Không còn chốn dung thân là câu cửa miệng của dân nghèo trong vùng quy hoạch treo mấy chục năm nay ở quận Gò Vấp (TP.HCM), khi chính quyền ra thông báo tháo dỡ nhà ở Ấp Doi.
Không còn chốn dung thân là câu cửa miệng của dân nghèo trong vùng quy hoạch treo mấy chục năm nay ở quận Gò Vấp (TP.HCM), khi chính quyền ra thông báo tháo dỡ nhà ở Ấp Doi.
Cuộc sống khó khăn, ông Hồ Văn Xoài thuê đất ao hồ của bà Huỳnh Thị Đường ở Ấp Doi (khu phố 8, phường 15, quận Gò Vấp, TP.HCM) để thả cá, phục vụ nhu cầu câu giải trí của người dân trong vùng, nhưng thường xuyên bị chính quyền địa phương làm khó dễ.
|
Ông Xoài có giấy phép đăng ký kinh doanh nhưng thường xuyên bị chính quyền làm khó dễ.
|
Gặp phóng viên vào chiều ngày 16/6, người đàn ông 39 tuổi bức xúc nói rằng, tháng 9/2011, ông được Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoạt động câu cá giải trí tại khu đất có địa chỉ 28/135E, đường Thống Nhất, phường 15, quận Gò Vấp.
Dù được cơ quan chức năng tạo điều kiện làm ăn, nhưng có thể ông Xoài không còn chốn dung thân bởi chính quyền địa phương buộc phải tháo dỡ những chòi lá che nắng, che mưa cho khách đến câu cá giải trí.
|
Lực lượng chức năng của phường tháo dỡ chòi lá của ông Xoài.
|
“Trước đây bà Đường dựng cột bêtông che chòi lá kinh doanh trên 2 năm nhưng không ai nói gì. Đến tôi thuê đất của bà Đường, thực hiện tốt nghĩa vụ thuế cũng như công tác an sinh xã hội tại địa phương nhưng lại thường xuyên bị chính quyền làm khó dễ thì thử hỏi nhà báo làm sao dân nghèo tụi tôi còn chốn dung thân”, ông Xoài bức xúc.
Bức xúc của người dân như được nhân lên gấp bội vì trong khi thông báo cưỡng chế những căn nhà nhỏ để người dân trú nắng, trú mưa được triển khai rầm rộ, thì tại Ấp Doi có dãy nhà trọ đang được xây dựng nhưng không bị cưỡng chế. Một người dân bức xúc nói rằng phải chăng dãy nhà trọ này của người làm việc ở phường đội nên chính quyền địa phương bỏ qua và chỉ “nhắm” vào dân nghèo.
|
Căn chòi bị tháo dỡ.
|
Bà Đinh Thị Tuyết gần 60 tuổi gắn bó với cuộc sống nghèo bằng nghề bán khoai lang luộc, dành dụm được ít tiền mua thửa đất ở Ấp Doi để an cư lạc nghiệp. Trước đây, bà Tuyết ngủ một mình hàng đêm ngoài chợ, sợ trúng gió không ai hay nên bà Tuyết mượn tiền chị em tiểu thương dựng lên căn nhà vách tôn, cột gỗ tạp ở Ấp Doi để trú thân, nhưng bị chính quyền địa phương thông báo cưỡng chế.
Hôm thấy trước nhà có thông báo cưỡng chế, bà Tuyết khóc ròng, năn nỉ ông Nguyễn Thành Phát (Phó Chủ tịch phường 15) cho căn nhà (chòi thì đúng hơn) tồn tại, nhưng vị cán bộ này nhất quyết thành lập đoàn cưỡng chế tháo dỡ nếu bà Tuyết không tự dỡ. Trước thái độ lạnh lùng của chính quyền địa phương, bà Tuyết dỡ nóc nhà nên mấy đêm liền mưa trút nước xối xả, người đàn bà nghèo không có chỗ ngủ bình yên phải ôm mùng chiếu sang hiên nhà hàng xóm nằm co ro trong gió lạnh.
|
Trong khi đó dãy nhà trọ (cạnh cột điện, trên nóc có đống gạch) đang xây ở Ấp Doi thì không bị cưỡng chế.
|
Còn anh Nguyễn Đức Hạnh thì kể rằng, thấy gia đình hàng xóm quá nghèo, không có tiền thuê nhà trọ nên bàn với vợ dựng lên căn nhà nhỏ rộng 24m2 để vợ chồng với con nhỏ của chị Bích Thủy ở tạm trên phần đất trống của gia đình. Thế nhưng khi anh Hạnh bỏ ra 40 triệu xây cất gần xong thì chính quyền địa phương cho người đến đập.
Gần nhà anh Hạnh có bà Lê Thị Hạnh vay tiền của chi hội phụ nữ cất nhà lá nhỏ trong khuôn viên căn nhà hiện hữu để cho con gái ra riêng cũng bị ông Phó Chủ tịch phường yêu cầu tháo dỡ dù bà Hạnh nói rằng khu đất trong Ấp Doi đang vướng vào quy hoạch treo mấy chục năm nay, khi nào Nhà nước thu hồi đất thì bà tháo nhà đã dựng cho con gái mà không yêu cầu bồi thường, nhưng chính quyền không đồng ý.
|
Bà Tuyết khóc ròng vì không có chốn dung thân.
|
“Theo tôi, Nhà nước nên cho người dân Ấp Doi cất nhà tạm vì cuộc sống người dân quá khó khăn, không chốn dung thân. Nếu ai cất thì chính quyền có thể buộc làm cam kết với nội dung sau này thu hồi đất thì không bồi thường. Đây là yêu cầu hợp tình, hợp lý nhưng UBND phường 15 không xem xét nguyện vọng của dân mà cứ thấy ai cất nhà là thông báo đập bỏ, tháo dỡ hết”, ông Trần Thanh Phương, cư dân Ấp Doi cho biết.
Cùng quan điểm này, trong một lần tiếp xúc báo chí, Trần Công Sơn (Tổ trưởng tổ 61, phường 15, quận Gò Vấp) cho biết khi nghe chủ trương của thành phố cho xây nhà đến 5 tầng trên đất quy hoạch treo, ông Sơn đã họp dân, kiến nghị quận có hướng dẫn rõ bằng văn bản, là có cho người dân được cất nhà tạm theo chủ trương trên hay không, nhưng gần 2 tháng vẫn chưa thấy phản hồi.
THU HỒNG
Theo Infonet