Không chỉ quảng cáo mỹ phẩm như thuốc chữa bệnh, Công ty TNHH Dược Mỹ Phẩm CoCoCherry Việt Nam còn tự “vẽ” thêm công dụng quảng cáo sản phẩm?
Như đã thông tin tới bạn đọc số báo kỳ trước, Công ty TNHH Dược Mỹ Phẩm CoCoCherry Việt Nam đang có dấu hiệu bất chấp những quy định của pháp luật để quảng cáo mỹ phẩm như “thần dược” chữa bệnh.
Không dừng lại ở đó, doanh nghiệp này còn “vẽ” thêm công dụng cho sản phẩm trên website https://myphammocan.vn/ không đúng sự thật, gây hoang mang, hiểu nhầm cho người tiêu dùng.
Cụ thể, trên website https://myphammocan.vn/ Công ty đã “vẽ” thêm công dụng quảng cáo cho Xà Phòng Handmade Café như “trị mụn đầu đen, mụn cám”, “trị mụn mặt và mụn lưng”, “hoạt động như một chất tẩy tế bào cho da”, …
Tuy nhiên, có thể dễ dàng nhận thấy những công dụng trên website đó khác hoàn toàn so với công dụng trên bao bì sản phẩm. Trên bao bì sản phẩm là “giúp làm thơm, làm mềm mịn da, dưỡng ẩm và dưỡng da. Giúp giảm mụn ngoài da,…”
Cũng trên website https://myphammocan.vn/ của Công ty CoCoCherry Việt Nam đã tự ý đặt thêm công dụng cho sản phẩm Xà Phòng Nghệ Mật Ong “điều trị mụn thâm, mụn bọc, mụn mủ” “làm liền sẹo nhanh chóng”, “giảm viêm sát khuẩn, dưỡng ẩm, dưỡng da giúp da phục hồi”,…
Thực tế, công dụng trên bao bì của sản phẩm khác “một trời một vực” so với công dụng trên website. “Giúp làm thơm, làm sạch, làm mềm mịn da và dưỡng da. Dưỡng da trắng sáng, góp phần làm se khít lỗ chân lông . Góp phần làm giảm mụn trứng cá, chống lại tác hại của ánh nắng mặt trời”
Theo Khoản 3, Khoản 4, Điều 69 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo:
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Quảng cáo mỹ phẩm có tác dụng như thuốc gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc;
b) Quảng cáo mỹ phẩm có nội dung không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định;
c) Quảng cáo mỹ phẩm thiếu một trong các nội dung sau: tên mỹ phẩm; tính năng, công dụng chủ yếu của mỹ phẩm trừ trường hợp tính năng, công dụng đã được thể hiện trên tên của sản phẩm; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; các cảnh báo theo quy định.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc cải chính thông tin đối với hành vi quy định tại Khoản 3 Điều này;
b) Buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo đối với hành vi quy định tại Khoản 3 Điều này.
Với những hành vi của Công ty, Báo Đời sống & Tiêu dùng mong Sở Y Tế cùng các cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm vi phạm, tránh gây hoang mang cho người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm.
Báo Đời sống & Tiêu dùng tiếp tục thông tin về vụ việc.
Lê Tùng - Thanh Hằng
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng