Sự kiện hot
13 năm trước

Công dụng của ổi

Cây ổi còn gọi là phan thạch lựu, phan quý tử…, có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới châu Mỹ, được trồng rộng rãi nhiều nơi trên thế giới để lấy quả làm thực phẩm và lấy lá làm thuốc.

Cây ổi còn gọi là phan thạch lựu, phan quý tử…, có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới châu Mỹ, được trồng rộng rãi nhiều nơi trên thế giới để lấy quả làm thực phẩm và lấy lá làm thuốc.

Ổi có nhiều giống, người ta trồng bằng cách gieo hạt, ghép, chiết cành, hom rễ hoặc cắm cành. Ở Việt Nam có một số giống ổi nổi tiếng như: ổi bo (Thái Bình), ổi chợ Cồn (Nam Định), ổi xá lị, ổi ruột đỏ (Tiền Giang, Đồng Tháp)…

Hương vị của ổi rất đặc trưng, vừa thơm nồng dễ chịu lại vừa ngọt dịu, đằm thắm, không thua kém gì các loại quả có giá trị như lê, táo tây, xoài...

Ảnh: Internet

Trong 100g phần ăn được của ổi có chứa các chất sau: nước 80,6g, glucid 17,3g, protein 1g, lipid 0,4g, tro 0,7g, các chất khoáng vi lượng: Ca 15mg, P 24mg, Fe 0,7mg, vitamin A 75 microgam, vitamin B1 0,05mg, vitamin C 132mg ( FAO, 1976 ).

Theo Đông y, ổi còn xanh có vị chát, tính bình, có tác dụng kiện vị, cố tràng, thu liễm, thường dùng trong các trường hợp tiêu chảy, kiết lỵ, xuất huyết, viêm nhiễm đường tiêu hóa...

Quả ổi chín có vị ngọt, tính ấm, có tác dụng bổ dưỡng, kiện tỳ, trợ tiêu hóa, thường dùng trong các trường hợp táo bón, ăn uống không tiêu, xuất huyết, đái tháo đường.

Lá ổi có chứa tinh dầu, trong đó có alpha-limonen, bêta-sitosterol, acid maslinic, acid guajavalic. Trong lá ổi non và búp non còn có 7-10% tanin pyrogalic, khoảng 3% nhựa. Hạt có tinh dầu với hàm lượng cao hơn trong lá. Vỏ thân có chứa acid ellagic.

Lá ổi thường được dùng làm thuốc chữa tiêu chảy do có chứa nhiều tanin, giúp làm săn niêm mạc ruột, làm giảm tiết dịch ruột, giảm nhu động ruột và có tác dụng kháng khuẩn.

Ảnh: Internet

Sau đây là một số cách dùng ổi chữa bệnh:

- Chữa tiêu chảy: nếu tiêu chảy do lạnh, dùng búp ổi hoặc lá ổi non 12-20g (sao sơ), gừng nướng 10g hoặc củ riềng khô 10-12g, vỏ quýt khô 10-12g, nấu với 500ml nước, sắc còn 200ml, chia hai lần uống trước bữa ăn. Nếu tiêu chảy do nhiệt, dùng búp ổi, lá ổi non hoặc vỏ rộp cây ổi 12-20g, củ sắn dây khô 20g, lá chè tươi 12g, lá mã đề hoặc rau diếp cá 12g. Sắc uống như trên. Trong cả hai trường hợp, có thể thêm ít đường cho dễ uống.

- Chữa viêm dạ dày-ruột cấp tính: lá ổi non 30g cắt nhỏ, sao chung với một nắm gạo (gạo lứt càng tốt), sau đó cho 500ml nước vào, sắc còn 200ml, lọc lấy nước chia hai lần uống vào lúc đói bụng.

- Chữa giời leo (zona): dùng búp ổi non 100g rửa sạch, phèn chua 10g, muối 1g. Cho tất cả vào cối sạch giã nhỏ, thêm ít nước sạch vào trộn đều. Dùng nước thuốc này bôi lên chỗ đau.

- Chữa vết thương chảy máu, vết loét, bầm dập do chấn thương: lá ổi tươi rửa thật sạch với nước muối, giã nát nhuyễn, đắp lên chỗ đau.

Lương y Đinh Công Bảy
Theo Phu nu


Từ khóa: