Hàng loạt tên tuổi lớn đã rút lui, bán tháo cổ phiếu để tháo chạy khỏi các dự án BĐS đang chết dí không biết đến bao giờ mới hồi phục.
Hàng loạt tên tuổi lớn đã rút lui, bán tháo cổ phiếu để tháo chạy khỏi các dự án BĐS đang chết dí không biết đến bao giờ mới hồi phục.
Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) vừa đăng tải trên website “thư mời quan tâm” về việc tái cấu trúc vốn đầu tư tại Công ty liên doanh TNHH phát triển đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC). Theo đó, Vinaconex sẽ chuyển nhượng phần vốn góp tại An Khánh JVC (liên doanh giữa Vinaconex và Posco E&C - Hàn Quốc) cho các tổ chức kinh tế trong nước hoặc các tổ chức kinh tế nước ngoài đăng ký hoạt động ở Việt Nam.
An Khánh JVC được thành lập ngày 8/12/2006 để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới Bắc An Khánh - Splendora tại Hà Nội. Dự án có tổng vốn đầu tư 2,57 tỷ USD, tổng diện tích 245 ha, được chia thành 5 giai đoạn từ tháng 3/2008 đến tháng 12/2018.
Trước đó, Vinaconex cũng đã tiến hành thoái vốn thành công 25% cổ phần (3,75 triệu cổ phiếu) tại Vinaconex Hoàng Thành - đơn vị tham gia xây dựng dự án ParkCity. Dự án này có quy mô 77ha ở quận Hà Đông do Công ty Cổ phần Phát triển đô thị quốc tế Việt Nam (VIDC - liên doanh giữa Perdana ParkCity (S) Pte (Singapore) và Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển đô thị Vinaconex - Hoàng Thành) làm chủ đầu tư. Dự án đã được chính thức khởi công từ tháng 3/2010 với tổng mức đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng, dự kiến triển khai trong vòng 10 năm.
Theo lý giải của Vinaconex, việc chuyển nhượng phần vốn góp tại các dự án trên là chủ trương đã được đại hội đồng cổ đông thường niên 2011 của tổng công ty phê duyệt với mục tiêu trong giai đoạn 2012-2016: tiếp tục thực hiện nhanh, mạnh mẽ chiến lược tái cơ cấu hoạt động sản xuất - kinh doanh đi đôi với tái cấu trúc các đơn vị thành viên, tái cấu trúc danh mục đầu tư... tập trung vào các hoạt động cốt lõi là xây dựng và kinh doanh bất động sản theo hướng hiệu quả.
Một “ông lớn” khác trong ngành bất động sản là quỹ đầu tư VinaCapital cũng đã bán toàn bộ 50,1% cổ phần của mình trong dự án cao ốc A&B tại (Tp.HCM), bán 70% cổ phần của mình tại khách sạn 5 sao Hilton Hà Nội Opera.
Nguyên nhân là thị trường văn phòng cho thuê đang chững lại và đây cũng là dịp quỹ này chuyển vốn đầu tư của mình sang các lĩnh vực khác của thị trường. VinaLand (do VinaCapital quản lý) cũng đã rút vốn khỏi dự án nhà ở quốc tế tại quận 9, Tp.HCM, sau khi bán 85% vốn trong khu Mandarin Garden tại Hà Nội cuối năm ngoái.
Ông Don Lâm, Tổng giám đốc VinaCapital cho biết, đơn vị này đã thoái vốn hoàn toàn khỏi 10 dự án và có 1 dự án thoái vốn một phần trên tổng số 36 dự án. Trong đó, nhà ở gắn liền với sân vườn chiếm 80% danh mục đầu tư. Với lĩnh vực bất động sản, trong vòng 3 năm tới, VinaCapital không đầu tư mới, chỉ tập trung giải phóng các "giá trị tiềm ẩn" trong danh mục đầu tư hiện tại thông qua việc thoái vốn và hoàn vốn cho cổ đông.
Đầu tháng 11 vừa qua, cổ đông lớn của Công ty Cổ phần Bất động sản du lịch Ninh Vân Bay (NVT) - Spinnaker GEMF Ltd. đã bán hết 3,15 triệu cổ phiếu NVT, tương đương 5,21%. Sau khi đẩy đi lượng chứng khoán này, Spinnaker GEMF Ltd. không còn là cổ đông lớn của NVT và cũng không còn nắm giữ cổ phiếu này.
Trong khi đó, Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà cũng có kế hoạch thoái vốn tại một số dự án bất động sản, nhằm tập trung cho việc đầu tư vào thị trường bán lẻ.
Hiện Sơn Hà đang thực hiện một số dự án bất động sản ở Hà Nội gồm: khu đô thị Kiến Hưng - Hà Đông, Paradise Garden, dự án phía Tây Hồ Tây, cao ốc văn phòng Huỳnh Thúc Kháng, cao ốc văn phòng Sông Hồng, khu dân cư Kim Giang...
Một số “đại gia” khác như Tổng công ty Cổ phần Tài chính Dầu khí (PVFC) cũng đã quyết định thoái dần vốn, trong đó chuyển nhượng 10% vốn đang sở hữu tại Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng và đô thị Dầu khí cho đơn vị khác.
Ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Bất động sản SohoVietnam nhận định, việc có nhiều doanh nghiệp thoái vốn khỏi bất động sản cũng là cơ hội tái cơ cấu lại thị trường bất động sản, giúp cho những nhà đầu tư có tiềm lực tiếp cận và phát triển dự án một cách chuyên nghiệp, hạn chế bớt sự đầu tư dàn trải trong lĩnh vực bất động sản. Bởi nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều doanh nghiệp phải thoái vốn khỏi các dự án là do khó khăn về tài chính. Họ cần cơ cấu lại để tập trung vào mảng kinh doanh chính và phải bán bớt tài sản của mình, trong đó có bất động sản.
Ngoài ra cũng có công ty bất động sản sở hữu nhiều dự án, phải cơ cấu bớt danh mục đầu tư. Lúc này, chuyển nhượng thành công sẽ giải quyết được khó khăn trước mắt, tạo dòng tiền để duy trì hoạt động cũng như phát triển kinh doanh sau này. Tuy nhiên, chỉ những dự án vị trí đẹp, pháp lý đầy đủ, đã giải phóng mặt bằng, đã hoặc đang trong quá trình xây dựng mới chuyển nhượng được.
Theo TBKT