Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hà Nội cho biết: “Việc xử lý dịch ở Phượng Dực có chậm trễ là vì chính quyền cũng như thú y địa phương không làm dứt khoát ngay từ đầu, cần rút kinh nghiệm cho lần sau”.
Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hà Nội cho biết: “Việc xử lý dịch ở Phượng Dực có chậm trễ là vì chính quyền cũng như thú y địa phương không làm dứt khoát ngay từ đầu, cần rút kinh nghiệm cho lần sau”.
“Đã rút kinh nghiệm”
Ông Đăng cũng cho hay: Ngay sau khi nhận được các thông tin phản ánh về tình hình dịch và cách thức xử lý dịch của chính quyền địa phương cũng như ngành thú y, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo ông Cấn Xuân Bình – quyền Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội – xuống thị sát tình hình thực tế và xử lý chuyên môn để dập dịch.
“Hiện ổ dịch cúm gia cầm ở Phượng Dực đã được kiểm soát, công tác tiêm phòng với số gia cầm còn lại đang được triển khai. Hiện chưa có ổ dịch mới nào phát sinh”, ông Đăng thông tin.
Vịt chết được người dân xã Phượng Dực (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) thả trôi sông vì không được chính quyền và ngành thú y địa phương hướng dẫn xử lý (Ảnh: Phạm Hải)
Khi được hỏi liệu những động thái này của cơ quan chức năng có là chậm trễ không, khi mà trước đó người dân ở xã Phượng Dực đã tự thả hàng ngàn con vịt chết xuống sông Nhuệ mà chính quyền và ngành thú y địa phương không can thiệp, ông Đăng nói: “Việc xử lý dịch ở Phượng Dực có chậm trễ là vì chính quyền cũng như thú y địa phương không làm dứt khoát ngay từ đầu, cần rút kinh nghiệm cho lần sau”.
Liên quan đến việc chính quyền xã Phượng Dực cũng như người đứng đầu ngành thú y Hà Nội cho rằng người dân “nói linh tinh” về chuyện gia cầm chết hàng loạt, ông Đăng cho biết các cán bộ nói như vậy “là không được”.
“Chi cục Thú y Hà Nội có số điện thoại để người dân gọi đến thông báo gia cầm ốm chết. Dân đã phản ánh thì mình phải tiếp thu, cho người xuống điều tra, lấy mẫu. Có dịch thì phải tổ chức tiêu hủy, hướng dẫn thú y xã tiêu độc, khử trùng. Không thể nói dân nói lung tung được. Có dịch, có gia cầm ốm chết thì dân mới phản ánh, không có sao họ lại gọi điện báo?”, ông Đăng cho hay.
Sau khi gặp và góp ý với ông Cấn Xuân Bình – quyền Chi cục trưởng Chi cục thú y Hà Nội – về vấn đề này, ông Đăng cho biết ông Bình đã nói là “sẽ rút kinh nghiệm”.
Hiện nay, theo ông Đăng, việc quan trọng trong lúc này là cần tuyên truyền mạnh mẽ để người dân nắm được thông tin, phối hợp giải quyết khi có dịch.
Nhấn mạnh vai trò không thể thiếu của ngành thú y nhưng ông Đăng cũng lưu ý vai trò quan trọng của chính quyền các cấp, đặc biệt là chính quyền cấp cơ sở, trong việc phát hiện và xử lý dịch cúm gia cầm H5N1.
“Những người làm chuyên môn thú y cũng phải rút kinh nghiệm nhưng chính quyền địa phương cũng rất quan trọng. Chính quyền không phát hiện, không ra tay sớm và dứt khoát thì rất khó dập dịch, đặc biệt là chính quyền cơ sở”, ông Đăng nói.
Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”
Dịch cúm gia cầm đã khiến hàng ngàn con vịt tại xã Phượng Dực bị chết nhưng để tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”, chi cục thú y Hà Nội vừa nhập 7 triệu liều vắc xin cúm gia cầm để tiến hành tiêm theo phương pháp bao vây cho đàn gia cầm sinh sản.
Chi cục Thú y Hà Nội cũng cấp bổ sung 7.000 lít Haniodin cho các huyện có nguy cơ cao để tiến hành vệ sinh tiêu độc khử trùng. Đến nay, Hà Nội đã tiêm được 60.500 lượt con gia cầm, dự kiến tiêm xong trước ngày 20/3.
Chi cục Thú y Hà Nội yêu cầu trạm thú y các địa phương tổ chức tiêm phòng dứt điểm từng thôn để tránh lãng phí vắc xin.
Các trường hợp thuộc đối tượng tiêm phòng nhưng chủ hộ không tiêm, phải lập bản cam kết nếu tái phát dịch sẽ không được hỗ trợ thiệt hại theo quy định của Nhà nước.
Hà Nội sẽ tiêm vắc-xin cúm gia cầm cho các đàn gia cầm xong trước ngày 20/3 (Ảnh minh họa: HNM)
Trong khi đó, Bộ NN&PTNT vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép xuất cấp không thu tiền vaccine và hóa chất sát trùng dự trữ quốc gia cho các tỉnh để kịp thời triển khai tháng vệ sinh, tiêu độc, tăng cường công tác khử trùng môi trường phòng chống dịch bệnh.
Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), tính đến ngày 6/3, cả nước có 9 tỉnh (Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Trị, Hải Dương, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nam Định và Quảng Ninh) có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày.
Ngọc Anh
Theo Vietnamnet