Sự kiện hot
13 năm trước

Cư dân Keangnam ngất xỉu vì bị 'nhốt' trong thang máy giữa đêm

6 cư dân Keangnam trong đó có 2 trẻ nhỏ hoảng loạn, ngất xỉu vì bị nhốt trong thang máy giữa đêm tối mà không được cứu hộ khi sự cố mất điện xảy ra.

6 cư dân Keangnam trong đó có 2 trẻ nhỏ hoảng loạn, ngất xỉu vì bị nhốt trong thang máy giữa đêm tối mà không được cứu hộ khi sự cố mất điện xảy ra.

Tối 23/5, cả 2 tòa nhà chung cư cao cấp A và B của Keangnam bất ngờ mất điện toàn bộ. Sự cố khiến 6 cư dân bị mắc kẹt trong thang máy, trong đó có 2 trẻ nhỏ. 

“Bác ơi, cứu cháu với”

Keangnam được biết đến là chung cư cao cấp vào hàng bậc nhất của Việt Nam, được trang bị nhiều hệ thống hiện đại. Tuy nhiên, khi sự cố mất điện xảy ra, hệ thống điện dự phòng của tòa nhà (Back up power) đã không phát huy tác dụng, toàn bộ tòa nhà tối om, tất cả các thang máy và thang thoát hiểm đều không hoạt động và thiếu dưỡng khí.

Điều đáng nói là sự cố mất điện diễn ra trong vòng nửa tiếng (từ 19h20 đến 19h45), cư dân bị mắc kẹt trong thang máy nhưng không hề nhận được sự trợ giúp, cứu hộ cần thiết từ lực lượng bảo vệ hay Ban quản lý tòa nhà.

Khi bị nhốt trong thang máy 25 phút giữa đêm tối, thiếu ô xy và không được trợ giúp, 6 cư dân thực sự hoảng loạn, không biết thoát ra bằng cách nào. Hai cháu bé bị mắc kẹt sống tại căn A4304. Người nhà 2 cháu bé cho biết, khi bị nhốt trong thang máy tối thui, do thiếu oxy nên 2 cháu nôn rất nhiều, sau một hồi kêu cứu, hoảng sợ, 2 cháu đã ngất xỉu, rất may sau đó có điện trở lại nên mới thoát ra được.

Biên bản ghi lại sự cố mất điện đêm 23/5.

Ông Trần Xuân Trạch, Tổ trưởng tổ dân phố Keangnam cho biết, khi mất điện, có cư dân bị kẹt trong thang máy gọi điện cho ông kêu cứu nhưng toàn bộ 2 tòa nhà đều tối om, ông không biết làm cách nào để giúp họ. “Nghe tiếng họ kêu cứu, bác ơi cứu cháu với mà tôi thót tim nhưng không biết họ bị kẹt ở thang nào, tầng nào. Tôi có hỏi họ, nhưng trong đó tối om nên họ cũng không biết gì cả, họ kêu rất khó thở. Tôi lo quá vì nghe thấy tiếng trẻ em khóc” - ông Trạch nói.

Trong khi đó, chị L., cư dân sống tại căn B2906, cho hay: “Mẹ tôi phải ra sân bay  vào Sài Gòn 19h50, đợi mãi đến hơn 7h30 mà vẫn chưa có điện, tôi nghĩ chắc phải xách cái 2 vali đi cầu thang bộ xuống từ lầu 29. Cũng may là vừa mang ra cửa thì điện có lại, nếu trễ chút chắc chắn cả nhà tôi phải leo bộ từ tầng 29 tối om rồi và có thể không kịp chuyến bay nữa”.

Quản lý Keangnam đóng cửa văn phòng, không tiếp cư dân

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Tổ trưởng Tổ Dân Phố, công an khu vực và đại diện cư dân Keangnam đã có mặt tại văn phòng Công ty quản lý Chesnut, yêu cầu gặp lãnh đạo trực và lập biên bản ghi nhận sự việc, nhưng không nhận được sự hợp tác, thậm chí Quản lý Lee - người Hàn Quốc đã qua điện thoại, ra lệnh cho nhân viên không lập, không ký biên bản, đóng cửa văn phòng. Công an yêu cầu ông Lee có mặt để làm việc nhưng ông này cũng không tới. 

Trước đó, cuối năm 2011, do mâu thuẫn trong việc thu phí dịch vụ, Keangnam đã cắt thang máy, khóa cả thang thoát hiểm nhằm cô lập cư dân

Hai ngày sau khi xảy ra sự cố nguy hiểm, vẫn chưa nhận được bất kỳ thông báo nào của Công ty Quản lý Chesnut, rất đông cư dân Keangnam đã tỏ ra rất bức xúc trước thái độ thờ ơ này. “Tôi cũng từng bị kẹt trong thang máy do mất điện ở cơ quan. Tòa nhà nơi tôi làm việc do Việt Nam xây, tương đối lạc hậu, ấy thể mà cũng chỉ mất 5 phút sau đã khắc phục được sự cố. Chỉ ở trong đó 5 phút thôi giữa cái cảnh tối om, điện thoại không liên lạc được tôi đã khóc òa vì sợ hãi.

Vậy mà có đến 6 người bị nhốt trong thang máy những 26 phút giữa cái tòa nhà được mệnh danh là hiện đại nhất Việt Nam. Đơn vị vận hành tòa nhà đã phản ứng quá chậm. Đã thế lại còn ra lệnh đóng cửa văn phòng, không lập biên bản, từ chối làm việc với tổ dân phố và công an phường khi có sự cố. Như vậy nghĩa là gì? Khi cố sự cố xảy ra, Keangnam và Chesnut sẵn sàng hành xử theo kiểu bỏ mặc cư dân, đúng là vô trách nhiệm và vô văn hóa” - một cư dân sống tại căn A1404 phẫn nộ.

Một số người tỏ ra lo lắng khi hệ thống điện dự phòng của tòa nhà (Back up power) đã không hoạt động. “Hệ thống điện dự phòng không hoạt động khi sự cố xảy ra là rất nguy hiểm và cũng khiến tôi hoài nghi về các hệ thống cao cấp khác của Keangnam.

Nếu hệ thống chữa cháy tự động (sprinkler systems) cũng không hoạt động thì mãi mãi không còn có cơ hội nào sửa sai nữa. Tôi đành tự cứu mình trước khi trời cứu nên vừa phi ra Yết Kiêu mua một số thiết bị cứu hỏa. Hy vọng không bao giờ phải dùng đến nó” - cư dân sống tại căn A4311 lo lắng nói.

Ngày 25/5, Ban đại diện lâm thời của cư dân đã có công văn gửi tới Keangnam yêu cầu làm rõ các vấn đề liên quan đến sự cố vừa qua. Ban đại diện cho rằng, hệ thống dự phòng kỹ thuật của tòa nhà đã và đang không hoạt động ổn định, có nguy cơ tiềm ẩn rất lớn đến cuộc sống của hàng ngàn con người. Tinh thần trách nhiệm và thái độ của Lãnh đạo công ty quản lý là không tốt.

Theo Đất Việt

Từ khóa: