Sự kiện hot
4 năm trước

Công trình nghĩa trang liệt sĩ huyện Nghĩa Hưng, Nam Định: Có dấu hiệu vi phạm?

Báo Đời sống và Tiêu dùng nhận được thông tin bạn đọc phản ánh về việc dự án xây dựng công trình tại nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Liễu Đề (huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) đang tồn tại nhiều dấu hiệu vi phạm mà chưa được kiểm tra, xử lý.

Thông tư số 13/2017/TT-BXD được Bộ Xây dựng quy định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/2/2018 (thay thế Thông tư số 09/2012/TT-BXD ngày 28/11/2012); Khoản 1, Điều 3 quy định: “Các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách, vốn vay của doanh nghiệp có vốn nhà nước lớn hơn 30% phải sử dụng vật liệu xây không nung trong tổng số vật liệu xây”… Với “các tỉnh đồng bằng Trung du Bắc bộ; các tỉnh vùng Đông Nam bộ: Tại các khu đô thị từ loại III trở lên sử dụng tối thiểu 90%, tại các khu vực còn lại sử dụng tối thiểu 70%”.

Công trình tại nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Liễu Đề
Công trình tại nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Liễu Đề

Cũng theo thông tư, UBND các quận, huyện có trách nhiệm phát hiện kịp thời và báo cáo ngay cho Sở Xây dựng về các chủ đầu tư và dự án thuộc đối tượng tại khoản 1 Chỉ thị này không tuân thủ đúng quy định về việc sử dụng vật liệu xây không nung để Sở Xây dựng đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố xử lý.

Mặc dù việc sử dụng vật liệu không nung đối với công trình có vốn đầu tư nhà nước đã được quy định cụ thể theo Thông tư của Bộ Xây dựng, nhưng thị trấn Liễu Đề, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) lại sử dụng vật liệu nung sai quy định vào xây dựng công trình nghĩa trang liệt sĩ, bất chấp sự phản đối của người dân.

Đáng lo ngại hơn cả, sự xuất hiện của công trình sử dụng hoàn toàn bằng đất nung đã góp phần cản trở vào việc ổn định an ninh lương thực, hao mòn năng lượng và tăng lượng khí tải CO2 gây ô nhiễm môi trường.

Bằng mắt thường, qua sự khảo sát thực địa phóng viên nhận thấy sự phản ánh của nhân dân là có cơ sở. Trên công trình xây dựng, phương tiện bảo vệ cá nhân gần như không có, công nhân lao động làm việc trên cao không có dây đeo an toàn, không có trang thiết bị bảo hộ lao động, dàn giáo đơn vị thi công làm chưa đúng tiêu chuẩn….

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng cho biết: “Thiết kế là gạch không nung (gạch bê tông) chuyển sang gạch nung (gạch đỏ). Tôi đã trao đổi với UBND thị trấn Liễu Đề về lý do chuyển sang gạch đỏ là do đề xuất, đề nghị điều chỉnh từ gạch không nung sang gạch nung của các hộ gia đình có thân nhân, phần mộ trong đấy. Biên bản đề nghị đó tôi đã được xem. Tôi nghĩ việc chuyển từ gạch không nung sang gạch nung không làm thay đổi quy mô của dự án thì thuộc thẩm quyền của chủ đầu tư…”

Phóng viên đề nghị phía huyện cung cấp thông tin hồ sơ thể hiện việc chuyển đổi trên, vị Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng cho biết: Phòng Công thương đã trả lời ông “bằng miệng” chứ không phải thông tin ông cho biết ở trên là UBND thị trấn Liễu Đề!

“Về thẩm quyền, chủ đầu tư là UBND thị trấn Liễu Đề - đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm chính liên quan đến dự án này, UBND huyện là đơn vị phê duyệt chủ trương đầu tư, thiết kế bản vẽ thi công. Việc còn lại là thẩm quyền và trách nhiệm của chủ đầu tư là UBND thị trấn Liễu Đề, tuyển chọn, lựa chọn nhà thầu, quản lý, giám sát thi công. Việc quản lý trên địa bàn như đi kiểm tra chất lượng công trình thì có thể là phòng Công thương và kiểm tra an toàn lao động cũng có thể là phòng Công thương, thuộc trách hiệm của phòng. Trách nhiệm cuối cùng về chất lượng công trình có đảm bảo hay không thì chủ đầu tư sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật”, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng cho biết.

Báo Đời sống và Tiêu dùng sẽ tiếp tục thông tin về sự việc!

Thanh Phong
Theo Báo Đời sống và Tiêu dùng

Từ khóa: