Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Đánh đổi lãi suất, tín dụng để 'ghìm cương' tỷ giá?

Không phải ngẫu nhiên, lãi suất liên ngân hàng đột ngột tăng vọt thời gian qua, bất chấp thanh khoản hệ thống tương đối dồi dào và room tín dụng vẫn chưa được nới. Dù Quốc hội yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ tăng trưởng, song áp lực lạm phát, NHNN buộc phải chấp nhận hy sinh lãi suất để ghìm tỷ giá.

“Bóng ma” tỷ giá vẫn là nỗi ám ảnh lớn nhất với chính sách tiền tệ hiện nay, buộc nhà điều hành phải căng sức đối phó. 

Lấy lãi suất ghìm cương tỷ giá

Khoảng một tuần gần đây, lãi suất liên ngân hàng bắt đầu hạ nhiệt. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng hạ tần suất bơm tiền ra thị trường. Có vẻ như, chiêu bài tăng lãi suất để ghìm tỷ giá trước đó của NHNN đã phát huy tác dụng.

Trước đó, cuối tháng 7/2022, NHNN bất ngờ nâng mạnh lãi suất đấu thầu trên thị trường mở, kéo lãi suất trên thị trường liên ngân hàng vọt tăng, có lúc lên tới trên 5%/năm ngay trước thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố tăng lãi suất. Tuy nhiên, cuối tuần qua, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã giảm còn 2,67%/năm. 

Dù vẫn giữ nguyên lãi suất điều hành, song động thái nâng lãi suất trên thị trường mở của NHNN thời gian qua cho thấy, cơ quan này đang “bật đèn xanh” cho mặt bằng lãi suất trên thị trường tăng lên.

Theo các chuyên gia, việc NHNN duy trì lãi suất cho vay liên ngân hàng cao ngay trước thềm Fed tăng lãi suất là nhằm mục đích ghìm cương tỷ giá. Nâng lãi suất sẽ giúp VND hấp dẫn hơn so với USD, từ đó giảm bớt nhu cầu nắm giữ USD của hệ thống ngân hàng, gián tiếp hạ nhiệt tỷ giá.

Lãi suất ngân hàng tăng mạnh thời gian qua để ghìm tỷ giá, ổn định vĩ mô. Ảnh: Đức Thanh
Lãi suất ngân hàng tăng mạnh thời gian qua để ghìm tỷ giá, ổn định vĩ mô. Ảnh: Đức Thanh

Thực tế, sau khi lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh, tỷ giá trung tâm và tỷ giá VND/USD trên thị trường đã hạ nhiệt đáng kể. Trên thị trường tự do, giá bán USD cũng giảm về dưới 24.000 VND/USD sau khi tăng vọt lên trên 24.000 VND/USD giữa tháng 7.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, tỷ giá tăng nóng thời gian qua là do tác động của việc Fed tăng lãi suất. Tỷ giá tăng sẽ có lợi cho xuất khẩu, nhưng ngược lại cũng làm gia tăng nhập khẩu lạm phát. Do đó, NHNN phải nâng lãi suất để ghìm tỷ giá.

“Nếu lãi suất thấp, người dân có thể chuyển sang nắm giữ USD, do đó, NHNN phải duy trì lãi suất VND ở mức hợp lý để đảm bảo sức hấp dẫn của VND”, ông Hiếu lý giải.

Mặc dù Quốc hội yêu cầu NHNN năm nay tiếp tục phải giảm mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ tăng trưởng, song trước áp lực nhập khẩu lạm phát lớn như hiện nay, NHNN buộc phải chấp nhận hy sinh lãi suất để ghìm tỷ giá.

Việc phá giá VND mạnh hơn có thể hỗ trợ xuất khẩu, nhưng do cơ cấu nguyên liệu nhập khẩu trong hàng hóa xuất khẩu rất lớn, vì vậy, tỷ giá tăng chưa chắc đã mang lại lợi ích lớn cho xuất khẩu, trong khi đó có thể gây bất ổn vĩ mô.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh cho hay, chỉ số giá sản xuất ở Việt Nam đã tăng 5-6%, do giá nhập khẩu (chủ yếu nguyên liệu sản xuất) tăng mạnh hơn giá xuất khẩu. Điều này đang gây bất lợi cho nền kinh tế. Đây cũng là lý do khiến NHNN phải nỗ lực bình ổn tỷ giá.

Theo ông Thành, lãi suất luôn là một trong những công cụ góp phần kiềm chế lạm phát, bảo vệ giá trị đồng nội tệ của mọi quốc gia. Mỗi khi lạm phát cao, tỷ giá chịu áp lực, ngân hàng trung ương các nước đều phải nâng lãi suất nội tệ. Tại Việt Nam, NHNN cũng phải điều hành lãi suất tương quan với diễn biến lạm phát, tỷ giá, đảm bảo nguyên tắc giữ tiền đồng có lợi hơn giữ USD.

Việc điều chỉnh lãi suất cho vay liên ngân hàng sẽ giúp VND hấp dẫn hơn so với USD, từ đó giảm bớt nhu cầu nắm giữ USD, gián tiếp ghìm cương tỷ giá. Ảnh: Đức Thanh. Đồ họa: Đan Nguyễn 

Lãi suất, tỷ giá có còn vọt tăng nửa cuối năm?

Tỷ giá đã phần nào hạ nhiệt sau các động thái của NHNN, song theo nhận định của Công ty Chứng khoán SSI, áp lực vẫn tương đối cao khi thị trường chưa xác định được thời điểm và mức độ tăng lãi suất của Fed thời gian tới. Cuối năm nay, lãi suất USD có thể đạt tới 3,5-3,75%/năm, lãi suất VND trên kênh liên ngân hàng dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao hơn nhằm giảm áp lực lên tỷ giá.

Chúng ta đã trải qua giai đoạn lạm phát tăng cao, tỷ giá biến động mạnh, cuộc đua lãi suất, hệ thống tổ chức tín dụng đối mặt với khó khăn về thanh khoản chi trả cho người gửi tiền. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa quên giai đoạn đó. Vì vậy, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối là điều quan trọng, tạo lập sự ổn định vĩ mô để phục hồi nhanh và phát triển bền vững.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng

Ông Trần Ngọc Báu, nhà sáng lập, kiêm giám đốc điều hành WiGroup nhận định, thời gian qua, NHNN đã phải nâng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, chưa nới room tín dụng, bán USD để hút tiền về… Điều đó cho thấy, NHNN đang “đau đầu” và chọn lựa ưu tiên ổn định tỷ giá. Từ tháng 9/2022 trở đi,  áp lực lạm phát sẽ rất cao và NHNN có thể vẫn phải neo lãi suất cao ở thị trường liên ngân hàng để ghìm giữ tỷ giá.

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang ở mức kỷ lục, song theo chuyên gia này, mức dự trữ ngoại hối hiện nay chưa đủ để NHNN duy trì sự độc lập của chính sách tiền tệ, mà vẫn phải phụ thuộc vào động thái của Fed thời gian tới. 

Tuy vậy, ông Báu cho rằng, lãi suất của Fed đạt đỉnh năm 2022, sau đó giảm dần vì lạm phát Mỹ sẽ hạ nhiệt. Do đó, từ cuối quý IV/2022 và sang năm 2023, khi áp lực với tỷ giá giảm dần, NHNN có thể nới lỏng hơn chính sách tiền tệ.

Phát biểu tại Hội nghị gặp gỡ giữa Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đề nghị phá giá VND, song các doanh nghiệp nhập khẩu lại kêu khó nếu VND phá giá. Trên thực tế, có thời điểm trước khi giảm giá VND 9,2%, nhiều doanh nghiệp phải phân bổ điều chỉnh tỷ giá trong nhiều năm. 

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, NHNN đã điều hành khá tốt chính sách tiền tệ từ đầu năm đến nay và nên giữ nguyên chính sách điều hành như hiện tại ít nhất đến hết quý III/2022. Sau 9 tháng, khi bức tranh về tỷ giá, lạm phát, động thái của Fed rõ ràng hơn, NHNN có thể đưa ra quyết sách mới về chính sách tiền tệ trong quý IV.

Theo ndh.vn

Từ khóa: