Dantin - Đây là phản hồi đầu tiên của các cơ quan chức năng huyện Kỳ Anh sau khi báo Đời sống và Tiêu dùng đăng bài “Công khai đào trộm tài nguyên quý” (số 11 ra ngày 28/2/2013).
Dantin - Đây là phản hồi đầu tiên của các cơ quan chức năng huyện Kỳ Anh sau khi báo Đời sống và Tiêu dùng đăng bài “Công khai đào trộm tài nguyên quý” (số 11 ra ngày 28/2/2013).
Chỉ tỉnh với xã biết
Ông Bùi Văn Bổng, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh khẳng định: Mặc dù từ năm 2012 cả tỉnh lẫn huyện đều nghiêm cấm nhưng nạn khai thác trộm cao lanh (đất trắng - PV) vẫn xảy ra . “ Huyện cũng đã cho công an vào bắt mấy lần rồi. Chỉ có tỉnh và xã mới biết ở đây có mỏ gì, huyện làm sao biết được”, ông Bổng nhấn mạnh và cho biết thêm: Những người khai thác trộm cao lanh có văn bản xin phép UBND tỉnh, chứ huyện không cấp phép khai thác mỏ vì không có chức năng này.
Về việc vì sao cả đoàn xe chở quặng khai thác trái phép công khai xuất hiện mà các cơ quan chức năng của huyện không xử lý, ông Bổng giải thích: Ngoài việc đẩy đuổi những người khai thác trái phép thì huyện đã làm văn bản thông báo và tiến hành bắt giữ. Nhưng họ dừng một thời gian rồi lại tiếp tục khai thác. Không bắt liên tục được vì không có trạm gác chắn.
Mỏ cao lanh lậu ngay bên quốc lộ 12A.
Tuy nhiên theo ông Dương Xuân Linh, chủ tịch UBND xã Kỳ Sơn thì năm 2012, UBND xã đã có văn bản báo cáo UBDN huyện Kỳ Anh về việc phát hiện mỏ cao lanh chứ không phải UBND huyện không biết gì! Ông Linh cũng cho biết: Vùng đất có quặng cao lanh thuộc địa phương quản lý, nằm trong vùng đất dân cư khi quy hoạch xây dựng nông thôn mới.
Cấm không được?!
Mỏ cao lanh được ông Lê Văn Thanh (trú tại xã Kỳ Sơn) mua của một hộ dân địa phương với giá hơn 100 triệu đồng. “Tôi là người địa phương nên họ nhờ tôi đứng ra mua và làm cho họ, chứ thực sự tôi không phải là chủ mỏ. Cao lanh này sau khi được khai thác được bán cho nhà máy gạch Trung Đô, ở TP. Vinh, tỉnh Nghệ An”, ông Thanh nói.
Ông Dương Xuân Linh cũng khẳng định: Việc ông Thanh khai thác cao lanh và đưa đi tiêu thụ ở ngoài địa bàn tỉnh là có thật. Ngày 25/9/2012, UBND xã Kỳ Sơn có văn bản báo cáo UBND huyện Kỳ Anh về việc ông Lê Văn Thanh khai thác cao lanh trái phép trên địa bàn xã. “Ông Thanh đã cho công nhân và máy móc vào khai thác đất trắng tại khu vực này mà không có bất kỳ loại giấy tờ nào cho phép. Xã đã lập biên bản hiện trường và ra văn bản đình chỉ khai thác”, ông Linh cho biết thêm.
Ông Dương Xuân Linh, chủ tịch UBND xã Kỳ Sơn .
Theo tài liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh thì ngày 24/12/2012, Sở cũng đã có văn bản kiểm tra việc ông Thanh khai thác trái phép mỏ cao lanh tại địa bàn xã Kỳ Sơn
Ngày 8/1/2013, UBND xã Kỳ Sơn tiếp tục có văn bản nghiêm cấm thăm dò, khai thác mỏ đất trắng tại xã Kỳ Sơn, trong đó ghi rõ: “Trong thời gian vừa qua tại khu vực đồi Chóp Cờ thuộc khu vực Ruồi Ruôi, công ty Hà Hải Dũng và ông Lê Văn Thanh tự ý tổ chức, thăm dò khai thác mỏ đất trắng cũng như tự đào bới, thăm dò khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Mặc dầu UBND xã đã nhiều lần vào hiện trường lập biên bản đình chỉ và phối hợp với Phòng TN & MT, Công an Môi trường huyện xử lý. Nhưng tình trạng tự ý đào bới, san lấp, khai thác mỏ đất trắng vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp gây nhiều bức xúc trong dư luận nhân dân”.
Trí Thức