này của Công đoàn Y tế cần phải được giữ nguyên.
Công đoàn Y tế Việt Nam cũng cho biết, ngày 15/11/2011, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Văn Hùng đã ký biên bản bàn giao các mốc ranh giới khu đất 138C Giảng Võ (đã được xác định trên thực địa) cho Công đoàn Y tế Việt Nam để sử dụng cùng với công trình đã xây dựng làm trụ sở làm việc theo Quyết định ngày 30/8/2011 của UBND TP. Hà Nội; diện tích khu đất là 974,5 m2.
“Đây là phần đất chồng lấn phức tạp do lịch sử để lại, có những điểm bất hợp lý khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hai bên. Nếu việc tháo dỡ trên do Công ty Văn Phú - Giảng Võ đơn phương tiến hành sẽ xâm phạm tài sản nhà nước, gây nguy hiểm cho công trình nhà đất của Công đoàn Y tế Việt Nam. Việc này cần có ý kiến chỉ đạo của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và các cơ quan chức năng có liên quan... Vì vậy, Ban Thường vụ Công đoàn Y tế Việt Nam đề nghị UBND phường Kim Mã xem xét, chưa cho phép Công ty Văn Phú - Giảng Võ phá dỡ phần chồng lấn trước khi có ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cơ quan chức năng có liên quan”, Công đoàn Y tế Việt Nam nêu trong đơn.
Theo thông tin từ Công đoàn Y tế Việt Nam, vào sáng 8/11, Văn Phú - Giảng Võ đã cho phá dỡ hàng rào và rút cừ công trình xây dựng trụ sở của Công đoàn Y tế Việt Nam.
Thế Anh
Theo Đấu thầu