Sự kiện hot
13 năm trước

Dân không nộp thuế để xây nơi tổ chức cưới!

"Đúng là việc tăng thu nhập cho cán bộ nhân viên là nhu cầu có thật. Tuy nhiên các công trình văn hóa này đều được xây dựng với mục tiêu cơ bản là phục vụ công chúng. Việc đưa các hoạt động không liên quan tới văn hóa vào đây là khó có thể biện minh".

"Đúng là việc tăng thu nhập cho cán bộ nhân viên là nhu cầu có thật. Tuy nhiên các công trình văn hóa này đều được xây dựng với mục tiêu cơ bản là phục vụ công chúng. Việc đưa các hoạt động không liên quan tới văn hóa vào đây là khó có thể biện minh".

Tiếp tục loạt bài mổ xẻ thực trạng các công trình văn hóa hiện nay ở Hà Nội được sử dụng vào các mục đích thương mại, Phóng viên đã có cuộc trao đổi với anh Nguyễn Đình Thành, Thạc sĩ ngành Quản trị văn hóa, Đại học Paris 9 (Pháp).


Dịch giả Nguyễn Đình Thành từng học Thạc sĩ về Quản trị văn hóa tại ĐH Paris 9.

- Anh có biết đến hiện tượng các nhà hát, khuôn viên trường ĐH ở HN biến thành nơi tổ chức đám cưới hay không? Cá nhân anh nghĩ gì về hiện trạng này?

- Tôi có chứng kiến việc này một vài lần và cảm giác là thấy rất tiếc. Tiếc vì những không gian công cộng ấy có thể được sử dụng tốt hơn, có ích hơn với xã hội và với chính các cán bộ nhân viên ở đó. Tiếc vì một sự sử dụng như vậy là lãng phí tiền đầu tư của nhà nước và gián tiếp qua đó là tiền của chính những người đóng thuế như chúng ta.

Có những nơi đáng lẽ phải là nơi tụ họp của thanh thiếu niên, sinh hoạt văn hóa và thể thao thì lại trở thành nơi tổ chức tiệc cưới, triển lãm thương mại. Nhiều bạn trẻ muốn đến tập nhảy nhưng cứ bật đài lên thì bị đuổi và phải tìm đến những chỗ khác vốn chẳng phải nơi thuận tiện cho việc tập luyện.

- Cảm giác của anh thế nào khi đi xem 1 cuộc triển lãm mà lại bị lạc vào không gian ồn ào của một đám cưới vốn không liên quan?

- Đầu tiên là ngạc nhiên, khó chịu rồi ngán ngẩm và thở dài bất lực.

- Anh có cho rằng chúng ta đang gặp vấn đề trong việc quản lý các địa chỉ văn hóa không khi những công trình được nhà nước đầu tư lên đến hàng chục tỉ đồng bằng số tiền đóng thuế của dân lại đang được khai thác vào các mục đích thương mại, không liên quan gì đến văn hóa?

- Dùng chữ "các" có nghĩa là tất cả. Không phải tất cả các công trình văn hóa đều đang được quản lý không tốt, chữ "nhiều" có lẽ chính xác hơn. Việc quy hoạch các nhà hát, rạp chiếu bóng cần được tính toán chặt chẽ hơn. Chỉ quanh quanh đường Bà Triệu - Hàng Bài đã có đến 4 cái rạp chiếu bóng.

Các trung tâm triển lãm nghệ thuật cũng đều tập trung về quận trung tâm trong khi các quận khác lại thiếu. Nhà văn hóa quận huyện cũng chưa được khai thác tốt. Gần nhà tôi không có một công viên không lớn nhưng là nơi vui chơi và giải trí cho người dân xung quanh, nay mọc lên một cái nhà văn hóa to, chắc là tốn kém tiền nhiều lắm, nhưng đến nay hoạt động tiêu biểu nhất của nó là cho thuê đám cưới và trông xe.

Các công trình văn hóa được xây dựng, tu sửa bằng tiền của nhà nước thì mục tiêu hàng đầu của nó phải là để phục vụ người dân theo đúng mục đích xây dựng của nó hoặc nói đúng hơn là phải cung cấp dịch vụ và sản phẩm văn hóa cho người dân. Một Trung tâm văn hóa mà không có thư viện và phòng chiếu phim, dù nhỏ dù to, thì không phải là một trung tâm văn hóa theo đúng nghĩa của nó.

- Đại diện một nhà hát có tổ chức đám cưới cho rằng họ không muốn để nhà hát trống và tận dụng để cho thuê, nhằm trang trải chi phí cho rạp hàng tháng và tăng thêm thu nhập cho cán bộ nhân viên, theo anh thì lý do này có thuyết phục không?

- Đúng là việc tăng thu nhập cho cán bộ nhân viên là nhu cầu có thật. Tuy nhiên các công trình văn hóa này đều được xây dựng với mục tiêu cơ bản là phục vụ công chúng. Việc đưa các hoạt động không liên quan tới văn hóa vào đây là khó có thể biện minh. Nếu vị quản lý nào cũng làm như vậy thì chẳng mấy chốc các trường học, bệnh viện, công sở, thư viện, bảo tàng cũng sẽ cho thuê mặt bằng làm cửa hàng, quán cà phê, điểm trông giữ xe, cho thuê hội trường làm đám cưới...

Trong khi nguồn tiền ấy có được sử dụng để nâng cao đời sống nhân viên hay không, có được tái đầu tư vào cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ hay dịch vụ bổ trợ cho công chúng hay không vẫn là một điều khó thể đánh giá hiệu quả được. Rạp chiếu phim, nhà hát có thể được cho thuê làm triển lãm nghệ thuật, tọa đàm, hội nghị, hội thảo, show biểu diễn nghệ thuật nhưng khó có thể là nơi tổ chức đám cưới được. Đành rằng là có lợi trước mắt nhưng cái mất lâu dài là hình ảnh của chính đơn vị văn hóa ấy. Công chúng khó có thể liên hệ giữa nơi tổ chức đám cưới với rạp chiếu phim được.

- Anh có nhìn thấy hiện tượng này ở những quốc gia anh đã đi qua không? đặc biệt là Pháp? ở đó những nhà hát hay công trình văn hóa có được trưng dụng vào các mục đích thương mại không? và họ có cơ chế quản lý các nhà hát thế nào?

- Khó có thể so sánh giữa đặc thù của ta và của nước ngoài nhưng chắc chắn việc đưa các công trình văn hóa vào kinh doanh sai mục đích là điều không được cho phép. Một trung tâm văn hóa có thể có một quán cà phê, quầy bán đồ lưu niệm nhưng khó có thể được cho thuê để làm một việc khác. Nhà hát có thể nâng cao thu nhập bằng cách thu hút nhiều người xem đến với nhà hát mình thông qua việc xen kẽ những chương trình nghệ thuật chất lượng cao, kén người xem với các chương trình có tính thương mại cao, nhiều người xem.

Nhà nước cũng hỗ trợ các rạp chiếu phim tăng cường chiếu phim nội và bù lỗ cho các suất chiếu ấy. Đổi lại, phim nội sẽ đến được với nhiều người xem hơn và đó cũng là cách lấy lại thị phần từ phim nước ngoài. Các bảo tàng cũng tăng thu nhập bằng cách tổ chức những chương trình tham quan đặc biệt dành cho các doanh nghiệp, đầu tư phát triển các sản phẩm lưu niệm và đặc sản địa phương. Dù làm gì thì nguyên tắc phục vụ lợi ích công cộng theo đặc thù của đơn vị mình vẫn được đặt lên trên hết.


Dịch vụ cho thuê đám cưới tại ĐH Mỹ thuật. Ảnh: Nguyễn Hoàng

- Dưới góc độ của một người nghiên cứu về văn hóa, của một người học ngành quản trị văn hóa, theo anh phải quy hoạch lại mục đích sử dụng các công trình văn hóa thế nào cho đúng?

- Câu hỏi này quá rộng và cần sự tham gia của các nhà quản lý văn hóa, quy hoạch đô thị, các nhà xã hội học và cả chính quyền địa phương. Cá nhân tôi cho rằng các công trình văn hóa phải được sử dụng đúng mục đích vì mục đích sử dụng của công trình ấy cũng chính là nhiệm vụ của họ.

Như tôi đã từng nói: Sự phát triển của một quốc gia không phải được đo bằng số lượng xe hơi cao cấp nhập khẩu mà là chất lượng cuộc sống trong đó có chỉ số số lượng các bảo tàng, các trung tâm văn hóa, nghệ thuật. Cần có chính sách đưa các nhà văn hóa quận huyện thành các trung tâm văn hóa thực sự. Là nơi tổ chức các triển lãm hội họa, nhiếp ảnh, sắp đặt, các dự án nghệ thuật cộng đồng, các buổi tọa đàm, hội thảo, các lớp năng khiếu, khiêu vũ, nhảy hip hop, chiếu phim, thư viện... với chi phí thấp. Các hoạt động về nội dung ấy bắt buộc phải đi kèm những nỗ lực về truyền thông để thay đổi hành vi của công chúng.

Tôi cũng từng đề cập tới việc cần xây dựng những tổ hợp văn hóa lớn nơi công chúng có thể đến học tập, đọc sách, thưởng thức nghệ thuật, ăn uống tại chỗ cả ngày mà không phải ra ngoài khuôn viên tổ hợp. Thử tưởng tượng ta có một trung tâm nghệ thuật đương đại Việt Nam bao gồm không gian triển lãm, thư viện, cà phê, quầy lưu niệm đầy đủ. Đó sẽ là nơi thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, tăng cường giáo dục thưởng thức nghệ thuật cho công chúng và lưu giữ những niềm tự hào của nghệ thuật đương đại Việt Nam.

Bảo tàng dân tộc học Việt Nam, theo tôi, là nơi thành công trong việc phát triển hoạt động theo hướng này. Nếu thay đổi trong việc sử dụng không gian công cộng, Cung văn hóa hữu nghị Hà Nội sẽ là nơi hàng tối mùa hè có cả nghìn thanh niên, sinh viên tới ca hát, nhảy hip hop, tập contact juggling, trượt ván, bên trong sẽ là những triển lãm của các nghệ sỹ trong và ngoài nước, thư viện sẽ sáng đèn đến 9h tối và Hà Nội sẽ thêm một điểm đến thú vị cho du khách trong, ngoài nước, một không gian giải trí mới cho người dân.


Rạp Tháng 8 mở quán bar. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Hạnh Phương
Theo Vietnamnet

Từ khóa: