Đầu năm 2019 đến nay, Ngành thuế tỉnh Vĩnh phúc đã tổ chức chỉ đạo một cách quyết liệt, hiệu quả ngay từ những ngày đầu năm, với các mục tiêu, các lĩnh vực, phong trào thi đua cụ thể, kết quả thu ngân sách từ nội địa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đạt được kết quả khả quan.
Tính hết tháng 4/2019, số thu nội địa do Ngành Thuế Vĩnh Phúc quản lý đạt 10.556 tỷ đồng, bằng 43,5% so với dự toán pháp lệnh năm 2019 và bằng 122% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đa số các khoản thu, các sắc thuế đã đạt kết quả khá so với dự toán; có 11/15 chỉ tiêu thu đạt kết quả cao so với cùng kỳ năm 2018.
Hầu hết các đơn vị nhận dự toán thu đã tích cực, chủ động chỉ đạo công tác thu NSNN ngay từ những ngày đầu năm, tổ chức triển khai tốt quy trình quản lý thu và các phong trào thi đua trong đơn vị, góp phần mang lại kết quả thu NSNN đạt kết quả tốt. Đồng thời, các phòng chức năng được sắp xếp thống nhất, tập trung, không chồng chéo, trùng lắp với việc ghép các chức năng thanh tra thuế, kiểm tra thuế; nghiệp vụ dự toán, pháp chế; tài vụ, quản trị, từ đó Cục Thuế Vĩnh Phúc đã đi vào vận hành theo mô hình tổ chức bộ máy mới từ 01/4/2019.
Thực hiện công tác thuế trong thời gian tiếp theo nhằm hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN quý II và 6 tháng đầu năm 2019, Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc đã đề ra những mục tiêu cụ thể như: Chỉ đạo các đơn vị hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nội địa trên địa bàn, làm tốt công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, thực hiện nghiêm túc, đúng luật đối với công tác kê khai và kế toán thuế, không để phát sinh làm tăng số nợ thuế mới, chỉ đạo thu vào NSNN dứt điểm số nợ có khả năng thu; Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, tích cực đôn đốc quyết liệt số tiền thuế và tiền phạt sau quyết toán và sau thanh tra, kiểm tra vào NSNN; Tập trung chỉ đạo thu các khoản có khả năng tăng thu nhất là thu từ hộ kinh doanh và các khoản liên quan đến đất đai...
Chỉ đạo các Chi cục Thuế huyện, thành, thị trong tỉnh thực hiện tốt các chức năng theo phân cấp, phối kết hợp chặt chẽ giữa các phòng, các bộ phận quản lý trong toàn ngành; Thường xuyên bám sát tình hình SXKD, biến động của thị trường và của người nộp thuế để có các giải pháp chỉ đạo, đôn đốc thu hiệu quả; Tập trung cải cách thủ tục hành chính thuế; tiếp tục đẩy mạnh công tác kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế.
Đẩy mạnh công tác quản lý kê khai thuế; tăng cường công tác phân tích và phân loại nợ thuế, từ đó triển khai đồng bộ các biện pháp đôn đốc, xử lý nợ; Kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế để thu hồi nợ thuế đối với các đơn vị cố tình dây dưa, chây ỳ nợ thuế qua kê khai, nợ tiền thuế, tiền phạt sau thanh tra, kiểm tra..., phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Xuân Hậu - Tuyết Nhung
Báo Đời sống và Tiêu dùng