Khi lực lượng chức năng tiến hành cưỡng chế tiêu diện đàn chuột nuôi bằng cách phun nước ngập vào trang trại cho chuột chết, không chỉ chuột mà cả cá, cây trong trang trại cũng chết theo...
Khi lực lượng chức năng tiến hành cưỡng chế tiêu diện đàn chuột nuôi bằng cách phun nước ngập vào trang trại cho chuột chết, không chỉ chuột mà cả cá, cây trong trang trại cũng chết theo...
Ngày 22.7, nhiều sinh viên tình nguyện và các lực lượng địa phương vẫn tiếp tục đào hang tìm xác chuột chết, vớt xác chuột thối rữa. Do hàng trăm ngàn con chuột bị chết ngộp trong hang nên mùi hôi thối nồng nặc.
Tiếp xúc với chúng tôi, ông Giỏi (một trong các chủ trại nuôi chuột) tâm sự: “Việc tui nuôi chuột không đăng ký là sai nhưng từ đó tới nay chưa ngành chức năng nào lập biên bản xử phạt hay hướng dẫn nên xây lại chuồng trại ra sao, hay làm thế nào cho đúng pháp luật. Đùng một cái chính quyền cho tiêu hủy gấp là gây thiệt hại nặng nề cho tụi tui. Nếu lực lượng cưỡng chế lên kế hoạch và bàn bạc với tụi tui chọn cách tiêu diệt chuột thì sẽ hạn chế thấp nhất mức ô nhiễm môi trường như hiện nay…”.
Thu gom chuột chết trong trang trại của ông Giỏi.
Cũng theo ông Giỏi, có rất nhiều người ở An Giang hùn vốn vào nuôi chuột. Chuột con trước đây ông thu gom lại từ người săn bắt chuột và mua chuột sống ở chợ chuột xã Phù Dật, huyện Châu Phú với kinh phí thu gom 3 tấn khoảng 110 triệu đồng. Tiền đầu tư xây trang trại khoảng 180 triệu đồng, tiền thức ăn khoảng hơn 1 triệu đồng/ngày. Trong trang trại nuôi chuột rộng 1ha, nhóm ông Giỏi đào mương thả nuôi hàng trăm kg các loại và lên liếp trồng cây xoài… Do các cơ quan chức năng phun nước ngập cho chuột chết khiến cá, cây trong trang trại cũng chết theo do ngập úng.
Ông Giỏi cho rằng hiện nay ở An Giang có rất nhiều người thu gom chuột đồng với giá 25.000 đồng/kg. Số chuột các lái thu gom này được đưa về chợ chuột Phù Dật là chợ chuột lớn nhất miền Tây có thể tiêu thụ 3-10 tấn chuột/ngày. Thậm chí nhiều lái chuột còn tranh giành thu mua chuột ở bên Campuchia chở về An Giang tiêu thụ. Vì thế nhóm ông Giỏi khá lạc quan khi đầu ra của chuột khá ổn định nhưng tâm nguyện lớn nhất của nhóm là nếu trang trại chuột có lợi nhuận có thể triển khai mô hình này cho người dân làm theo, góp phần tăng thu nhập kinh tế và ngăn chuột phá lúa…
Theo báo cáo của địa phương, tới ngày 22.7 mới tiêu hủy được trên 1 tấn chuột. Còn nhóm ông Giỏi vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin nào của huyện hay tỉnh về việc hỗ trợ hay tiêu diệt chuột.
Trao đổi với NTNN, TS Ngô Tiến Dũng - Phó Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NNPTNT) cho biết, việc quản lý chuột gây hại mùa màng thực hiện theo Chỉ thị số 09 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách diệt trừ chuột bảo vệ mùa màng và Pháp lệnh Bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, việc quản lý chuột nuôi và những quy định về nuôi chuột thì lại chưa có những văn bản pháp luật quy định cụ thể.
Về nguyên tắc, khi nuôi các loài dịch hại như chuột thì cần thiết phải báo với cơ quan chuyên môn. Nếu đảm bảo các quy định về an toàn đối với sản xuất, môi trường, sức khỏe con người… thì hoàn toàn có thể được cơ quan chuyên môn cấp phép cho nuôi.
Theo ông Dũng, các cơ quan chuyên môn ở các địa phương cần tham mưu cho chính quyền để ban hành các văn bản cụ thể hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sản xuất, không để xảy ra tình trạng “nước đến chân mới nhảy” rồi cưỡng chế này nọ. Như thế, rất khó cho người dân hoặc doanh nghiệp muốn chăn nuôi.
Cửu Long - Hữu Thông
theo Dân Việt