Sự kiện hot
13 năm trước

Cụ ông 84 tuổi ra toà ly hôn

Mặc dù mái đầu đã bạc, đôi chân lập cập vì già yếu nhưng cụ bà vẫn sang sảng trình bày: “Tôi không thể sống chung với ông ấy thêm một ngày nào nữa. Tôi chịu đựng mấy chục năm qua là quá đủ rồi. Tôi muốn ly hôn. Xin tòa hãy cho tôi được…tự do”.

Mặc dù mái đầu đã bạc, đôi chân lập cập vì già yếu nhưng cụ bà vẫn sang sảng trình bày: “Tôi không thể sống chung với ông ấy thêm một ngày nào nữa. Tôi chịu đựng mấy chục năm qua là quá đủ rồi. Tôi muốn ly hôn. Xin tòa hãy cho tôi được…tự do”.

Cuộc chia tay nào dường như cũng có hồi gay cấn. Thế nhưng, những phiên tòa ly hôn của các cụ ở độ tuổi “gần đất xa trời” lại càng căng thẳng hơn bởi áp lực tuổi tác, con cháu đề huề…

Khi các cụ “tố” nhau

Phiên tòa ly hôn hôm ấy gây sự chú ý đối với người dự khán vì cả nguyên đơn và bị đơn đều đã ở độ tuổi “thất thập cổ lai hy”. Cụ bà tên H., đã ngoài 70 tuổi còn cụ ông đã ở tuổi 84. Hai cụ lấy nhau gần 50 năm trước, có với nhau bảy mặt con. Tất thảy đã khôn lớn, dựng vợ gả chồng. 

Với tuổi già dường như không còn sự chộn rộn lo toan nên những ngày tháng trong quá khứ lại hiện về rõ hơn bao giờ hết. Đôi khi, họ không thể vượt qua để tha thứ cho người bạn đời. Dù thế nào, chia tay cũng là mất mát. (Hình minh họa: TTO)

Cuộc sống của ông bà nhiều khi phát sinh mâu thuẫn nhưng cứ thế trôi qua cho đến khi họ đã bước qua bên kia sườn dốc cuộc đời. Đột nhiên, năm 2011, cụ bà nộp đơn ra tòa án quyết ly hôn cho bằng được, mặc ông phản đối, con cái khuyên can.

Tôi không thể sống chung với ông ấy thêm một ngày nào nữa. Tôi chịu đựng mấy chục năm qua là quá đủ rồi. Tôi xin tòa cho tôi được ly hôn”.

Lý giải cho ý kiến của mình, bà “tố” ông là người nóng tính, khô khan, ăn nói cục cằn. Dù là vợ chồng nhưng ông hay chửi bới, xưng hô mày - tao với vợ, trong khi bà đường đường là người có trình độ, gia đình gia giáo, nên không thể chịu đựng nổi cảnh ông suốt ngày ức hiếp, xỉ vả.

Nghe bà trình bày, ông lắc đầu nguầy nguậy. Ông thừa nhận mình nóng tính có đánh chửi bà nhưng bà cũng chẳng vừa. Là phụ nữ, lẽ ra chồng nóng thì vợ bớt lời, đằng này bà không chịu thua kém.

Tôi nóng một thì bà nóng mười” - ông đáp trả. Ông xin tòa hãy bác đơn ly hôn của bà vì mâu thuẫn không đến mức trầm trọng, ngần ấy tuổi mà còn ly hôn thì xấu hổ với con cháu, với bà con lối xóm, với thông gia…

Tại tòa, con cái của ông bà thừa nhận cha mẹ vốn tính không hợp nhau. Ông thì nóng tính, bà thì nói nhiều nên mới xảy ra cơ sự. Dù vậy, họ xác nhận mâu thuẫn đã có từ mấy chục năm trước nhưng chỉ là nhỏ nhặt, cha mẹ vẫn sống chung trong một mái nhà và nuôi nấng con cái trưởng thành. Họ không muốn cha mẹ ly hôn.

Tòa không cho tôi ly hôn thì tôi xin được từ chối quyền làm vợ ông ấy. Vì tôi không còn tôn trọng ông ấy nữa…”, bà hậm hực khi nhận thấy mình đuối lý.

Cuối cùng, xét mâu thuẫn vợ chồng chưa đến mức trầm trọng phải ly hôn nên Hội đồng xét xử đã giữ nguyên bản án sơ thẩm, bác đơn kháng cáo xin ly hôn của bà. Không biết sau phiên tòa “sóng gió tình già” giữa hai cụ liệu có nguôi ngoai?

Tuổi già không yên

Khác với tâm trạng của cụ H., gần hai năm theo đuổi vụ kiện ly hôn của mình, cụ V. (66 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) ngồi mệt mỏi trong phiên xử. Mặc cụ ông (74 tuổi) và con dâu ở phía bên kia chiếc ghế dài hăm hở, bà ngồi lặng thinh.

Dù là người chủ động nộp đơn nhưng bà tâm sự, ly hôn tuổi xế chiều là nỗi đau với người trong cuộc, bà không muốn nhưng có lẽ đó là cách duy nhất giúp bà tìm thấy những ngày tháng cuối đời thanh thản.

Bà và ông nên nghĩa vợ chồng đã 44 năm trước. Năm 1992, họ mới chính thức làm giấy đăng ký kết hôn. Ngay từ thời son trẻ, ông đã có người phụ nữ khác nên hay đánh đập, dè bỉu vợ, cuộc sống vợ chồng phát sinh mâu thuẫn.

Ông là cán bộ nhà nước, bà chỉ là người làm nghề buôn bán nhỏ nên mọi chuyện đều cắn răng chịu đựng để giữ thể diện cho chồng công tác, nuôi con cái học hành. Mối quan hệ hôn nhân giữa ông bà chỉ mang tính hình thức bởi họ đã sống ly thân từ khi nào bà cũng không còn nhớ rõ, chỉ biết từ rất lâu rồi.

Khi con trai lớn lên lấy vợ, họ ở cùng cha mẹ nhưng phân định rõ ràng ông và các con sống ở tầng trệt và tầng dưới, bà và người con gái út sống ở tầng trên. Dù vậy, mỗi khi thấy bà, ông luôn tìm cách “đánh chó chửi mèo”. Con dâu thì vào hùa với bố khoét sâu nỗi bất hòa, ngăn cách bà với hai cháu nội.

Thấy bà mắt kém, phải bật điện rửa rau thì con dâu lao xuống bếp tắt điện, “đá thụng đụng nia”, gặp mẹ chồng không thèm chào hỏi… Bà đau lòng lắm nên muốn ly hôn, bán căn nhà chia đôi lấy một khoản tiền kiếm nơi ở khác để được sống thanh thản cuối đời.

Vụ án ly hôn trở nên lình xình, rắc rối kéo dài vì ông không đồng ý ly hôn. Ông thừa nhận vợ chồng đã sống ly thân từ lâu nên giờ cứ duy trì cuộc sống cũ, “hồn ai nấy giữ, việc ai nấy làm” đâu cần phải ly hôn để thông gia chê cười.

Ông cũng không đồng ý bán căn nhà, không đồng ý giá trị căn nhà là 7 tỷ đồng như bà đề nghị… Hội đồng định giá phải vào cuộc, định giá căn nhà trị giá 5,5 tỷ đồng nhưng ông vẫn cho rằng giá này “cao quá!”…Nhiều buổi hòa giải diễn ra không đem lại kết quả. Cuối cùng tòa phải đưa vụ án ra xét xử.

Tại tòa, cụ ông liếc mắt nhìn vợ bằng cái nhìn giận dữ rồi ném lời thóa mạ: “Bà là đồ ham tiền, hám lợi” - “Tôi không thể chịu đựng thêm được nữa. Ông đừng nói đến chuyện ham tiền ở đây”, bà rưng rưng nước mắt.

Cuối cùng, xét thấy mâu thuẫn vợ chồng giữa ông bà đã đến mức trầm trọng, quan hệ hôn nhân từ lâu chỉ mang tính hình thức nên Tòa đồng ý cho bà được ly hôn, chấp nhận chia mỗi bên một nửa trị giá căn nhà.

Ông ấm ức ra về vì là người thua cuộc còn bà thở dài như trút xong một gánh nặng cuối đời.

Cứ ngỡ đã cùng nhau đi đến gần hết cuộc đời thì mọi mất mát, đau thương từ những lầm lỗi sẽ đi vào dĩ vãng. Chia tay - khái niệm chỉ còn tính tương đối với những cặp vợ chồng ở độ tuổi này, nhưng dù sao đó cũng là một sự mất mát. Nhưng đổi lại: sự thanh thản cuối đời mới là điều họ cần tới trong lúc này.

Mai Phượng
theo VietnamNet

Từ khóa: