Sự kiện hot
10 năm trước

“Đặc sản” thịt chó và những hệ lụy với cộng đồng

(ĐS&TD) - Số liệu cho thấy Việt Nam là một trong những nước tiêu thụ thịt chó nhiều nhất thế giới. Các quốc gia trên thế giới đã và đang kịch liệt lên án việc giết và ăn thịt chó tại nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam.



Việt Nam tiêu thụ 5 triệu con chó/năm

Theo số liệu vào đầu năm của Liên minh Bảo vệ Chó châu Á (ACPA), hàng năm ước tính có khoảng 5 triệu con chó bị giết để phục vụ nhu cầu tiêu thụ thịt tại Việt Nam. Đây chỉ là số liệu thống kê của một tổ chức nước ngoài, có thể lượng chó tiêu thụ tại nước ta còn cao hơn con số này rất nhiều.

Ghi nhận của phóng viên, ở TP.HCM các quán thịt chó tập trung nhiều nhất tại đường Bắc Hải (Q.10), đường Hoàng Hoa Thám, Bạch Đằng, Chấn Hưng (Q.Tân Bình), đường Đỗ Năng Tế (Q.Bình Tân), đường Cống Quỳnh (Q.1)... Các quán này mỗi ngày có thể bán được trên 40 - 50 kg thịt chó. Như vậy, nguồn cung và tiêu thụ món hàng này tại TP.HCM là rất lớn.

Trong khi đó, thịt chó sống được bày bán trên nhiều tuyến phố. Lân la hỏi giá tại một “sạp” bán thịt chó trên đường Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình) người bán hàng cho biết, thịt chó sống có giá 90.000 đồng/kg, mua nhiều sẽ giảm. Khi được hỏi thịt chó này có nguồn gốc từ đâu, người bán lại bắt đầu lảng tránh và gằn giọng: “Quan tâm thịt chó từ đâu ra làm gì, ăn ngon là được rồi”.


Thịt chó được bán tràn lan trên đường phố Sài Gòn mà không có biện pháp che đậy, bảo đảm VSATTP

Tất cả các con chó tại đây đều đã được giết mổ, làm sạch lông và bày bán công khai trên lề đường mà không có bất kỳ loại giấy chứng nhận kiểm dịch hay biện pháp che đậy. Theo tìm hiểu của PV Báo ĐS&TD, thịt chó tại những “sạp” trên đường Phạm Văn Hai chủ yếu được bán cho người dân trong khu vực do các hàng quán thường mua chó trực tiếp từ các lò mổ “chui”.

Về phía người tiêu dùng, một bộ phận trước đây thích ăn thịt chó nay đã thay đổi sở thích khi thấy được tác động của việc ăn thịt chó đến xã hội, nhất là những vụ án kẻ trộm chó sử dụng súng bắn điện, dụng cụ bắt chó để ngăn cản người dân, gây thương tích nặng, thậm chí mất mạng. Ngược lại, người dân khi bắt được kẻ gian đã đốt xe, đánh chết kẻ trộm chó gây “bão” dư luận trong một thời gian dài nên họ ăn thịt chó cũng “dè chừng” hơn.

Nhiều người khác, họ vẫn coi thịt chó là món “khoái khẩu”, anh Hải (31 tuổi, ngụ tại Q.Tân Phú) tại một quán thịt chó tại đường Bắc Hải, anh thẳng thắn chia sẻ: “Nhà tôi ăn thịt chó rất thường xuyên, nhất là khi gặp xui xẻo do thấy bảo ăn thịt chó sẽ “xả xui”. Hầu như các đám tiệc lớn, gia đình tôi đều có món thịt chó”.

Anh Hải cũng cho biết, các món ăn được chế biến từ thịt chó thường nhiều đạm và hương vị khác hẳn các loại thịt khác nên dù báo chí đã nhiều lần đề cập về thực trạng trộm chó cũng như vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm không được bảo đảm, gia đình anh vẫn không bỏ được thói quen sử dụng món ăn này.

Báo nước ngoài bàn chuyện ăn thịt chó ở Việt Nam

Theo thống kê của tờ Daily Mail (Anh), hiện chỉ còn 11 quốc gia và khu vực tiêu thụ thịt chó trên toàn thế giới bao gồm Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Mexico, Philippines, Polynesia, Việt Nam, Bắc cực, Nam cực và 2 bang của Thụy Sĩ. Thống kê này cũng cho biết, một năm, người Việt Nam tiêu thụ khoảng 5 triệu con chó.

Chó không chỉ được xem là loài vật được nuôi trong nhà mà còn là một thành viên trong gia đình tại các nước phương Tây. Vì vậy, hành động ăn thịt chó từ lâu đã bị cộng đồng Quốc tế lên án rất gay gắt.

Ông Simon Parry, một người nước ngoài chia sẻ những trải nghiệm kinh khủng mà ông gặp phải trong thời gian lưu trú tại Việt Nam với báo Daily Mail (Anh): “Tôi chưa bao giờ thấy ai giết hại chó trước mặt mình. Trong thời gian tại Việt Nam, tôi đã chứng kiến cảnh tượng man rợ đó khi tiếp xúc một đầu nậu bán chó. Người bán thịt chó đó đã làm thịt 2 con vật nuôi đang hoảng sợ và nhúng vào nước sôi khi chúng vẫn còn sống. Thật kinh khủng khi bọn đầu nậu bất chấp tất cả giết hại cả bạn tốt nhất của con người.


Một số hình ảnh trên tờ báo Daily Mail (Anh) lên án việc giết mổ chó tại Việt Nam

Tôi chắc rằng rất nhiều người Việt Nam chưa bao giờ thấy những cảnh tượng ghê rợn và độc ác khi người ta làm thịt chó. Họ chỉ vào quán ăn - nơi mà thịt chó đã là thành phẩm. Nếu người Việt Nam có thể thấy những điều này, tôi tin rằng rất nhiều người trong số họ sẽ dừng ngay việc tiêu thụ thịt chó.

Những con chó còn lại trong lồng cũng cảm nhận được những chuyện đang xảy ra và rõ ràng là chúng rất kinh sợ. Hoàn toàn không có nhân tính và tình cảm trong bộ phận những người đàn ông làm công việc này”.

Bài viết của Simon Parry ngày 30/10 vừa qua chỉ trong tuần đầu đã có hơn 10.000 lượt chia sẻ ở các trang mạng xã hội và 3.000 bình luận trên tờ báo điện tử uy tín của Anh. Đa phần những bình luận đều tỏ ra bất bình và ghê sợ với những hình ảnh được cây bút này đăng tải. Một số người quá khích còn kêu gọi tẩy chay du lịch Việt Nam.

Đây chỉ là một trong rất nhiều bài viết bàn về thực trạng ăn và giết chó tại Việt Nam được đăng tải trên truyền thông nước ngoài. Rõ ràng, việc một bộ phận người dân ăn thịt chó đã ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh Việt Nam trong mắt du khách quốc tế.

Trên thực tế ở Việt Nam trong thời gian qua, hàng loạt các vụ án mạng, gây thương tích đau lòng đã xảy ra liên quan đến việc ăn trộm chó. Nhiều người ăn thịt chó khiến món ăn này trở nên đắt đỏ, giá cả lên cao… cũng chính vì vậy mà tình trạng nhập lậu chó từ các nước khác không rõ nguồn gốc; tình trạng ăn trộm chó để bán cho các nơi giết mổ ngày càng gia tăng, bất chấp tính mạng của con người… Từ những vụ việc và hệ lụy đã xảy ra, có lẽ đã đến lúc người tiêu dùng cần có cách nhìn khách quan và thay đổi sở thích khi món “đặc sản cầy tơ” đang gây ra những hệ lụy không tốt đối với cộng đồng.

Quân Vũ

Từ khóa: