Nhấn mạnh việc cần thiết ban hành Luật Giá, song nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng phải làm rõ thêm yếu tố cấu thành giá một số mặt hàng thiết yếu, đồng thời bổ sung quy chế kiểm tra định kỳ các mặt hàng xăng, dầu, điện.
Nhấn mạnh việc cần thiết ban hành Luật Giá, song nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng phải làm rõ thêm yếu tố cấu thành giá một số mặt hàng thiết yếu, đồng thời bổ sung quy chế kiểm tra định kỳ các mặt hàng xăng, dầu, điện.
Tuần sau, Bộ Tài chính sẽ công khai kết quả thanh tra giá xăng dầu. Ảnh minh họa.
Phiên họp sáng nay, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giá. Đa số các đại biểu cho rằng các điều khoản của Luật cần nhấn mạnh vai trò điều tiết giá cả của cơ quan quản lý Nhà nước. Đồng thời, Chính phủ cần thiết thành lập quỹ bình ổn giá đối với nhiều mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, điện... nhằm kéo giãn khoảng cách giữa các đợt tăng giá.
Đại biểu Nguyễn Thanh Phương, đoàn Cần Thơ cho rằng hiện nay ở nhiều nhóm mặt hàng, sức cạnh tranh chưa tốt. Vì vậy, Luật Giá vẫn cần thể hiện được vai trò điều tiết của Nhà nước trên một số lĩnh vực, tạo khuôn khổ cho thị trường.
Thời gian qua, để ổn định giá mặt hàng xăng dầu, Liên bộ Tài chính đã sử dụng các công cụ như thuế, phí, quỹ bình ổn để điều tiết. Mục đích của quỹ bình ổn là nhằm kéo giãn khoảng cách giữa các lần tăng giá bán lẻ xăng dầu. Tuy nhiên, việc trích và lập loại quỹ này đang tồn tại nhiều tranh cãi, trong đó, người tiêu dùng không khỏi hoài nghi về tính minh bạch và công khai.
Đại biểu Phương cho rằng việc bình ổn giá với bất cứ mặt hàng nào đều cần thiết nó có tác dụng làm giảm tiêu cực đến đời sống của một nhóm đối tượng dân cư. Tuy nhiên, Luật Giá cần phải làm rõ thế nào là yếu tố bất thường, đồng thời có sự đánh giá rút kinh nghiệm khi quỹ ban hành nhưng lại chưa mang lại kết quả như mong muốn.
Đại biểu Phương dẫn chứng tại một số địa phương, Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp bán hàng bình ổn giá. Tuy nhiên, chính sách này chưa được thực hiện triệt để, có nơi được hỗ trợ, có nơi không. Do vậy, đại biểu này đề xuất quỹ bình ổn này cần phải hướng tới số đông người dân được thụ hưởng giá và có sự kiểm soát giá cả hàng hóa ở các địa phương.
Ông Trần Quốc Tuấn, đại biểu đoàn Trà Vinh cũng cho rằng việc bình ổn giá thị trường nếu thực hiện tốt sẽ đảm bảo cân đối cung cầu hàng hòa, tránh sự khan hiếm giả tạo. Luật Giá đã đề cập đến vấn đề này nhưng cần cụ thể hơn và quy định chi tiết mặt hàng nào cần bình ổn, mặt hàng nào Nhà nước cần can thiệp.
Ông Tuấn nêu thực tế thời gian qua, hiện tượng doanh nghiệp nhập khẩu muối công nghiệp về hô biến thành muối ăn để bán ra thị trường kiếm lời. Bên cạnh đó, các hoạt động nhập khẩu đường, sữa, sắt thép... cũng xuất hiện tình trạng gian lận do cơ quan chức năng chưa làm tốt công tác bình ổn giá, kiểm soát nhập khẩu.
Đại biểu Thân Đức Nam cũng bổ sung thời gian qua, việc quản lý giá nhiều mặt hàng còn lúng túng, chưa làm tốt công tác bình ổn. Bên cạnh đó, việc kiểm soát hàng xuất nhập khẩu vẫn còn thể hiện sự lúng túng. Kênh phân phối vòng vèo, khiến giá cả hàng hóa phải qua nhiều khâu trung gian và bị đội lên cao, gây thiệt hại cho sản xuất tiêu dùng. Ông ví dụ, đối với mặt hàng thịt lợn, có nơi chênh giá tới 40.000 đồng một kg nên ảnh hưởng đáng kể đến đại bộ phận người tiêu dùng. "Vì vậy, dự án Luật quy định những nội dung cụ thể đối với bình ổn giá trên thị trường", ông Nam đề xuất.
Đồng tình quan điểm này, đại biểu Trần Du Lịch, đoàn TP HCM cho rằng giá cả thị trường chịu 3 tác động từ sự đầu cơ, can thiệp không phù hợp của Nhà nước trong một số trường hợp, phân phối tắc nghẽn.
Do vậy, để dự án Luật đi vào cuộc sống cần làm rõ vai trò của cơ quan quản lý giá của Nhà nước, khi nào cần can thiệp và can thiệp bằng cách nào để chống sự độc quyền, đầu cơ, cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, các nhà sản xuất nước ngoài, làm giá thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu như thuốc chữa bệnh, sữa…
Tại buổi thảo luận, nhiều đại biểu cũng cho rằng dự án Luật Giá cần thể hiện được tính minh bạch trong điều hành, kinh doanh một số mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, than điện, vé máy bay hay một số loại phí khác mà Nhà nước vẫn giữ vai trò quản lý. Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm quy chế kiểm tra định kỳ đối với những mặt hàng thiết yếu kể trên.
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Đoàn Sóc Trăng kiến nghị: Nhằm phát huy chính sách bình ổn giá của Chính phủ, các địa phương cần tăng cường kiểm tra sự niêm yết giá tại các siêu thị, và thường xuyên kiểm tra việc nộp thuế của doanh nghiệp.
Hồng Anh
Theo VnExpress