Cá chết hàng loạt trôi dạt trên bờ. Ảnh: ML
Mùa xả nước thải
Sau trận mưa kéo dài, thủy sản tại nhiều đầm, hồ tại khu Đình Vũ bất ngờ chết la liệt. Biết là cứ sau mưa, kiểu gì DAP cũng “gây chuyện” nên các hộ nuôi trồng thủy sản chẳng ai bảo ai kéo nhau lên trụ sở công ty đòi làm rõ trách nhiệm. Theo người dân: Mọi nguyên cớ gây tôm, cá chết hàng loạt chính bởi nguồn nước từ bãi thải GYP thấm, tràn chảy ra ngoài.
Anh Nguyễn Văn Vương (hộ nuôi trồng thủy sản tại bãi bồi Đình Vũ) cho biết, khoảng 16h chiều 28/7, anh ra đầm định lấy hàng đem bán thì tá hỏa thấy cả lưới cá, tôm chết trắng, nổi trương bụng. Biết lại do DAP “gây chuyện” nên anh Vương tức tốc chạy ra cửa cống hồ điều hòa của DAP thì thấy cả 4 hồ điều hòa đều tràn nước sang đầm của bà con.
Ông Đặng Văn Diệp, một chủ đầm thủy sản, thay mặt bà con nông dân, bức xúc: “Chúng tôi đã phải vay tiền ngân hàng để đầu tư vào đầm, vốn chưa thu được nhưng năm nào đầm cũng bị chất ô nhiễm từ bãi GYP của Công ty CP DAP Đình Vũ chảy ra làm ảnh hưởng đến môi trường, dẫn đến cá tôm chết hàng loạt. Từ đầu năm 2013 đến nay, đây là lần thứ 2, nước từ bãi GYP chảy ra, giết chết cá tôm của chúng tôi...”.
Một vài hộ dân đưa chúng tôi ra hiện trường. Nước lúc này đã bắt đầu rút dần. Xung quanh hồ điều hòa, cỏ cây chết lụi. Anh Phùng Văn Thuy dẫn chúng tôi đi thực tế, nhắc nhở liên tục “ đi cẩn thận, không chẳng may chân chạm nước hồ là chỉ còn xương thôi đấy! Nó là axit chị ạ...”.
Chỉ về hồ nước sạch của DAP, giáp với hồ điều hòa số 1- 2, anh Thuy cho biết: “Đó, chị thấy cá, tôm chết chưa. Đến hồ nước sạch, thủy sản còn chết. Vậy hỏi sao, nước hồ điều hòa tràn sang đầm, thủy sản lại không chết nặng hơn”. Trước mắt chúng tôi, cá tôm chết nổi dạt vào bờ trông xót xa. Được biết, giữa năm 2012, sau một trận mưa kéo dài, nước từ bãi GYP của Công ty CP DAP Đình Vũ đã tràn vào đầm cũng đã làm điêu đứng bà con nông dân. Trận đó lãnh đạo Công ty CP DAP Đình Vũ đã phải “ hỗ trợ thiệt hại” cho bà con hàng chục triệu đồng.
Sẽ khẩn trương triển khai kè bao đê
Đi dọc bờ 4 hồ điều hòa, mới hay cái lý của người làm đầm là đúng. Đê kè chắn giữa các bờ sụt lún mấp mé nước hồ. Có chỗ, bờ bị khoét rãnh to làm nước trong hồ tự thông sang nhau.
Anh Phùng Văn Thuy nói: “Đấy, chị xem. Bờ đê kè thấp thế này thì hỏi sao không tràn. Đã rất nhiều lần chúng tôi kêu về việc ô nhiễm nguồn nước gây chết tôm cá với nhà máy nhưng các bác DAP cứ hứa rồi lại quên. Vụ vừa rồi chúng tôi thả 100 vạn tôm sú, 1.000 cua, giờ chết hết sạch”.
Để chống đỡ với những trận tràn nước từ hồ điều hòa của bãi thải, bà con nông dân nuôi trồng thủy sản đã chủ động vay mượn tiền, đầu tư nâng cao bờ đê đầm. Nhưng việc làm đó chẳng đem lại tác dụng nhiều. Mưa, bão vẫn xảy ra và thiệt hại vẫn tiếp diễn.
Ông Đoàn Văn Vương, một chủ đầm ở Đình Vũ cho biết: Từ trận bão số 2 đầu năm 2013, dân đã thông báo nhưng Công ty không triển khai đắp cao bờ đê hồ. Dân chúng tôi đắp đầm chỉ mất có một tháng là xong, nhưng công ty triển khai quá chậm.
Thừa nhận thiếu sót trong việc chậm triển khai làm đê kè bờ hồ, ông Nguyễn Văn Sinh – Tổng Giám đốc DAP-Vinachem chia sẻ: “Việc nâng cao bờ đê đầm lần này, chắc chắn chúng tôi sẽ báo cáo, đề nghị với cấp trên ưu tiên cho làm sớm. Muộn nhất, trong tháng 8 này DAP sẽ làm xong để bà con yên tâm”.
Ông Nguyễn Văn Phiên - Phó tổng giám đốc Công ty CP DAP Đình Vũ đề nghị bà con tham gia ý kiến vào thiết kế bờ đê hồ. Không chỉ có vậy, ông Phiên đề nghị ông Đoàn Văn Vương - một người cao tuổi, có uy tín nhất trong số bà con liên hệ hộ một đơn vị thi công để xây dựng nâng cao bờ đê hồ chứa nước thải từ bãi GYP. Vào ngày 31/ 7, 21 hộ dân sẽ được nhận hỗ trợ, mỗi hộ 7 triệu đồng từ DAP.
Ông Nguyễn Văn Phiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP DAP Đình Vũ cho biết quy trình nước từ bãi GYP chảy như sau: Khi mưa nhỏ, nước ngấm qua bãi GYP (hơn 1 triệu tấn), chảy ra hồ điều hòa số 1. Từ đây, máy bơm hút nước quay trở lại cung cấp nước cho nhà máy sản xuất DAP. Nhưng cũng có ngày mưa to, mưa kéo dài hoặc bão, nước từ hồ số 1 chảy tràn sang hồ số 2, rồi số 3, số 4, tràn ra sông hoặc đầm của bà con nông dân. Những ngày bão, đê bao hồ vỡ, nước hồ số 1 luôn chảy tràn ra cửa sông.
|
Minh Lý
theo GĐ&XH