Sự kiện hot
4 năm trước

Công trình trường Mầm non Tân Hội, huyện Đan Phượng, Hà Nội: Có dấu hiệu vi phạm?

Công trình xây dựng trường Mầm non Tân Hội được cho là sử dụng vật liệu nung sai quy định, gây mất an toàn lao động và ô nhiễm môi trường, bất chấp sự phản đối của người dân.

Tại Khoản 1, Điều 3, Thông tư số 13/2017/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/2/2018 (thay thế Thông tư số 09/2012/TT-BXD ngày 28/11/2012) quy định: “Các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách, vốn vay của doanh nghiệp có vốn nhà nước lớn hơn 30% phải sử dụng vật liệu xây không nung trong tổng số vật liệu xây”… Với “các tỉnh đồng bằng Trung du Bắc bộ; các tỉnh vùng Đông Nam bộ: Tại các khu đô thị từ loại III trở lên sử dụng tối thiểu 90%, tại các khu vực còn lại sử dụng tối thiểu 70%”.

Công trình xây dựng bằng gạch nung
Công trình xây dựng bằng gạch nung

Theo đó, UBND các quận, huyện có trách nhiệm phát hiện kịp thời và báo cáo ngay cho Sở Xây dựng về các chủ đầu tư và dự án thuộc đối tượng tại khoản 1 Thông tư này không tuân thủ đúng quy định về việc sử dụng vật liệu xây không nung để Sở Xây dựng đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố xử lý.

Mặc dù việc sử dụng vật liệu không nung đối với công trình có vốn đầu tư nhà nước đã được quy định cụ thể theo Thông tư của Bộ Xây dựng, nhưng theo phản ánh của bạn đọc, công trình xây dựng trường Mầm non Tân Hội được cho là sử dụng vật liệu nung sai quy định, gây mất an toàn lao động và ô nhiễm môi trường, bất chấp sự phản đối của người dân.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Viết Thái - Trưởng ban Quản lý dự án xây dựng huyện Đan Phượng cho biết: “Theo hồ sơ thiết kế, công trình phải sử dụng 100% là gạch không nung (gạch bê tông). Tôi đã làm việc và trao đổi với lãnh đạo xã về việc thay đổi và sử dụng gạch đỏ là do nhu cầu của địa phương xã, cùng phía nhà trường cũng có đề nghị và đã có biên bản làm việc. Ngoài ra, tại một số công trình ở địa phương sử dụng gạch không nung thường hay xảy ra việc sụt nứt không đảm bảo. Còn về công trình của trường Mầm non Tân Hội thì chỉ có thay đổi một số một số vị trí tiếp giáp của công trình chèn vào cột và dưới dầm để tránh bị co nứt và tránh thấm”.

Khi phóng viên đề nghị cung cấp hồ sơ thiết kế và văn bản liên quan về việc thay đổi thì ông Thái chỉ cung cấp cho phóng viên một văn bản có ghi là Biên bản làm việc, không có ngày tháng, không có số văn bản và không có con dấu của chính quyền.

Nội dung văn bản thể hiện: “Căn cứ tình hình thực tế thi công các công trình xây dựng bằng gạch không nung thường xảy ra tình trạng rạn nứt tại các khu vực giáp cột và phía dưới dầm, vì vậy chủ đầu tư Ban quản lý dự án, đơn vị thi công, tư vấn giám sát, đơn vị sử dụng, giám sát cộng đồng cùng thống nhất như sau: Thay gạch không nung bằng gạch chỉ đặc xây chèn khu vực tiếp giáp cột, dưới dầm. Thay gạch không nung bằng gạch chỉ đặc phần tường xây 110 giáp vách xây cong ngoài trục 13-13 và 20-20 từ tầng 2 lên mái. Thay gạch không nung bằng gạch 2 lỗ phần trang trí ngoài nhà để thuận tiện cho việc thi công và đảm bảo chống nứt. Theo hồ sơ thiết kế phần ốp trang trí này có chiều dày 0,6cm nên việc xây bằng gạch không nung là không đảm bảo kỹ thuật do không thể bổ gạch được vì vậy phải sử dụng gạch 2 lỗ nhằm thi công đúng kỹ thuật và mỹ thuật cho công trình”.

Nhưng khi phóng viên đề cập đến vấn đề phía Ban quản lý đã có báo cáo UBND huyện và đã được UBND huyện phê duyệt hay chưa thì ông Thái lại không trả lời! Trong khi đó, vấn đề tồn tại xung quanh việc chủ đầu tư và đơn vị thi công sử dụng sai vật liệu xây dựng, đơn vị thi công chưa đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường… lại chưa thể xử lý dứt điểm.

Dư luận đặt ra câu hỏi: Phải chăng việc thực hiện dự án công trình xây dựng trường Mầm non Tân Hội có điều gì đó không minh bạch? Rất mong UBND huyện Đan Phượng sớm kiểm tra và có thông tin phản hồi.

Báo Đời sống và Tiêu dùng tiếp tục thông tin về sự việc!

Nhóm PV
Theo Báo Đời sống và Tiêu dùng

Từ khóa: