Sự kiện hot
11 năm trước

“Công ty”…diệt chuột

Dantin - Những chủ nhân của 1.000 mẫu ruộng và ông chủ của gần chục doanh nghiệp thực phẩm, sữa, may mặc khắp miền Bắc đã không còn lo thành quả của mình bị các “ông Tý” tàn phá. Họ đã ký được hợp đồng với doanh nghiệp nghe lạ tai: Công ty…diệt chuột Quang Thiều!

Dantin - Những chủ nhân của 1.000 mẫu ruộng và ông chủ của gần chục doanh nghiệp thực phẩm, sữa, may mặc khắp miền Bắc đã không còn lo thành quả của mình bị các “ông Tý” tàn phá. Họ đã ký được hợp đồng với doanh nghiệp nghe lạ tai: Công ty…diệt chuột Quang Thiều!


Thiều diệt chuột tai sân bay Nội Bài.

Ấp ủ nhiều năm ròng

Trụ sở Cty nằm khá sâu trong thôn Bình Vọng (xã Văn Bình, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) nhưng vẫn có nhiều khách hàng tìm đến. Một buổi chiều, đang ngồi bàn phương án triển khai hợp đồng diệt chuột vừa ký với một Cty thực phẩm ở Hà Nội, ông GĐ Trần Quang Thiều phải tiếp một vị khách: TGĐ Cty dệt may K.Y ở phố Nối (Hưng Yên) mới sang. Vừa bắt tay “đối tác”, vị TGĐ đã năn nỉ: “Bác phải sang giúp em! Bọn “mõm dài” ngày càng lộng hành. Tháng vừa rồi, chúng nó cắn phá dữ, hại em cả trăm triệu đồng”. Ông GĐ Thiều cùng 2 nhân viên tức tốc đi ngay.

Đi vòng quanh xem địa thế nhà xưởng của đối tác vài vòng, ông Thiều nhận xét: “Xung quanh 4 bề là đất hoang và cỏ dại là điều kiện cho bọn chuột trú ngụ để đêm vào cắn phá. Loại chuột này cốt “mài răng” chứ không ăn”. Rồi ông chỉ vào những vết bùn mờ mờ ở các góc tường “soi” thật kỹ: “Vết chân chuột còn mới chứng tỏ chúng ngang nhiên cắn phá cả ban ngày, lại đúng mùa sinh nở nên chúng sẽ tụ họp càng đông và dữ tợn”. Vừa nói, ông Thiều vừa lấy ra một tờ giấy lớn khổ A3, vẽ loằng ngoằng những vị trí bẫy và quyết “hốt” mẻ chuột đầu tiên để “chào hàng”. Hai nhân viên của ông Thiều cứ y như sơ đồ ông vẽ mà đặt những chiếc bẫy bằng thép hình bán nguyệt do chính Cty sản xuất. TGĐ Cty K.Y hấp háy đôi mắt theo dõi và chờ đợi…

Rồi bất ngờ, chỉ sau 10 phút, những tiếng “tạch” đồng loạt vang lên. Ông TGĐ Cty K.Y trợn tròn mắt vừa kinh ngạc, vừa thán phục: 100 chiếc bẫy đặt thì có tới 74 con chuột đang giẫy đành đạch chờ chết! Hợp đồng diệt chuột trị giá 2 triệu đồng/tháng với Cty Quang Thiều được ông TGĐ nhanh chóng ký cái rẹt. Cầm hợp đồng, ông Thiều khà khà cười khoe: “Giờ đã là Cty rồi thì làm ăn phải hợp đồng, dấu má đàng hoàng chứ không như trước kia…”

Năm 2000, sau những “chiến công” rực rỡ trong việc đẩy lùi đại dịch chuột, danh tiếng “vua chuột” Trần Quang Thiều nổi như cồn khắp các tỉnh Bắc Bộ. Hàng chục các Cty thực phẩm, may mặc, sữa và các chủ nhiệm HTX đánh ô tô mời ông về giúp họ diệt trừ loài “đứng đầu dòng gặm nhấm”. “Vua chuột” cũng tất bật lúc vào tận Nghệ An, Thanh Hoá; lúc ngược lên Bắc Giang, Vĩnh Phúc…mà chẳng lúc nào hết việc. Ông Thiều kể: Tất cả các vụ làm ăn lúc ấy, chỉ thoả thuận bằng mồm với đổi tác nhưng đến khi thanh toán tiền công, kế toán các doanh nghiệp loay hoay không biết ghi hoá đơn phần chi trả thế nào”. Thế rồi, có người kế toán buột miệng: “Giá bác là…Cty thì tốt” . Không ngờ câu nói ấy làm “vua chuột” suy tư: “Ừ. Sao lại không thể là “Cty” chứ? Nhiều người trong làng sẽ có công ăn việc làm và mình cũng làm ăn đàng hoàng hơn”. Sau 6 năm ấp ủ, cuối cùng Cty diệt chuột độc nhất tại miền Bắc cũng ra đời (5/2006) với 20 nhân viên thường xuyên tại làng và hàng chục nhân viên thời vụ ở khắp nơi. Cầm tờ quyết định thành lập, con dấu của Cty mà ông Thiều và những anh em khác làm cùng rưng rưng: “Thế là thành hiện thực rồi”

Kiếm bộn hợp đồng


GĐ Trần Quang Thiều và nhân viên trong một lần đi diệt chuột.

Chỉ thành lập được vài hôm, Cty diệt chuột Quang Thiều đã bước vào một cuộc làm ăn lớn. Đối tác của Cty là HTX Mai Điện (Từ Sơn, Bắc Ninh) với hợp đồng là diệt chuột bảo vệ mùa màng trên 400 mẫu ruộng. Sau mẻ “chào hàng” với chiến tích 500 chuột/1 sào/1 đêm hợp đồng đã được ký kết: Nếu diện tích bị chuột phá thu hẹp dưới 1,5%, Cty sẽ được trả 5kg thóc/sào sau khi thu hoạch. Ngược lại nếu chuột cắn phá 5m2 /1sào, Cty sẽ phải đền 200 kg thóc.

Nhận được hợp đồng rồi, GĐ Thiều lại lo giải bài toán “nhân công”. Ông tính toán: “Nếu mình đưa nhân công từ Cty lên thì phải lo chỗ ăn chỗ ngủ. Vừa phải xa nhà mà lương của anh em và doanh thu sẽ bị giảm xuống đến 20%”. Một cách giải quyết được đưa ra: Tuyển ngay 10 nhân công tại chỗ và huấn luyện kỹ thuật “săn chuột” cho họ. “Kỹ thuật diệt chuột không khó, chỉ cần lưu ý và tâm huyết là anh em làm được. Nhất là ở ngay địa phương nên anh em rất thuộc địa hình công việc sẽ đơn giản hơn. GĐ Thiều giải thích. Nói vậy, chứ người dân HTX Mai Điện lúc nào cũng thấy ông Thiều quần xắn tới gối lăn lê ngoài ruộng sớm tối chờ chuột đến. Vụ thu hoạch, HTX Mai Điện tổng kết là thắng lớn nhờ đã hạn chế tối đa những thiệt hại do chuột phá, bình quân năng suất đạt 220 kg/sào. Cty diệt chuột Quang Thiều được nhận công 20 tấn lúa quy theo giá thị trường. Trả công cho anh em một người 1,2 triệu đồng/ tháng, Cty vẫn “dôi” ra được hơn 20 triệu tiền lãi. Một lần nhận được lời mời từ phía sân bay Nội Bài, ông Thiều cử ngay 2 nhân viên lành nghề của Cty đi “thị sát” tình hình. Địa hình của sân bay khá phức tạp nên bọn loài “gặm nhấm” đã thoát được tất cả những chiếc bẫy mà cty đã đặt. Ông GĐ tức tốc phải lên sân bay khảo sát “hiện trường” và phát hiện ra chuột ở sân bay có 4 loại khác nhau và di chuyển trên dây điện chứ không phải trên tường. Ông thiết kế ngay cách đặt bẫy trên dây điện. Không trốn được, hàng trăm con chuột phải sa lưới. Một nhân viên của sân bay Nội Bài nghĩ lại, cười khoe: “Trước kia, có lần sân bay đã phải đền đồ cho hành khách vì bị chuột gặm nát. Nhưng chỉ một tháng sau khi mời được “bố” Thiều đến, bọn chuột bị tóm gọn cả”.

Tiếng lành đồn xa, nhiều Cty bị chuột hoành hoành đều ông Thiều tìm đến. Ông Thiều mở túi cho PV xem những hợp đồng diệt chuột dài hạn với nhiều cty lớn: Cty sữa Vinamilk, cty Bia Đông Nam Á, Cty liên doanh may mặc Choy -Ung… và chủ nhân của hàng nghìn mẫu ruộng ở Hưng Yên, Thái Bình, Hà Tây, Bắc Ninh. Ở những nơi ông Thiều mang “quân” đi diệt chuột, các đối tác đều hào hứng chào đón.

Sau một thời gian nghiên cứu, cuối cùng Cty Quang Thiều cũng tung ra trên thị trường loại bẫy chuột “không mồi” hiệu nghiệm. Cầm chiếc bẫy, ông Thiều giảng giải: “Nhìn bề ngoài bẫy “không mồi” không khác gì chiếc bẫy hình bán nguyệt vẫn bán nhưng nó “nhạy” hơn nhiều. Bọn chuột thường bắt đầu hoạt động từ chập tối và đi kiếm ăn mạnh nhất từ 3 giờ đêm đến sáng. Chúng đi kiếm ăn và trở về đều cùng theo một đường. Loại bẫy cũ thường đặt cạnh đường đi, chuột kéo mồi mới sập, nhưng sau khi cải tiến, chỉ cần chân hay đuôi của nó chạm vào miếng đối trọng là bẫy sập ngay lập tức”. Ông cười khoe thêm: “Mỗi tháng, cty “xuất” được hơn 10.000 chiếc, chủ yếu ngoài Bắc. Sắp tới số lượng sẽ tăng hơn khi Cty khai thác và đem vào thị trường trong đồng bằng sông Cửu Long…”

Lâm Vĩnh Bình

Từ khóa: